Thông tin trên được ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - đưa ra tại hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Y tế diễn ra vào chiều qua (11/6).
Tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau 1 năm thực hiện quy chế phối hợp, cả 2 bên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Minh Thúy)
|
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác phòng, chống dịch theo mùa, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, tăng cường diệt muỗi ở những khu vực muỗi dễ sinh sôi, phát triển,…
Ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam –cho rằng, việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa vô cùng cần thiết, có ảnh hưởng trực tiếp đối với người lao động. Tuy nhiên, các đơn vị phải lựa chọn thời điểm hợp lý để người lao động, cán bộ quan tâm, triển khai có hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảnh, Chủ tịch tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Ảnh: Minh Thú)
|
Khám, chữa bệnh từ xa còn gặp khó
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), khám chữa bệnh từ xa là một vấn đề mới. Qua triển khai tại các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh từ xa mới chỉ dừng ở mức độ tư vấn cho người dân. Theo đó, bên tư vấn (bác sĩ, cơ sở y tế) phải quyết định nội dung tư vấn và chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn cho người bệnh trước pháp luật.
Do đó, ông Tường cho rằng, thời gian tới các cơ sở y tế cần tiếp tục đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường hội chẩn trực tuyến giữa các cơ sở y tế để đảm bảo việc khám, chữa bệnh phù hợp với người dân, đưa thầy thuốc đến gần hơn với nhân dân. Người dân không cần đến bệnh viện và có thể sử dụng nền tảng công nghệ để được tư vấn, thăm hỏi tình hình sức khỏe ngay tại nhà. Vì thế, Công đoàn ngành Y tế cần quan tâm và triển khai khám, chữa bệnh từ xa cho người lao động. Việc triển khai khám, chữa bệnh thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện chủ yếu do các cơ sở y tế tự chủ nên rất cần nguồn ngân sách để thực hiện.
Ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy)
|
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế cho rằng để triển khai khám, chữa bệnh trực tuyến có hiệu quả, cần tuyên truyền cho người dân thói quen trước khi đến bệnh viện khám phải đăng ký trực tuyến ngay từ ở nhà. Hiện, việc đăng ký khám bệnh ở nhà đã được triển khai ở Bệnh viện K nhưng chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu.
Thông tin về việc thanh toán điện tử chi phí khám, chữa bệnh, ông Tường cho biết, các đơn vị đã thực hiện nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu. Nhiều bệnh viện vẫn chưa mặn mà với thanh toán điện tử. Thực tế, người dân vẫn có thói quen dùng tiền mặt, có tài khoản nhưng vẫn thích dùng tiền mặt để thanh toán viện phí. Vì thế Công đoàn ngành Y tế cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân giảm thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí. Hiện, Cục Công nghệ thông tin đã làm việc với Ngân hàng nhà nước để tăng cường triển khai thanh toán điện tử.
Để giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế triển khai dịch vụ công ở mức 4 - người dân và doanh nghiệp không cần phải tới cơ quan để trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính như: đăng ký thực phẩm chức năng; khám, chữa bệnh; thanh toán viện phí,… giúp người dân không phải đi lại nhiều, tiết kiệm thời gian, chi phí. Về hồ sơ sức khỏe điện tử, đến nay cả nước đã thực hiện được 90 triệu hồ sơ, Cục Công nghệ thông tin đang tiến hành kiểm tra và tổng hợp các hồ sơ điện tử này.
Tiếp tục phối hợp để chăm lo sức khỏe người lao động Hiện, lãnh đạo Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn hệ thống tổ chức của hai cơ quan chủ động ký quy chế phối hợp để triển khai các hoạt động chăm lo cho người lao động tại các tỉnh, thành phố. Sở Y tế và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, Ninh thuận, Bình Dương …đã triển khai ký chương trình phối hợp theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Y tế, một số tỉnh đang chuẩn bị ký nhưng bị hoãn lại do dịch Covid gồm: Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Gia Lai… Các tỉnh có quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Liên đoàn Lao động sẽ tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên tốt hơn, hỗ trợ khám sức khỏe cho các khu công nghiệp, tư vấn cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân viên chức lao động, nhất là công nhân lao động nữ tại các khu công nghiệp, khám bệnh nghề nghiệp. Cùng với đó, Sở Y tế sẽ hối hợp hướng dẫn công đoàn cơ sở kiểm tra giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, thực hiện các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đưa nội dung “từng bước nâng cao giá trị bữa ăn của công nhân tại các đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp” vào thỏa ước lao động tập thể nhằm góp phần bảo đảm sức khỏe, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người lao động. Triển khai tốt các chỉ đạo của Chính phủ như giảm thải chất thải nhựa, phòng chống tác hại thuốc lá, chương trình sức khỏe Việt Nam. |