Theo các chuyên gia, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã và đang ngày càng hướng đến mô hình kinh tế của Trung Quốc. Từ tháng 3/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã hai lần sang Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, một phái đoàn cấp cao của Đảng Lao Động Triều Tiên, hồi tháng 5/2018, đã có chuyến tham quan 11 ngày tại các trung tâm công nghiệp chuyên về ứng dụng công nghệ cao trong giao thông đô thị và những đột phá khoa học mới nhất của Trung Quốc.
Phái đoàn cấp cao nói trên tới Trung Quốc chỉ một vài tuần sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố ngưng thủ nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời hứa xây dựng kinh tế xã hội.
Truyền thông Trung Quốc đánh giá đó là thông báo về "mở cửa và cải cách" của Triều Tiên, khiến làn sóng đầu tư vào bất động sản tại thành phố biên giới Đan Đông được đẩy mạnh.
Reuters trích dẫn Jeon Kyong Man, kinh tế gia thuộc Viện Hội nhập Xã hội Hàn Quốc, theo đó "Ông Kim Jong Un đối thoại với Donald Trump chỉ là để thoát khỏi sự trừng phạt của Mỹ, mọi chuyện tiếp theo sẽ là giữa ông Kim và ông Tập Cận Bình".
Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, quan hệ thương mại song phương càng được củng cố. Giao thương với Trung Quốc chiếm 90% tổng trao đổi thương mại của Triều Tiên.
Theo Adam Cathcart, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên tại Đại học Leeds ở Anh, sự đình trệ trong tăng trưởng kinh tế ở vùng đông bắc Trung Quốc cũng thúc đẩy Bắc Kinh phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế với Triều Tiên.
Còn theo giới chuyên gia thuộc công ty cổ phần chứng khoán Đông Hưng ở Bắc Kinh, mô hình chuyển dịch từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc thu hút Bình Nhưỡng vì nó đi kèm theo sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội. Nếu tính tới vị trí địa lý, hệ thống kinh tế, quy mô thị trường và giai đoạn phát triển kinh tế, thì sự hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Triều Tiên có những lợi thế không thể thay thế được.
Tuy nhiên, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên Cathcart cho rằng tiến trình tự do hóa kinh tế của Triều Tiên sẽ chậm : Bình Nhưỡng muốn cẩn trọng vì việc nới lỏng các quy định về tiền tệ và di cư có thể khiến các rủi ro chính trị gia tăng.
Chuyên gia Cathcart cho rằng ngoài hình mẫu Trung Quốc, Triều Tiên cũng có thể nhìn vào các mô hình kinh tế khác, vốn có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, chẳng hạn như Việt Nam, hoặc cơ cấu kinh doanh kiểu các đại tập đoàn chaebol của Hàn Quốc.
Hồi tháng 4/2018, sau thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm, báo Hàn Quốc Maeil Kyungjae trích lời một quan chức cao cấp tiết lộ, lãnh đạo Kim Jong Un đã nói với tổng thống Moon Jae In về ý định tiến hành cải cách theo mô hình của Việt Nam. Theo đó, Triều Tiên vừa phát triển kinh tế, vừa duy trì quyền lực của đảng cầm quyền và duy trì quan hệ hữu hảo với Mỹ.