Triều Tiên phóng tên lửa: Nga, Trung Quốc phản ứng ra sao?

VietTimes -- Tổng thống Donald Trump đã lên Twitter bình luận về thái độ của các đồng minh khu vực và của Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc và Nga ra tuyên bố chung lên án Triều Tiên và kêu gọi thực hiện "sáng kiến".
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Sina
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Sina

Theo các nguồn tin, ngày 4/7/2017, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14. Quả tên lửa này đã bay trong thời gian 40 phút, bay cao trên 2.500 km. Sau đó Triều Tiên đã công bố tên lửa này là tên lửa xuyên lục địa.

24 giờ trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn kêu gọi nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Nhật Bản gây sức ép với Bình Nhưỡng, thúc đẩy họ từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Sau vài giờ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên, cũng trong ngày 4/7, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “khó có thể tin rằng Hàn Quốc và Nhật Bản còn có thể khoan nhượng với trường hợp này được bao lâu”.

Ông Donald Trump còn nói: “Có lẽ Trung Quốc sẽ ra mạnh tay với Triều Tiên, kết thúc toàn bộ sự phiền phức này”. Vào sáng ngày 5/7, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin Triều Tiên phóng tên lửa lần này.

Trung - Nga ra tuyên bố chung

Ngày 4/7/2017, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng tên lửa Triều Tiên phóng lần này không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong khi đó, vào tối ngày 4/7/2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Nga đã ra Tuyên bố chung về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố cho hay Nga và Trung Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực hết sức thúc đẩy giải quyết cả gói vấn đề bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề hạt nhân, thực hiện hòa bình và ổn định lâu dài Đông Bắc Á.

Trên cơ sở đó, Tuyên bố chung chỉ ra hai bên bày tỏ đặc biệt quan ngại đối với việc Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố phóng tên lửa, cho rằng hành động này đã vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, hai bên không thể chấp nhận đối với vấn đề này, mạnh mẽ thúc giục Triều Tiên tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu trong nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Triều Tiên phóng tên lửa. Ảnh: Sputnik.
Triều Tiên phóng tên lửa. Ảnh: Sputnik.

Hai bên rất quan ngại về sự phát triển của tình hình bán đảo Triều Tiên và tình hình khu vực xung quanh. Tình hình chính trị, quân sự khu vực này căng thẳng leo thang có thể dẫn tới xung đột vũ trang, cộng đồng quốc tế cần áp dụng các biện pháp tập thể, thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết hòa bình.

Hai bên phản đối bất cứ lời nói và hành động nào làm căng thẳng và gia tăng mâu thuẫn, kêu gọi các nước liên quan giữ kiềm chế, tránh có cách hành động khiêu khích và lời nói hiếu chiến, thể hiện ý nguyện đối thoại vô điều kiện, cùng có các nỗ lực tích cực làm dịu tình hình căng thẳng.

Hai bên lấy sáng kiến "hai tạm dừng" (Triều Tiên tạm dừng các hoạt động hạt nhân và tên lửa, Mỹ - Hàn tạm dừng các cuộc tập trận quy mô lớn) và thực hiện tư duy "kép" (phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và xây dựng cơ chế hòa bình bán đảo) của Trung Quốc cùng với ý tưởng giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên theo từng bước của Nga làm nền tảng, đưa ra sáng kiến chung.

Hai bên kiến nghị Triều Tiên đưa ra quyết đoán chính trị tự nguyện, tuyên bố tạm dừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Mỹ và Hàn Quốc cũng tạm dừng tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn.

Các bên mở ra các cuộc đàm phán đồng bộ, xác định nguyên tắc quan hệ tổng thể, bao gồm không sử dụng vũ lực, không xâm lược, chung sống hòa bình, sẵn sàng nỗ lực thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, giải quyết cả gói tất cả các vấn đề, bao gồm vấn đề hạt nhân.

Trong tiến trình đàm phán, các bên thúc đẩy xây dựng cơ chế hòa bình, an ninh bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á mà các bên đều có thể chấp nhận được, cuối cùng thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa các nước có liên quan.

Hai bên kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ sáng kiến trên, mở ra con đường hiện thực cho giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Hai bên kiên quyết bảo vệ hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, kiên trì thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cần được thực hiện toàn diện, hoàn chỉnh. Hai bên cùng cùng các bên liên quan tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải quyết mối quan tâm của các bên bằng đối thoại, đàm phán.

Hai bên tái khẳng định các mối quan tâm hợp lý của Triều Tiên cần được tôn trọng. Các nước khác cần nỗ lực cho khôi phục đàm phán, cùng tạo ra bầu không khí hòa bình, tin cậy lẫn nhau.

Hai bên kêu gọi các bên tuân thủ "Tuyên bố chung 19/9", nhanh chóng tái khởi động tiến trình đối thoại giải quyết toàn diện vấn đề bán đảo. Các biện pháp quân sự không nên trở thành phương án lựa chọn giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Hai bên ủng hộ hai miền Triều Tiên triển khai đối thoại, đàm phán, cùng tỏ thiện chí với nhau, cải thiện quan hệ, thúc đẩy hòa giải, hợp tác, phát huy vai trò cần thiết để làm dịu tình hình căng thẳng, giải quyết ổn thỏa vấn đề bán đảo.

Hai bên tái khẳng định rất coi trọng bảo vệ hòa bình và ổn định của quốc tế và khu vực, nhấn mạnh quan hệ đồng minh giữa các nước liên quan không nên gây thiệt hại cho lợi ích của bên thứ ba. Phản đối các thế lực ngoài khu vực (Mỹ) lấy cớ ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tăng cường triển khai và hiện diện quân sự ở khu vực Đông Bắc Á.

Hai bên tái khẳng định, triển khai hệ thống THAAD ở khu vực Đông Bắc Á gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực trong đó có Trung Quốc và Nga, không có lợi cho thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hòa bình, ổn định khu vực.

Hai bên phản đối triển khai hệ thống nói trên, thúc giục các nước liên quan lập tức chấm dứt và hủy bỏ việc triển khai liên quan, bàn bạc áp dụng các biện pháp cần thiết, thiết thực bảo vệ lợi ích an ninh của hai nước và cân bằng chiến lược khu vực.

Tuyên bố chung này được Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung Quốc và Nga ký kết ngày 4/7/2017 tại Thủ đô Moscow, Nga.