|
Các nhà lãnh đạo G7 và EU khai mạc hội nghị thượng đỉnh tại Đức hôm 26/6 (Ảnh: Deutsche Welle). |
Đối phó Nga và ủng hộ Ukraine là trọng tâm hàng đầu
Các nhà lãnh đạo Tập đoàn các nước công nghiệp phát triển (G7) đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh hàng năm kéo dài ba ngày vào Chủ nhật (26/6) tại lâu đài sang trọng Schloss Elmau ở bang miền nam Bavaria. Chủ nhà, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã có cuộc gặp gỡ song phương ngắn với Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thăm trước khi diễn ra hội nghị, nhưng nội dung trao đổi không được công bố. Trong cuộc họp báo sau đó, ngoài việc ca ngợi những nỗ lực của Thủ tướng Đức, ông Biden còn nói Berlin là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington. Ông cho rằng tập đoàn G7 và NATO “phải đoàn kết trước cuộc chiến tranh xâm lược do Nga phát động”.
Ông Biden nói: "Ngay từ đầu, ông Putin đã lên kế hoạch chia rẽ NATO và G7, nhưng chúng ta không bị chia rẽ và chúng ta sẽ không bị chia rẽ". Tiếp sau hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ là hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại Tây Ban Nha.
Trên thực tế, vấn đề liệu phương Tây có thể tiếp tục giữ được sự đoàn kết nhất trí hay không đang phải đối mặt với thử thách gay gắt. Nhiều tiếng nói hoài nghi đang nổi lên ở bên trong các nước Đức, Pháp và Italy, đặt vấn đề liệu một lệnh ngừng bắn có phải là một lựa chọn tốt hơn với cái giá là Ukraine hy sinh, từ bỏ một phần lãnh thổ của mình. Theo tin của các cơ quan truyền thông, một cuộc khảo sát xuyên biên giới ở châu Âu cho thấy, nhiều cử tri coi giá cả tăng cao và tình trạng thiếu năng lượng là một cuộc khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn cuộc chiến ở Ukraine. Họ cho rằng trong tương lai cần phải hàn gắn mối quan hệ với Nga ở một mức độ nào đó.
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh Reuters). |
Lập trường của Anh, Ba Lan và ba nước vùng Baltic đối lập gay gắt với các nước Đức, Pháp và Italy nêu trên. Họ cho rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đi ngược lại các điều kiện của Ukraine cũng sẽ dung túng cho Nga phát động xâm lược nhiều hơn trong tương lai.
Nước chủ nhà Đức hy vọng sẽ tận dụng cơ hội của hội nghị thượng đỉnh để bắt chước "Kế hoạch Marshall", khởi động một cuộc tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Chính nhờ “Kế hoạch Marshall” từ năm 1948 đến năm 1952, mà nước Đức- quốc gia bại trận, đã khôi phục lại sự thịnh vượng và tạo nên kỳ tích kinh tế chỉ 6 năm sau khi Thế chiến II kết thúc.
Ngoài Mỹ và Đức, tập đoàn G7 còn có Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản và Vương quốc Anh; các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên. Ngoài ra, nước chủ nhà Đức cũng mời các nước Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal và Nam Phi tham gia một cuộc họp chuyên đề của các nguyên thủ G7. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ có một bài phát biểu qua truyền hình trong thời gian diễn ra hội nghị.
Chỉ vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa khác nhằm vào Kiev. Ngoại trưởng Ukraine Kuleba viết tweet kêu gọi “Nhóm G7 cần dùng biện pháp tăng cường trừng phạt Nga, viện trợ thêm nhiều vũ khí hạng nặng hơn nữa cho Ukraine để đáp trả Moscow”.
|
Lãnh đạo EU và các lãnh đạo G7 kêu gọi đoàn kết nhất trí trong vấn đề Ukraine và đối phó sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc (Ảnh: Reuters). |
Anh, Mỹ... cấm nhập khẩu vàng của Nga
Trước khi hội nghị thượng đỉnh chính thức khai mạc, Vương quốc Anh ra tuyên bố cho biết để gia tăng cường độ trừng phạt nhằm vào Nga, nước Anh đã cùng Mỹ, Nhật Bản và Canada cấm nhập khẩu vàng của Nga. Tuyên bố cho biết, hành động chung này sẽ "đánh trực diện vào các tỷ phú Nga, đánh vào trái tim của cỗ máy chiến tranh của Putin". Được biết, tổng kim ngạch xuất khẩu vàng của Nga trong năm ngoái đạt khoảng 14,6 tỷ euro. Ông Biden ám chỉ trên Twitter rằng các thành viên G7 khác như Đức, Pháp, Italy, cũng nên tham gia lệnh trừng phạt vàng này.
