Trí tuệ nhân tạo đã đến và xâm lấn loài người ra sao trong 10 năm qua?

Trí tuệ nhân tạo không phải công nghệ xa vời mà hiện diện trên những thứ gần gũi nhất với con người như smartphone, loa thông minh hay mạng xã hội Faceboook.

Năm 2010, trí tuệ nhân tạo (AI) chủ yếu xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hơn là cuộc sống hàng ngày. Mọi người cũng không hề nghĩ tới chuyện nó có thể khiến họ thất nghiệp trong tương lai gần.

Tuy nhiên, một thập kỷ trôi qua, kéo theo nhiều thay đổi. AI được dùng cho mọi thứ, từ chụp ảnh điện thoại đẹp hơn đến phân tích tính cách khi phỏng vấn xin việc, trả tiền không cần thu ngân. Nó cũng gây tranh cãi khi được dùng nhiều hơn trong theo dõi cá nhân (phần mềm nhận diện gương mặt), truyền bá thông tin xuyên tạc (video deepfake).

Ảnh minh họa: Internet

AI đã đến và xâm lấn cuộc sống loài người ra sao trong 10 năm? Câu trả lời nằm trong các tiến bộ công nghệ của lĩnh vực này, kết hợp với khả năng truy cập điện toán dễ hơn, rẻ hơn.

Phần lớn AI mà chúng ta đang gặp hàng ngày sử dụng kỹ thuật có tên machine learning (máy học), trong đó máy tính tự đào tạo bằng dữ liệu. Cụ thể hơn, các tiến bộ quan trọng trong thập kỷ tập trung vào một nhánh của máy học, đó là deep learning, mô phỏng cách các nơ-ron hoạt động trong não người. Với deep learning, máy tính có thể được giao nhiệm vụ nhìn vào hàng ngàn video mèo để học cách xác định mèo nhìn như thế nào.

AI vẫn còn tương đối đơn giản. Chẳng hạn, thuật toán máy học thường chỉ làm một nhiệm vụ và yêu cầu cả núi dữ liệu để làm tốt. Dù đã đi được chặng đường dài, hành trình tiếp theo thậm chí còn gian khổ hơn.

Cùng nhìn lại 6 tác động của AI đến cuộc sống của chúng ta trong thập kỷ:

Smartphone

Trí tuệ nhân tạo xuất hiện nhan nhản trên smartphone, từ phần mềm nhận diện gương mặt để mở khóa tới các ứng dụng phổ biến như Google Maps. Các hãng như Apple, Google đang chạy AI trực tiếp trên thiết bị (bằng chip tích hợp AI) nên các hoạt động như nhận diện giọng nói được thực hiện ngay trên điện thoại thay vì trên máy tính điều khiển từ xa. Vì vậy, những tác vụ như phiên dịch diễn ra nhanh hơn và quyền riêng tư được bảo đảm.

Một ví dụ nổi bật là ứng dụng phiên dịch Recorder được Google giới thiệu hồi tháng 10. Nó có thể ghi âm và chuyển ngữ theo thời gian thực, xác định được giọng nói hay âm nhạc, tiếng vỗ tay. Sau đó, bản ghi âm được tìm bằng từ khóa. Ứng dụng chạy hoàn toàn trên smartphone Pixel mà không làm tốn pin hay ngốn RAM. Nếu người dùng ưa chuộng, AI sẽ được tích hợp sâu hơn trên smartphone sau này.

Mạng xã hội

Khi Facebook ra đời năm 2004, mục tiêu của nó là kết nối mọi người. Ngày nay, mục tiêu đó được củng cố bằng AI. AI quan trọng với Facebook tới mức một năm trước, nhà khoa học AI đứng đầu tại Facebook, Yann LeCun, cho biết nếu không có deep learning, mạng xã hội này sẽ bị “bay màu”.

Sau nhiều năm đầu tư, deep learning trở thành nền tảng của mọi thứ, từ các bài viết, quảng cáo trên mạng xã hội đến “tag” tự động bạn bè trong ảnh. Nó còn giúp xóa bỏ các phát ngôn thù địch, bạo lực khỏi Facebook.

Facebook không phải công ty duy nhất đầu tư vào AI. Instagram, Twitter và các mạng xã hội khác cũng phụ thuộc vào AI.

Trợ lý ảo

Bất kỳ khi nào nói chuyện với Amazon Alexa, Apple Siri, Google Assistant, bạn đang giao tiếp với AI. Trợ lý ảo hiểu bạn nói gì và đáp lại. Thời của trợ lý ảo bắt đầu năm 2011 khi Apple ra mắt Siri trên iPhone. Google tiếp bước với Google Now năm 2012 (giờ là Google Assistant năm 2016).

Dù vậy, chính Amazon Alexa (2014) trên loa thông minh Amazon Echo mới giúp thị trường trợ lý ảo bùng nổ và mang AI đến nhiều hộ gia đình hơn. Chỉ riêng quý III/2019, Amazon đã bán được 10,4 triệu loa tích hợp Alexa, chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường loa thông minh, theo Canalys.

Giám sát

AI tiến bộ đồng nghĩa với năng lực giám sát của nó cũng tăng theo. Một trong những công nghệ gây tranh cãi nhất là nhận diện gương mặt, có thể xác định mọi người qua ảnh, video bằng cách đối chiếu các đường nét trên gương mặt với cơ sở dữ liệu. Nó được dùng trong nhiều hoàn cảnh: ca nhạc, cảnh sát, sân bay…

Hệ thống nhận diện gương mặt không hoàn hảo vì nỗi lo xâm phạm quyền riêng tư cũng như tính chính xác. Tại Mỹ, chưa có nhiều quy định quản lý AI nói chung và nhận diện gương mặt nói riêng. Vì vậy, năm 2019, một số thành phố cấm cơ quan nhà nước (gồm cả cảnh sát) sử dụng công nghệ này.

Y tế

AI đang được dùng để chẩn đoán và quản lý mọi vấn đề sức khỏe, từ phát hiện ung thư dạ dày tới để mắt đến sức khỏe tâm lý, tiêu hóa. Phần lớn vẫn đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu.

Nghệ thuật

AI có thể sáng tạo nghệ thuật không? Câu trả lời là có. Trong 10 năm qua, AI được dùng để soạn nhạc, vẽ tranh và có tác phẩm rất giống con người làm ra. Cuối năm 2018, lần đầu tiên một bức tranh do AI vẽ được bán đấu giá. Bức tranh tạo ra bằng kỹ thuật hiện đại có tên GANS, dùng hai mạng thần kinh cạnh tranh với nhau để cho ra thứ gì đó mới mẻ dựa trên bộ dữ liệu. Trong trường hợp này, bộ dữ liệu là một số bức tranh có sẵn còn thứ mới mẻ là tác phẩm nghệ thuật của máy tính. GANS cũng nổi tiếng vì có thể dùng để làm video deepfake.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/kinh-doanh/ho-so/tri-tue-nhan-tao-da-den-va-xam-lan-loai-nguoi-ra-sao-trong-10-nam-qua-193626.ict