|
Trí thông minh nhân tạo được cho là sẽ tạo ra sự tăng trưởng lớn cho kinh tế thế giới. Ảnh: QZ |
Theo đó, nếu AI có thể đảm đương tất cả các nhiệm vụ của con người và tự tạo ra các ý tưởng đổi mới sáng tạo thì nó có thể thay đổi triệt để tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Mức độ ảnh hưởng của AI
Trí thông minh nhân tạo đã có một ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hằng ngày của con người, từ máy học Alexa của Amazon - sản phẩm được các nhà hàng ưa thích - đến iPhone của Apple với khả năng dự đoán từ tiếp theo trong một tin nhắn văn bản.
Trong bối cảnh đó, nhà kinh tế học Benjamin Jones thuộc Đại học Stanford (Mỹ) và Philippe Aghion của trường Collège de France (Pháp) đã đặt câu hỏi về việc AI có thể tác động ra sao đến sự tăng trưởng kinh tế. Họ đã xem xét việc AI có thể tự động hóa đến mức nào, bao gồm việc tạo ra những tư tưởng mới, để qua đó thấy được vai trò của nó đối với nền kinh tế.
Hồi đầu tháng 10/2017, nhóm nghiên cứu đã chia sẻ quan điểm và kết quả nghiên cứu trong bài viết "Trí thông minh nhân tạo và tăng trưởng kinh tế" dành cho National Bureau of Economic Research - một tổ chức phi lợi nhuận của các nhà kinh tế hàng đầu.
“Nếu máy học thực sự có thể đảm đương tất cả các nhiệm vụ của con người, thậm chí cả việc tạo ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo thì AI có thể tạo ra sự thay đổi cơ bản về tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế. Nhưng câu hỏi thực sự là: AI có thể đảm đương được tất cả các nhiệm vụ thiết yếu hay không?” - Benjamin Jones chia sẻ trên tờ CNBC.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu AI được cải tiến một cách nhanh chóng, chúng có thể cung cấp các sáng kiến cải thiện công việc. Khi đó, một số công việc có thể tăng trưởng bùng phát về lương, trong khi một số khác trở nên lỗi thời.
Hoạt động AI đang được đẩy mạnh với sự dẫn đầu của các công ty công nghệ lớn. Xe tự hành là một lĩnh vực đang phát triển nóng. Các nhà sản xuất chip - bao gồm Nvidia - đã tinh chế sản phẩm để phù hợp với khả năng tính toán của AI; còn Amazon từ lâu đã dùng AI để giới thiệu sản phẩm trong thương mại điện tử.
Mô hình AI tạo cuộc cách mạng kinh tế
Để đánh giá vai trò của AI với nền kinh tế, Benjamin Jones và các đồng nghiệp đã xem xét rất nhiều mô hình nhằm tìm ra mô hình mà trong đó AI hữu ích nhất trong việc tạo ra sự tăng trưởng kinh tế theo cách mà động cơ hơi nước và chip máy tính đã làm được trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Mô hình đầu tiên là AI thay thế mọi nhiệm vụ của con người, trong khi các mô hình khác chỉ tự động hóa một phần.
Trong mô hình lực lượng lao động bị thay thế hoàn toàn, AI và vốn kinh tế là thiết yếu để tạo ra những ý tưởng mới. Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng AI có thể bước vào giai đoạn tự hoàn thiện nhanh chóng với chu kỳ mới thông minh hơn trước đây. Sự phát triển như vậy có thể làm thay đổi đáng kể cách con người sống.
Đây không phải là điều vô căn cứ khi mới tuần trước, DeepMind của Google đã ra mắt Alpha Zero - phiên bản mới nhất của Alphago, phần mềm máy tính tự học với khả năng chơi cờ vây xuất chúng. Alpha Zero đã đánh bại “người tiền nhiệm” 100 lần liên tục chỉ sau 3 ngày huấn luyện.
Đóng góp của AI vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2017-2030. Nguồn PwC
Tuy nhiên, Benjamin Jones cho biết, hiện các nhà kinh tế còn bất đồng về việc liệu AI có đạt tới điểm mà nó có thể tạo ra ý tưởng ban đầu.
Một trong những bài học quan trọng nhất của nghiên cứu này là tăng trưởng kinh tế có thể bị hạn chế không phải do khả năng của con người mà do những điều thiết yếu rất khó cải thiện. Chẳng hạn trong nông nghiệp, trong khi phân bón và các biện pháp hỗ trợ giúp năng suất tăng trưởng đột biến thì diện tích đất lại khiến việc sản xuất bị giới hạn.
“Đó là sự tắc nghẽn. Chúng ta đang sản xuất thực phẩm tốt hơn cách đây 100 năm, nhưng sự tự động hóa đã khiến cho ngành sản xuất lương thực hiện chỉ còn chiếm 2% GDP. Chúng ta đã có những siêu máy tính. Tuy nhiên, sự tăng trưởng gần đây đã chậm hơn trước. Con người vẫn bị hạn chế bởi những điều chúng ta không thể hoặc khó cải thiện” - nhóm nghiên cứu nói.
Theo họ, một "nút cổ chai" khác là “giới hạn tìm kiếm”. Những ý tưởng đổi mới sáng tạo rõ ràng nhất là những khám phá đầu tiên và ngày càng khó tìm ra ý tưởng mới. AI có thể giúp tăng tốc độ tìm kiếm các ý tưởng đó, nhưng kết quả còn tùy thuộc vào một vũ trụ hữu hạn của những ý tưởng mới.
Cách đây không lâu, công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pricewaterhouse Coopers (PwC) đã công bố nghiên cứu, trong đó dự đoán, cho đến năm 2030 AI sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng 14% - tương đương khoảng 15,7 nghìn tỷ USD.
Theo Khoa học và Phát triển (nguồn CNBC, Yahoo, QZ)
http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/tri-tue-nhan-tao-se-dinh-hinh-nen-kinh-te/2017102511344020p1c859.htm