Trên tay Asus GTX 1650 Dual: Chiếc card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất thế giới!

Với mức giá trong khoảng 4,6 triệu đồng thì Asus GTX 1650 Dual là lựa chọn số một thân thiện dành cho những hệ thống sử dụng những bộ nguồn công suất thức giới hạn.

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về GTX 1650 của Nvidia nhưng công tâm mà nói thì GTX 1650 sinh ra không phải là vô dụng. Một trong những chiếc GTX 1650 gây ấn tượng nhất là phiên bản Dual của nhà sản xuất Asus khi đây là chiếc card đồ họa không nguồn phụ mạnh mẽ nhất hiện nay.

Kế thừa thiết kế mới của dòng Dual trên nền kiến trúc Turing, Asus GTX 1650 Dual là chiếc card thứ 7 được Asus ứng dụng thiết kế này. GTX 1650 Dual sử dụng tone màu đen làm chủ đạo, điểm thêm vào đó là 2 đường chéo màu trắng tạo thành hình mũi tên.  Tạo hình của GTX 1650 Dual được hoàn thiện nhờ các đường vát cạnh và các đường vân dọc để chiếc card đồ họa trở nên cứng rắn và ngầu hơn.

Bo mạch màu đen của GTX 1650 Dual rất hợp tone với mặt trước tuy nhiên lại không được che chắn bởi bất cứ lớp backplate nào, phải chi Asus hào phóng một chút che lớp mạch này lại với một tấm backplate bằng bất cứ vật liệu gì đi nữa thì chiếc card này sẽ hoàn hảo hơn.

Dàn tản nhiệt nhôm được tiếp xúc trực tiếp với GPU trên GTX 1650 Dual khiến chúng ta liên tưởng đến những chiếc tản stock dành cho CPU Intel chỉ có điều là nó mỏng hơn và có diện tích lớn hơn để phù hợp với hình dáng của những chiếc card đồ họa mà thôi. Chìa khóa cho hệ thống làm mát này nằm ở bộ đôi quạt thổi 80cm ở mặt trước thổi trực tiếp vào dàn tản và cả hệ thống 3 phase nguồn cấp điện để cả 2 khu vực quan trọng này đều được mát đồng đều mà không phải chia sẻ nhiệt cho nhau.

Nhờ có nhân đồ họa kiến trúc Turing, GTX 1650 hoạt động với hiệu năng vượt trội hơn hẳn chiếc card đồ họa không sử dụng nguồn phụ kiến trúc Pascal là GTX 1050Ti với lượng điện năng tiêu thụ chỉ tương đương với chiếc card cũ là 75W mà thôi.

Về mặt kết nối, thật là lạ khi Asus vẫn còn giữ lại một cổng DVI vốn chẳng có mấy ai sử dụng. Có lẽ vẫn còn đâu đó một số thị trường còn đang sử dụng loại cổng này chăng? Ngoài ra, GTX 1650 Dual cũng được trang bị những kết nối phổ thông như HDMI và DisplayPort. 

Xét về mặt hiệu năng, tạm thời chưa nói đến thực tế trên các ứng dụng. Chỉ cần nhìn vào phần xung nhịp ở chế độ Game Mode, GTX 1650 Dual sở hữu mức xung được đánh giá là cao nhất thị trường với 1755MHz (MSI Ventus XS là 1740MHz, Gigabyte OC 4G là 1710MHz). Đối với những chiếc card đồ họa có nguồn phụ nằm trong những hệ thống lớn thì chúng ta không bàn tới. Còn với những hệ thống máy tính công suất nhỏ thì GTX 1650 Dual lại tỏ ra chiếm ưu thế lớn hơn hẳn.

Với mức giá trong khoảng 4,6 triệu đồng thì Asus GTX 1650 Dual là lựa chọn số một thân thiện dành cho những hệ thống sử dụng những bộ nguồn công suất thức giới hạn như 250 – 400W. Có thể GTX 1650 là một chiếc card đồ họa không mấy ấn tượng. Nhưng đôi với riêng dòng card đồ họa không nguồn phụ thì đây chính là giá trị lớn nhất trong thế hệ card đồ họa mới của Nvidia.

Theo Tri thức trẻ

http://gamek.vn/tren-tay-asus-gtx-1650-dual-chiec-card-do-hoa-khong-nguon-phu-manh-nhat-the-gioi-20190517223709781.chn