Trong giai đoạn 1922-1936, hải quân Nhật Bản - cùng hải quân Anh, Pháp, Italy và Mỹ - đã bị hạn chế bởi cơ chế kiểm soát vũ khí. Cơ chế này được khởi động tại Hội nghị Hải quân Washington diễn ra từ ngày 12/12/1921 đến ngày 6/2/1922. Hội nghị này kết thúc với sự ký kết ba hiệp ước: Hiệp ước 9 bên về Trung Quốc, Hiệp ước 5 bên về Vũ khí Hải quân (được biết đến phổ biến hơn với tên gọi Hiệp ước Hải quân Washington) và Hiệp ước 4 bên về Củng cố lực lượng ở Thái Bình Dương.
Tháng 2/2017 đánh dấu 95 năm ngày kết thúc Hội nghị Hải quân Washington. Hiện nay, có hai vấn đề an ninh lớn ở Đông Á: Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Vấn đề Triều Tiên sẽ rất phức tạp và gây nhiều khó khăn nếu được đưa vào bàn bạc tại một hội nghị hải quân trong tương lai gần. Tuy nhiên, một hội nghị mà trong đó đề ra các luật lệ để chính phủ các nước giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông (và có thể là ở biển Hoa Đông) sẽ là “chỗ dựa” cho một hiệp ước thời hiện đại nhằm kiểm soát cuộc chạy đua vũ khí hải quân giữa các cường quốc phía Tây Thái Bình Dương: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Mỹ. Các bên tranh chấp chủ quyền khác ở Biển Đông có thể sẽ được mời tham gia hội nghị để giải quyết vấn đề chính trị...
Các vũ khí tương đương với tàu chiến ngày nay là các tàu sân bay, tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) và tàu ngầm tấn công hạt nhân. Ấn Độ hiện có hai tàu sân bay, Trung Quốc sở hữu một chiếc và được cho là đang chế tạo thêm một tàu khác trong tương lai gần. Nhật Bản cũng sở hữu một tàu sân bay trực thăng tương tự.
Tuy nhiên, hải quân Mỹ hiện có tới 10 tàu sân bay năng lượng hạt nhân và nhiều tàu sân bay trực thăng/tàu chiến khác. Một phương thức để quản lý sự chênh lệch này là hạn chế các tàu sân bay được triển khai tại khu vực mà hiệp ước quy định. Mối đe dọa chính trên Biển Đông và biển Hoa Đông là cuộc đối đầu bằng vũ khí truyền thống, có sự tham gia của tàu ngầm, máy bay và tàu chiến trên mặt nước. SSBN sẽ là vũ khí quá đắt đỏ để tham gia vào cuộc đối đầu như vậy.
Bởi Mỹ đã bắt đầu một chương trình đóng tàu chiến lớn trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nên nước này có sức ảnh hưởng để thuyết phục Anh bước vào các cuộc đàm phán. Nhật Bản muốn bảo vệ sức mạnh của họ ở Tây Thái Bình Dương với việc hạn chế Anh và Mỹ triển khai vũ khí trong khu vực. Pháp và Italy muốn bảo vệ vị thế của họ ở biển Địa Trung Hải. Với việc triển khai thêm nhiều tàu sân bay và tàu ngầm tấn công tới Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ với các cường quốc hải quân khác ngoài Trung Quốc trong khu vực, hải quân Mỹ có thể giúp thuyết phục Bắc Kinh tham gia đàm phán về kiểm soát vũ khí hải quân trong khu vực.
Một hiệp ước kiểm soát vũ khí hải quân có sự tham gia của Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề nguy hiểm nhất trong khu vực. Hiện nay, cuộc chạy đua vũ khí hải quân giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu hình thành và có thể phát triển theo chiều hướng vô cùng nguy hiểm, giống như cuộc chạy đua tàu chiến Anh-Đức trong thập niên đầu của thế kỷ trước, hay cuộc chạy đua hải quân giữa Mỹ và Nhật Bản hồi cuối thập niên 1930 dẫn tới Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Hiệp ước như vậy cũng dẫn tới hợp tác sâu rộng hơn giữa Bắc Kinh và Washington, để hai bên có thể cùng nhau giải quyết vấn đề ở Bán đảo Triều Tiên và đưa Trung Quốc gia nhập cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân hiện tại giữa Nga và Mỹ. Việc mời các bên có tranh chấp lãnh thổ khác ở Đông Nam Á tham gia hội nghị cũng sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu hội nghị này thất bại, nguy cơ căng thẳng chính trị trong khu vực gia tăng là rất lớn. Mặc dù vậy, mối lo sợ thất bại luôn là lời biện hộ cho việc không đưa ra hành động nào, và nếu không có giải pháp thật sự, vấn đề sẽ càng nghiêm trọng.
Việc kiểm soát vũ khí có tác dụng hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào động cơ của Trung Quốc khi tiến hành các hành động khiêu khích ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc dựa trên việc vạch ra các vùng an toàn cho SSBN của họ để tăng cường răn đe hạt nhân, hoặc đó là một phần trong chiến lược mới để củng cố quyền lực của giới cầm quyền?
Nếu chính sách này về bản chất là để phòng thủ, thì việc kiểm soát vũ khí hải quân có thể là biện pháp thay thế để bảo vệ các khu vực nói trên. Tuy nhiên, nếu các động cơ đó có liên quan đến chính trị trong nước và để khai thác lợi ích kinh tế các tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, thì việc kiểm soát vũ khí sẽ rất khó có thể thực hiện.
* Bài viết trên National Interest của Tiến sĩ Thomas G. Mitchell thuộc Trường Đại học Nam California. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là vấn đề hạt nhân và kiểm soát vũ khí thông thường.