"Cùng nhau, G7 sẽ thông báo rằng chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính thu về hàng chục tỷ USD cho Nga", ông viết trên Twitter.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói thêm: "Chúng ta cần phải bỏ đói chính quyền Putin về nguồn tài chính của nó. Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng ta đang làm điều đó."
Với việc London là trung tâm giao dịch vàng lớn trên toàn cầu, chính phủ Anh cho biết động thái này sẽ có tác động rất lớn đến khả năng huy động vốn của Tổng thống Putin.
Đối phó với sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc
Tại phiên khai mạc hôm Chủ nhật (26/6), các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết huy động 600 tỷ USD quỹ công và tư trong 5 năm để tài trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết ở các nước đang phát triển và đối phó với đề xuất trước đó của Trung Quốc về sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã khởi động lại dự án cũ "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" được sửa lại và mang tên mới là "Đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu" tại phiên họp khai mạc.
Ông Biden cho biết Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD viện trợ không hoàn lại từ quỹ liên bang và đầu tư tư nhân trong 5 năm để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm giúp chống lại biến đổi khí hậu và cải thiện tình trạng y tế toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
|
Ngoài cuộc chiến Nga-Ukraine, đối phó với sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc cũng là một trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G7. |
Ông nói: "Tôi muốn nói rõ. Đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đây là khoản đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho mọi người". Ông nói thêm rằng điều này sẽ giúp các quốc gia "thấy được những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các quốc gia dân chủ."
Ông Biden cho biết hàng trăm tỷ USD tài trợ bổ sung có thể đến từ các ngân hàng phát triển đa phương, tổ chức phát triển tài chính, quỹ tài sản có chủ quyền...
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói tại cuộc họp rằng châu Âu sẽ huy động 300 tỷ euro (khoảng 340 tỷ USD) cho đề án này trong cùng thời kỳ nhằm xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các nhà lãnh đạo của Italy, Canada và Nhật Bản cũng đã nói về kế hoạch của họ, trong đó một số vị đã có tuyên bố riêng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson không có mặt, nhưng các quốc gia của họ cũng tham gia.
Chương trình đầu tư của Trung Quốc liên quan đến sự phát triển và các chương trình tại hơn 100 quốc gia nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại “Con đường Tơ lụa” cổ đại từ châu Á sang châu Âu.
Các quan chức Nhà Trắng nói rằng dường như kế hoạch này của Trung Quốc đã không mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều nước đang phát triển.
Ông Biden đã nhấn mạnh một số dự án hàng đầu, trong đó có dự án phát triển năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD ở Angola với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, công ty Mỹ Africa Global Schaffer và nhà phát triển dự án Africa Sun của Mỹ.
Washington cũng sẽ cùng với các thành viên G7 và Liên minh châu Âu, cung cấp 3,3 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật, cho Viện Pasteur của Senegal khi nước này phát triển một cơ sở sản xuất đa chủng loại vaccine quy mô công nghiệp ở nước này, cuối cùng có thể sản xuất được vaccine COVID-19 và các loại vaccine khác.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng sẽ cam kết hỗ trợ 50 triệu USD trong vòng 5 năm cho Quỹ Khuyến khích Chăm sóc Trẻ em Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB)…
Theo kênh truyền hình France 24, nói với báo giới về kế hoạch này, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ông thừa nhận sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc có ảnh hưởng, nhưng tin rằng đề án của G7 sẽ có lợi thế hơn
The Wall Street Journal cho rằng mặc dù ông Biden đã rất nỗ lực để đoàn kết các đồng minh và chống lại Trung Quốc, nhưng sáng kiến này có khả năng sẽ phơi bày những "vấn đề cũ" mà các đồng minh phương Tây không thể đoàn kết.
Theo thống kê của SCMP, trong số các nước G7, chỉ có Pháp và Italy đã ký kết sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trong số đó, Italy đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc vào đầu năm 2019, trở thành nước G7 đầu tiên tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Vào tháng 2 năm nay, Trung Quốc và Pháp đã ký một danh mục các dự án hợp tác tại thị trường bên thứ ba ở Châu Phi và Trung và Đông Âu.
Điều đáng chú ý là tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 năm ngoái, chính quyền Biden cũng đã chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, đưa ra sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (Build Back Better World, B3W), được coi là phản ứng với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Nhưng kế hoạch này gần như chết yểu do sự chia rẽ giữa các đảng viên Dân chủ.
Vào thời điểm đó, ông Biden đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD "để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng to lớn của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình"… Tuy nhiên, một năm sau khi kế hoạch được công bố, tổng giá trị của các dự án liên quan chỉ là 6 triệu USD.
Tờ SCMP chỉ ra rằng sáng kiến mới này đồng nghĩa với việc khởi động lại kế hoạch cũ sau khi đã bổ sung và sửa đổi.