Các hệ thống máy tính được thiết kế để mô phỏng chức năng của bộ não con người, với các tế bào thần kinh kỹ thuật số và các khớp thần kinh sao chép chức năng các đối tượng sinh học của chúng.
Trong đó, khớp thần kinh đóng vai trò cửa ngõ cho các tế bào thần kinh, dù là tổng hợp hay sinh học, truyền thông tin và tín hiệu cho nhau. Chúng là mô liên kết trong cả mạng nơ ron sinh học và nhân tạo. Người ta ước tính hệ thần kinh điển hình của con người chứa hơn 100.000 tỉ synapse.
Dù các nhà khoa học đã đạt được những thành công đáng kể với mạng nơ ron nhân tạo nhưng các hệ thống AI lại bị cản trở bởi một giới hạn cụ thể. Trong bộ não của động vật có vú, synapse chứa hai loại tín hiệu ức chế và kích thích đồng thời. Synapse nhân tạo được làm từ các linh kiện điện tử nano chỉ có thể xử lý một loại tín hiệu tại một thời điểm. Kết quả, AI chỉ mới hoạt động được một nửa hiệu suất.
Tạp chí ACS Nano dẫn thông tin từ đồng tác giả Han Wang, thuộc Đại học Nam California, cho biết: "Những khớp thần kinh mới này cho phép synapse giống nhau được cấu tạo lại thành các chế độ kích thích hoặc ức chế, mà trước đây không thể có trong các thiết bị khớp thần kinh nhân tạo. Tính linh hoạt chức năng mới này rất quan trọng cho phép tạo ra mạng nơ ron nhân tạo phức tạp hơn, cũng có thể tự động cấu hình lại giống như bộ não của chúng ta".
Các synapse nhân tạo mới cho phép các chức năng tương tự trong hệ thống máy tính. Trường hợp hệ thống thần kinh sử dụng các khớp thần kinh để xử lý tín hiệu hóa học và điện, các mạng thần kinh nhân tạo sử dụng synapse tổng hợp để xử lý thông tin kỹ thuật số. Trong một mạng thần kinh nhân tạo, các tín hiệu kích thích sẽ tăng cường các kết nối nhất định trong mạng lưới và phản ứng ức chế làm yếu đi các kết nối như vậy.
Theo Thanh Niên
http://thanhnien.vn/doi-song/tri-tue-nhan-tao-se-thong-minh-hon-nho-khop-than-kinh-863846.html