Ngày 27/4/2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiến hành một hội nghị thượng đỉnh thành công ở Nhà Hòa bình tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom), một ngôi làng ở tỉnh Gyeonggi, nơi thuộc giới tuyến phân cách hai miền Triều Tiên.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung về thực hiện hòa bình, phồn vinh và thống nhất bán đảo Triều Tiên, đạt được nhận thức chung về cải thiện quan hệ song phương, thực hiện phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài bán đảo.
Theo các nhà phân tích, cuộc hội đàm được tổ chức thuận lợi như vậy có lợi cho thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị vấn đề bán đảo và phi hạt nhân hóa bán đảo, đồng thời đã đặt cơ sở cho hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến tổ chức vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2018. Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không thể được thực hiện một cách nhanh chóng, đòi hỏi các bên phải tiếp tục nỗ lực đi về cùng một hướng.
Điểm khởi đầu mới của hòa bình
Trong tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh, sẽ nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi Hiệp định đình chiến sang Hiệp định hòa bình trong năm 2018, xây dựng cơ chế hòa bình vững chắc, vĩnh viễn.
Tuyên bố cam kết, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ chấm dứt toàn diện “hành vi thù địch”, tăng cường giao lưu và hợp tác, thiết lập cơ quan liên lạc chung tại Kaesong, tổ chức các hoạt động như gặp gỡ các gia đình ly tán. Hai bên thỏa thuận, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Triều Tiên vào mùa thu năm nay.
Chuyên gia cho rằng lấy Olympics Pyeongchang làm khởi điểm, quan hệ hai miền Triều Tiên từng bước dịu đi, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này làm cho quan hệ hai miền Triều Tiên tiếp tục ấm lên.
Giáo sư Kim Cảnh Nhất, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế kiên trì thông qua các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân và làm dịu tình hình bán đảo Triều Tiên, đây gọi là “thiên thời”; việc tổ chức Olympics Pyeongchang đã cung cấp “địa lợi”, còn hai miền nam bắc Triều Tiên có thái độ thiện chí hướng tới đạt dược đồng thuận, trở thành “nhân hòa”, một nhân tố rất quan trọng.
Nhà nghiên cứu Vương Tuấn Sinh, Trung tâm nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng cuộc gặp lần này làm cho hai bên nam bắc đi ra khỏi vòng tuần hoàn tiêu cực đối đầu căng thẳng, đã cung cấp thời cơ quan trọng cho các nước liên quan trong khu vực cùng nhau thảo luận phi hạt nhân hóa bán đảo, thiết lập cơ chế hòa bình bán đảo.
Hướng đến phi hạt nhân hóa
Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một trong những vấn đề được chú ý nhất tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này. Trong tuyên bố chung hai bên đã xác nhận thực hiện mục tiêu chung phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia cho rằng phi hạt nhân hóa bán đảo là điều kiện tiền đề và cơ sở quan trọng cho phát triển quan hệ song phương, thiết lập cơ chế hòa bình vĩnh viễn bán đảo. Từ việc Triều Tiên tuyên bố chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa đến khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo đạt được tiến triển tích cực, có lợi cho hòa bình, ổn định của bán đảo.
Trong khi đó, mục tiêu phi hạt nhân hóa có thực hiện được hay không, cần các bên có thành ý và hướng tới, đặc biệt là hai bên quan trọng Mỹ và Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới đáng được trông đợi.
Giáo sư Kim Hyung-jun, Đại học Handong, Hàn Quốc cho rằng phi hạt nhân hóa không chỉ là vấn đề giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, mà còn là vấn đề giữa Triều Tiên và Mỹ. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã bày tỏ ý nguyện phi hạt nhân hóa, nhưng điều này còn tồn tại sự khác biệt với lập trường “từ bỏ hạt nhân hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” của Mỹ, nhất là phe cứng rắn Mỹ.
Giáo sư Hugh White, Đại học Quốc gia Australia cho rằng hội nghị thượng đỉnh liên Triều đóng vai trò “chuẩn bị và tạo nền” rất lớn cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, cho thấy mức độ trùng hợp về mục tiêu đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên là bao nhiêu.
Theo Giáo sư Andrei Lankov, Đại học Quốc gia Hàn Quốc, chuyên gia vấn đề Triều Tiên của Nga, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo là một quá trình lâu dài, tăng cường giao lưu, giảm thiểu hiểu nhầm trong quá trình này là rất quan trọng.
Trung Quốc muốn khẳng định vai trò
Ngày 27/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng thành quả tích cực của cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều có lợi cho tăng cường hòa giải và hợp tác hai bên, bảo vệ hòa bình và phồn vinh bán đảo, thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị vấn đề bán đảo. Trung Quốc bày tỏ chúc mừng và hoan nghênh đối với điều này.
Lục Khảng cho biết thêm, Trung Quốc nhất quán ủng hộ Triều Tiên và Hàn Quốc thông qua đối thoại, đàm phán, xây dựng lòng tin, cải thiện quan hệ song phương. Điều này phù hợp với lợi ích chung của hai bên và khu vực, cũng là mong đợi chung của cộng đồng quốc tế.
Nghị sĩ Quốc hội, cựu Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Jie-won cho rằng việc giải quyết cuối cùng vấn đề bán đảo cần có sự tham gia của các bên như Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ. Lòng tin và đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ là then chốt, trong khi đó sự tham gia của Trung Quốc là quan trọng nhất.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Vương Tuấn Sinh, là nước chủ tịch của Hội đàm sáu bên, Trung Quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đã có nỗ lực to lớn cho xây dựng cơ chế hòa bình bán đảo.
Giáo sư Vương Sinh, khoa chính trị quốc tế, Học viện Hành chính, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc cho rằng Trung Quốc phản đối chiến tranh và bất ổn ở bán đảo, chủ trương giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, về khách quan đã phát huy vai trò “tạo ổn định” cho tình hình bán đảo. Lấy Olympic Pyeongchang làm cơ hội, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã có bình minh giải quyết hòa bình. Sự ủng hộ đầy đủ và to lớn của Trung Quốc giúp cho các bên có thể làm việc theo một phương hướng đúng đắn chung.