Ông Tập Cận Bình nói các lệnh trừng phạt của phương Tây "vũ khí hóa" nền kinh tế thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích các lệnh trừng phạt là “vũ khí hóa” nền kinh tế toàn cầu, ngay trước hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nền kinh tế đang nổi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh BRICS (Ảnh: CNN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh BRICS (Ảnh: CNN)

Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp ngay trước hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo đến từ các nền kinh tế thuộc BRICS – bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – ông Tập đã mô tả thế giới đang ở một bước ngoặt quan trọng, khi chật vật phục hồi từ đại dịch, cùng lúc đối diện với “nhiều thách thức về an ninh.”

“Những thảm kịch trong quá khứ đã cho chúng ta thấy rằng quyền bá chủ, chính trị nhóm và xung đột nhóm sẽ không mang tới hòa bình hay an ninh, chúng chỉ dẫn tới xung đột và chiến tranh,” ông nói trên diễn đàn trực tuyến.

“Khủng hoảng Ukraine là một hồi chuông cảnh tỉnh khác đối với toàn thế giới. Nó nhắc nhở cho chúng ta rằng niềm tin mù quáng vào cái gọi là “vị thế sức mạnh” và những nỗ lực mở rộng các khối liên minh quân sự, đổi an ninh của một nước để lấy về lợi ích cho bên khác sẽ chỉ đẩy người ta vào thế tiến thoái lưỡng nan an ninh,” ông Tập nói.

Bình luận này dường như là nhằm vào Mỹ và NATO, những bên mà Bắc Kinh đã liên tục đỗ lỗi là có hành động khiêu khích khiến cho Nga đưa ra hành động quân sự ở Ukraine.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng nói về các lệnh trừng phạt của phương Tây, cho rằng những hình phạt kiểu này là một “con dao hai lưỡi” sẽ vũ khí hóa nền kinh tế toàn cầu và “gây tổn hại cho người dân toàn thế giới.”

Thay vì làm như vậy, các nước nên “tăng cường sự đoàn kết và hợp tác,” ông nói, đồng thời chỉ ra các sáng kiến phát triển và an ninh mới của Trung Quốc như một ví dụ.

Bình luận của ông Tập đã cho thấy cái nhìn rõ hơn về những ưu tiên của Trung Quốc khi họ là nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh thường niên của BRICS – một sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở Bắc Kinh, trong đó lần đầu tiên có sự góp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một diễn đàn quy tụ lãnh đạo của các nền kinh tế lớn kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát.

Trong một đoạn video phát biểu trong cùng sự kiện ngày 22/6, Tổng thống Putin nói rằng Nga “đang chuyển hướng” dòng chảy thương mại của họ sang các nước thuộc BRICS và “các đối tác quốc tế đáng tin cậy” khác, theo Điện Kremlin.

Ông cũng phản ứng trước các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, nói rằng “các lệnh trừng phạt có động cơ chính trị” cùng với “các cơ chế gây sức ép nhằm vào đối thủ cạnh tranh” đã làm tổn hại cho hoạt động kinh doanh toàn cầu và “đi ngược lại logic kinh tế cơ bản chung.”

Các đòn trừng phạt này luôn được xem là công cụ quan trọng được chính phủ các nước phương Tây và đồng minh của họ sử dụng để đối phó với Nga, sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ. Họ muốn gây sức ép để Nga ngừng các chiến dịch quân sự.

Khủng hoảng Ukraine được cho là sẽ phủ bóng mờ lên hội nghị thượng đỉnh BRICS, sự kiện được tổ chức lần thứ 14 kể từ năm 2009. Cuộc khủng hoảng này – cùng với loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga – cũng có thể hâm nóng một số vấn đề nhất định vốn đã được đem ra thảo luận suốt nhiều năm qua, như thúc đẩy các thỏa thuận thương mại nằm ngoài hệ thống đồng USD.

Tổng thống Putin đã nêu khả năng này trong bài phát biểu hôm 22/6, nói rằng các đối tác BRICS “đang phát triển các cơ chế thay thế đáng tin cậy để thực hiện các giao dịch quốc tế” và “đang tìm hiểu khả năng tạo ra dự trữ tiền tệ quốc tế dựa trên giỏ tiền tệ của BRICS.”

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ BRICS sẽ làm thế nào để thực thi các sáng kiến của họ, như việc chuyển từ hệ thống đồng USD sang một hệ thống thay thế. Mặc dù các nhà lãnh đạo BRICS luôn tránh việc công khai chỉ trích Nga, họ vẫn cố để không được xem là ủng hộ hành động của Nga hay hợp tác quá chặt chẽ với Nga – bởi dễ làm mất lòng những người bạn phương Tây của họ.

Điều này được thể hiện khá rõ trong các bài phát biểu mà giới lãnh đạo BRICS đưa ra trong sự kiện tổ chức tối ngày 22/6.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tập trung vào bản thân diễn đàn doanh nghiệp này và thể hiện sự hy vọng nó sẽ là nơi để tăng cường trao đổi giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thì tập trung vào vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng, thương mại và đầu tư. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, trong khi đó, nói về sự hội nhập kinh tế sâu của đất nước trong bối cảnh nhiều rủi ro kinh tế toàn cầu.

Theo CNN