Một tuyên bố mà Bộ Ngoại giao nước này đưa ra trong hôm thứ Ba vừa qua nói rằng, Mỹ cần phải dẹp ngay “kiểu tính toán hiện tại” của họ nếu như còn muốn vãn hồi các vòng đàm phán giữa hai nước, vốn đã lâm thế bế tắc kể từ sau kỳ Hội nghị thượng đỉnh lần hai tổ chức tại Hà Nội mà không đạt tuyên bố chung.
Tuyên bố trên được tờ Rodong Sinmun – tờ báo thuộc quyền quản lý của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên – đăng tải sau đó. Tuyên bố này nêu rõ, việc Mỹ điều chỉnh hướng tiếp cận sẽ là “lựa chọn chiến lược đúng đắn” nhằm cứu vãn tuyen bố chung mà ông Kim và Tổng thống Donald Trump ký kết ở Singapore hồi thngs 6/2018, trong đó cả hai cam kết giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Thông điệp mới nhất của Triều Tiên – được một Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này đưa ra – nói rằng sự tồn vong của thỏa thuận trên phụ thuộc vào cách mà Mỹ phản ứng trước “quan điểm hợp lý và công bằng của chúng tôi”. Nếu phản ứng của mỹ không phù hợp, theo Phát ngôn viên này, Tuyên bố chung Singapore sẽ trở thành “một đống giấy trống rỗng”.
“Mỹ nên xem lại thời điểm cách đây 1 năm và suy ngẫm lại xem đâu sẽ là lựa chọn chiến lược đúng đắn trước khi quá muộn” – vị quan chức nói thêm – “Mỹ nên thay đổi phương thức tính toán hiện tại và đưa ra phản ứng trước đề nghị của chúng tôi sớm nhất có thể. Sự kiên trì của chúng tôi cũng có hạn”.
Hội nghị thượng định Mỹ-Triều lần hai tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam đã không thể đưa ra được tuyên bố chung, điều này đã chứng tỏ phái đoàn hai nước vẫn còn khoảng cách rất xa trong cách giải quyết các vấn đề liên quan tới gỡ bỏ lệnh cấm vận và giải giáp hạt nhân. Theo Reuters, Tổng thống Trump đã yêu cầu ông Kim từ bỏ hết vũ khí hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân trước để đổi lấy việc gỡ bỏ cấm vận. Ông Kim đã bác bỏ đề xuất này, và kết quả là hội nghị kết thúc sớm.
Mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng còn trở nên “nóng” hơn trong thời gian qua sau khi Triều Tiên thực hiện một số vụ thử nghiệm tên lửa mới, và việc Mỹ thu giữ một tàu vận tải của Triều Tiên vì cáo buộc vận chuyển than đá, vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ.
Vòng đàm phán bị bế tắc đã lâu, càng làm dấy lên những tuyên bố mang giọng điệu hằm hè lẫn nhau, đặc biệt là từ phía Triều Tiên. Tháng trước, một quan chức Bộ Ngoại giao nước này đã đe dọa “đáp trả mạnh mẽ” nếu như Mỹ không chịu điều chỉnh chiến lược đàm phán của họ.
Mối quan hệ ngày càng cho thấy rõ tín hiệu “lạnh nhạt” cũng càng khiến người ta lo ngại rằng, hai nước có thể trở lại thời kỳ căng thẳng tột đột đến mức có thể xảy ra xung đột bất kỳ lúc nào như trước đây – thời điểm mà ông Trump từng dọa trút “lửa và phẫn nộ mà thế giới chưa từng thấy” lên Triều Tiên.
Dù có nhiều ý kiến cho rằng các vụ thử nghiệm tên lửa mới đây của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của LHQ, ông Trump vẫn cố gắng tránh chỉ trích công khai ông Kim. Trong chuyến thăm cấp nhà nước mới đây tới Nhật Bản, ông Trump đã xung đột ý kiến với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và cả chính Cố vấn An Ninh Quốc gia của mình là ông John Bolton – cả hai đều coi vụ thử tên lửa của Triều tiên là hành động vi phạm nghị quyết LHQ.
“Tôi lại nhìn nó theo cách khác” – ông Trump nói với báo giới. Khi được hỏi liệu ông có quan ngại về các vụ thử tên lửa này hay không, ông Trump trả lời: “Không, tôi không quan ngại”, thêm rằng ông “rất vui” với những điều đang tiến triển ở Triều Tiên, dù các vòng đàm phán đã sụp đổ.