|
Ảnh chụp 18 quả tên lửa rời bệ phóng cùng lúc (Ảnh: KCNA) |
Hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un hôm 30/5 đã đích thân chỉ đạo cuộc diễn tập bắn đạn thật của các hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn cỡ 600mm. Lực lượng pháo binh đã bắn trúng thành công vào mục tiêu trên một hòn đảo cách đó khoảng 365 km.
Cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đặt tên cho loại bệ phóng tên lửa siêu lớn này là KN-25. Hệ thống này có tầm bắn 400 km và thuộc loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, là thứ vũ khí chuyên dụng nhắm vào Hàn Quốc. Theo phân tích, loại đạn tên lửa này có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Triều Tiên cho biết, trong cuộc tập trận họ đã phóng đồng loạt 18 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, thể hiện quyết tâm tấn công phủ đầu nhằm vào Hàn Quốc nếu cần thiết để đáp trả một cuộc tấn công. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên đưa tin, đơn vị pháo binh tên lửa siêu lớn “đã thực hiện cuộc bắn trình diễn mạnh mẽ nhằm mục đích để đối phương nhận ra rằng quân đội Triều Tiên có thể thực hiện quyền tự vệ và phát động một cuộc tấn công phủ đầu bất cứ lúc nào để đáp trả nỗ lực sử dụng lực lượng quân sự chống Triều Tiên của kẻ thù”.
Bản tin của KCNA cho biết, ông Kim Jong-un đã ra lệnh tiến hành hoạt động bắn tên lửa này. Ông Kim Jong-un nói: "Vụ khai hỏa này sẽ khiến kẻ thù nhận thức được hậu quả của việc dám xúc phạm chúng ta và nhấn mạnh phải hết sức chú ý đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân".
Bản tin của KCNA cũng viết, cuộc tập trận "Ngọn lửa tuyệt chủng" cho thấy ý chí của Triều Tiên trong việc bảo vệ chủ quyền và đáp trả kẻ thù.
Phía quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng hơn 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía bờ biển phía đông nước này hôm thứ Năm, có thể để thu hút những khách hàng tiềm năng, trong đó có Nga.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu tư vấn ở Washington, các tên lửa siêu lớn loại này được Triều Tiên thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2019 đã làm mờ đi sự khác biệt giữa hệ thống pháo phản lực (còn gọi là tên lửa phóng loạt) và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Triều Tiên cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể phù hợp trang bị cho loại tên lửa này của họ.
Ngoài ra, Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) chỉ ra rằng việc phân tích hình ảnh các mảnh vỡ đã xác nhận rằng Nga đã sử dụng tên lửa của Triều Tiên trong cuộc chiến tranh với Ukraine.
Hiện Liên Hợp Quốc vẫn thực thi lệnh cấm vận với Triều Tiên; cả Nga và Triều Tiên đều phủ nhận tham gia vào các vụ giao dịch vũ khí vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên nhưng nói hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực.
Triều Tiên thử nghiệm pháo phản lực-tên lửa 240 mm với đạn dẫn đường mới
Triều Tiên phát triển hệ thống bảo vệ chủ động APS cho xe tăng tương tự Armata của Nga
Pulkhvasar-3-31- tên lửa hành trình gây bất ngờ của Triều Tiên
Theo Singtao