Tìm thuốc qua mạng
Thực tế, khi trẻ bị bệnh, nhiều gia đình chủ quan không đưa trẻ tới bệnh viện để điều trị, mà tự ý lên mạng tìm thuốc hoặc nghe theo lời truyền miệng để chữa bệnh, dẫn đến những hậu quả khó lường.
BS. Nguyễn Thị Kiên - Khoa Thận - Lọc Máu, Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết: Tại Khoa Thận, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh trong tình trạng rất nặng do cha mẹ tự ý điều trị hoặc chữa bệnh theo kiểu mách nhau, truyền miệng kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn lên mạng đọc rồi chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc bắc cho con.
Điển hình là trường hợp bé N.V.T., 12 tuổi, sống ở Sóc sơn, TP. Hà Nội, đã sống chung với bệnh thận hư từ năm lên 7 tuổi. Khi được các bác sĩ điều trị, bé đáp ứng thuốc rất tốt. Tuy nhiên, gần đây, bố mẹ bé nghe người hàng xóm mách mua thuốc Nam ở Thái Bình cho bé uống với niềm tin sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau 1 tuần uống loại thuốc này, bé xuất hiện tình trạng phù tăng lên nhanh chóng, mệt mỏi kéo dài. Đến lúc này gia đình mới đưa bé nhập viện khi đã trong tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ cho biết, hiện bệnh nhi đang phải lọc máu do suy thận kèm theo tình trạng phù nặng không đáp ứng điều trị và nhiễm trùng (viêm mô tế bào, viêm phúc mạc) do biến chứng của hội chứng thận hư.
Cũng giống trường hợp của bé T., bệnh nhi N.N.Q., 15 tuổi, sống ở Chương Mỹ, TP. Hà Nội được chẩn đoán mắc suy thận mạn từ tháng 4 năm nay. Bệnh nhi được chỉ định điều trị thận thay thế bằng lọc máu hoặc lọc màng bụng. Tuy nhiên, gia đình đã bỏ điều trị tại bệnh viện, tự ý cho bé uống thuốc Nam. 2 tuần sau khi uống thuốc nam, bé vào viện trong tình trạng rối loạn điện giải nặng - Kali máu 7,2 mmol/l, thiếu áu nặng, khó thở, nhịp tim chậm. Rất may, sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tích cực, tình trạng của bé đã ổn định.
Không may mắn như bé Q., bệnh nhi K.T.B.N., 5 tuổi, sống ở Hải Phòn được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư kháng thuốc từ lúc 2 tuổi. Trong suốt 3 năm chiến đấu với bệnh thận, bé liên tực phải vào viện để chữa trị do bệnh thường xuyên tái phát.
Sốt ruột trước tình trạng của con khi, gia đình đã nghe người quen mách cho bé uống thuốc Nam. Việc gia đình tự ý điều trị bằng thuốc nam cho bé dẫn dến tình trạng suy thận của bé ngày một tiến triển nặng. Hiện, bé đang phải lọc màng bụng do bệnh suy thận đã bước vào giai đoạn cuối..
Theo TS. BS. Nguyễn Thu Hương - Trưởng Khoa Thận - Lọc Máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra và kéo theo sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hormone do thận sản xuất.
Người bệnh bị suy thận thường có triệu chứng đau đầu do cao huyết áp, phù mặt hoặc tay chân hoặc bụng hoặc tất cả do ứ nước trong cơ thể, mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, đau đầu, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, da xanh, móng tay chân và niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu, ngoài ra còn có thể thấy môi thâm, răng xỉn, đau xương và chảy máu chân răng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy thận như: viêm cầu thận, thận đa nang, thận đái đường, viêm thận kẽ, tăng huyết áp…
Cẩn trọng với thông tin trên mạng xã hội
Trong thời điểm hiện nay, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… đang dần trở thành một phương tiện không thể thiếu đối với mỗi người. Hàng ngày người dân đều có thói quen vào các trang mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, nhắn tin, trò chuyện với bạn bè, người thân,… thậm chí còn làm việc trực tuyến, trao đổi công việc, thông tin qua mạng xã hội.
Vì thế, mạng xã hội ngày một phát triển để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội đã tạo ra lỗ hổng giúp một lượng lớn thông tin chưa được kiểm chứng, không có căn cứ, cơ sở khoa học được phát tán, trôi nổi tràn lan.
Mặc dù mạng xã hội đem lại rất nhiều lợi ích cho con người nhưng nếu không cẩn thận thì đó có thể là “con dao 2 lưỡi”. Chỉ cần một chiếc Smarphone hay một máy tính có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể online mua được hàng loạt loại thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc và thực phẩm chức năng qua mạng. Hàng trăm loại thuốc được rao bán trên các trang mạng xã hội từ thuốc chữa đau dạ dày, thuốc đường ruột, thuốc thần kinh, thuốc giảm béo, vitamin tổng hợp dành cho phụ nữ, thuốc chống biếng ăn cho trẻ,… Không chỉ đa dạng về chủng loại mà xuất xứ, giá cả cũng hết sức đa dạng. Người bán dễ dàng, người mua cũng rất dễ dãi, chỉ cần thông qua những lời quảng cáo đầy hứa hẹn trên các trang web, nhiều người dân có thể bỏ ra hàng triệu đồng để mua một sản phẩm mà không biết rằng đó có phải là hàng thật hay không, sử dụng có phù hợp với thể trạng người mua và có tác dụng thật như lời quảng cáo hay không.
Chính vì thế mà nhiều bậc phụ huynh lên mạng rồi đọc những thông tin về điều trị bệnh cho trẻ mà chưa được kiểm chứng đã dẫn đến tình trạng trẻ phải nhập viện để điều trị trong tình trạng bệnh nặng, để lại hậu quả khó lường cho sức khỏe trẻ sau này.
TS. BS. Nguyễn Thu Hương khuyến cáo: Để bảo vệ trẻ trước những biến chứng khó lường, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ, cha mẹ phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Gia đình cần tìm hiểu những thông tin về thuốc cũng như tình trạng bệnh để tránh làm bệnh nặng lên và có những biến chứng nguy hiểm khi sử dụng thuốc không đúng.