Triều Tiên đã theo đuổi công nghệ AI từ những năm... 1990

Mặc dù thông tin này có vẻ sẽ gây sửng sốt cho nhiều người,  nhưng quả là Triều Tiên đã bí mật phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) từ những năm 1990.
Lễ duyệt binh của Triều Tiên

Theo Koreaherald, Triều Tiên đã đẩy mạnh nghiên cứu phát triển AI từ những năm 1990 dưới sự hỗ trợ của nhiều nhiều cơ quan nghiên cứu phần mềm Nhà nước, trong đó có Viện nghiên cứu phần mềm trực thuộc Trung tâm Máy tính Triều Tiên (KCC). KCC là trung tâm nghiên cứu IT hàng đầu thuộc chính phủ Triều Tiên. Tổ chức được thành lập vào 24/10/1990.

Ngoài trung tâm Máy tính Triều Tiên, nước này hiện có 3 trung tâm nghiên cứu khác phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo, sản xuất tự động hóa và phát triển phần mềm, xác thực sinh trắc học và bảo mật kỹ thuật số.

Bộ phận KDB Research thuộc Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) - nguồn đưa ra thông tin trên khẳng định, Triều Tiên sẽ gặp phải nhiều khó khăn lớn trong phát triển AI do nguồn lực hạn chế.

Hạn chế lớn nhất là đầu tư phần cứng máy tính cao cấp, điều kiện tối quan trọng để huấn luyện và cải tiến hệ thống AI.

Khi công nghệ AI hiện đại ngày càng tiến hóa, chúng cần tìm hiểu và thu nhập một lượng lớn dữ liệu. Nhưng quá trình huấn luyện này đòi hòi nguồn lực đầu tư phần cứng và phần mềm rất lớn.

Ông Kim Min-kwan thuộc bộ phận kinh doanh của KDB Research cho biết: "Việc phát triển AI tại Triều Tiên sẽ vấp phải nhiều trở ngại do nguồn lực tài chính hạn hẹp, tình hình kinh tế và các biện pháp trừng phạt quốc tế, bao gồm Hiệp định Wassenaar, cấm xuất khẩu vũ khí sang các nước có liên quan đến khủng bố".

Triều Tiên từng có thành quả AI đáng nể

Thành quả đầu tiên về AI của Triều Tiên chính là Eunbyul, một hệ thống AI ra đời từ năm 1997, dành riêng để chơi môn cờ vây.

Trước khi Google nổi lên với AlphaGo, Eunbyul từng là nhà vô địch trong các cuộc thi cờ vây trên máy tính quốc tế. Thậm chí, AI của Triều Tiên đã vô địch 6 lần liên tiếp từ năm 1998, 2003, 2004, 2005, 2006 và 2009.

Công nghệ cốt lõi của Eunbyul không hề khác so với AlphaGo. Cả hai đều hoạt động dựa vào phương pháp Monte Carlo, một thuật toán tìm kiếm heuristic (kỹ thuật giải quyết vấn đề dựa trên những kinh nghiệm sẵn có) hỗ trợ đưa ra quyết định dựa vào kiến thức đã được tiếp thu thông qua máy học.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai hệ thống AI trở nên rõ rệt khi phiên bản Eunbyul (2010) chỉ có 16CPU. Trong khi đó AlphaGo, AI đã đánh bại kỳ thủ cờ vây Lee Se-dol hồi năm 2016 sử dụng tới 1920 CPU và 280 GPU để liên tục tính toán hơn 100 ngàn hướng đi trong vòng 1 giây.

Không chỉ phát triển AI, Triều Tiên cũng đang nghiên cứu deep learning, một hình thức máy học cao cấp sử dụng mạng lưới thần kinh nhân tạo. Công nghệ này sẽ cho phép các hệ thống máy tính có thể tự học mà không cần con người hỗ trợ.

Triều Tiên đang rất tham vọng làm chủ công nghệ AI trong tương lai

Theo một bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc ĐH. Kim Il-sung University, Bình Nhưỡng, Triều Tiên đang tích cực cải tiến phần mềm nhận dạng giọng nói Ryongnamsan bằng nhiều thuật toán deep learning. Đây cũng là công nghệ đặt nền móng cho các trợ lý ảo AI như Siri, Alexa, hay Google Assistant.

Nguồn tin từ KDB Research tiết lộ, Triều Tiên đang phát triển hệ thống AI phục vụ nhận dạng khuôn mặt và ngón tay. Thậm chí nước này cũng nắm trong tay nhiều phương pháp tính toán phức tạp như mô hình không gian vector.

Có thể thấy, trái với những nhận định thiếu khách quan từ bên ngoài, Triều Tiên đang chứng tỏ quốc gia này có đủ năng lực để tiếp cận công nghệ mới, và bắt kịp thế giới.

Theo VnReview
http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2304959/trieu-tien-da-theo-duoi-cong-nghe-ai-tu-nhung-nam-1990