|
Bệnh nhi không được đưa tới bệnh viện kịp thời, bệnh tình sẽ nặng hơn, kéo theo khó khăn và tốn kém khi điều trị (Ảnh - BVCC) |
BV Nhi Trung ương cho biết: Mới đây BV đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi mắc bệnh mạn tính nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Hầu hết trẻ nhập viện muộn đều do gia đình chủ quan, không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về phương pháp điều trị, cách sử dụng thuốc, theo dõi tái khám theo đúng lịch hẹn, nhất là tâm lý lo ngại dịch COVID-19 nên trì hoãn đưa trẻ đi khám bệnh.
Bệnh tái phát nặng mới vội vàng đưa con vào viện
Bé trai Đ.P., 8 tuổi, sống ở Chương Mỹ, được chẩn đoán bị hội chứng thận hư kháng thuốc từ năm 2018. Gia đình cho biết: Do lo sợ việc cho con đi khám sẽ lây nhiễm bệnh cho con nên 7 tháng nay không cho con đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ mà tự ý điều chỉnh thuốc cho trẻ uống. Cách đây 15 ngày, trẻ bị phù toàn thân nhưng gia đình vẫn chủ quan chưa đưa con đi khám. Đến ngày 27/9, khi trẻ bị co giật, co quắp tay chân, sùi bọt mép thì gia đình mới đưa con đến BV huyện, sau đó được chuyển lên BV tỉnh để theo dõi và điều trị. Do bệnh chuyển biến nặng, ngày 28/9, trẻ được chuyển đến BV Nhi Trung ương.
ThS.BS. Bùi Thị Tho – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương -cho biết: Trẻ vào Khoa trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy, phù to toàn thân, bụng chướng, cao huyết áp, co giật toàn thân. Sau khi nhập khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp do tình trạng phù và giảm canxi máu, cao huyết áp. Cả 3 nguyên nhân này do bệnh thận của trẻ không được theo dõi, đánh giá và điều trị kịp thời. Ngay lập tức, trẻ được xử trí các cơn co giật, truyền đạm, lợi tiểu, thuốc hạ áp. Hiện, trẻ đã cai được máy thở, tuy nhiên tình trạng hội chứng thận hư kháng thuốc do không tuân thủ điều trị nên có tiên lượng xấu hơn.
|
Khoa Điều trị tích cực Nội khoa – BV Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ biến chứng nặng giữa dịch COVID-19 do không đến viện kịp thời (BVCC) |
Một trường hợp khác đang điều trị tại Khoa Nội Tim mạch – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương là bé gái K.N., 10 tháng tuổi, sống ở Vĩnh Phúc. Từ khi sinh ra thấy trẻ nhẹ cân, thấp còi hơn những trẻ cùng trang lứa nhưng gia đình không cho con đi khám. 4 ngày trước khi nhập viện, trẻ ho, sốt, khò khè. Tuy nhiên, lo sợ dịch COVID-19 và nghĩ trẻ ốm, mệt thông thường nên gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà mà không cho trẻ đi khám. Sau 4 ngày điều trị tại nhà, thấy con sốt cao kèm khó thở, tím tái thì gia đình mới đưa trẻ đến BV Sản Nhi tỉnh để khám và điều trị. Tại BV, trẻ được các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, tim bẩm sinh. Do tình trạng chuyển biến nặng, ngày 28/9, trẻ được chuyển đến Khoa Nội Tim mạch – Trung tâm Tim mạch, BV Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.
TS.BS. Lê Hồng Quang – Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, BV Nhi Trung ương - cho biết: Trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng do virus RSV, suy hô hấp, suy tim, tăng áp phổi nặng, ống động mạch lớn,… Sau khi nhập viện, trẻ được thở máy, điều trị viêm phổi do virus RSV. Hiện trẻ vẫn phải thở máy, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao do trẻ nhập viện muộn, quá “thời điểm vàng’ để phẫu thuật. Nếu bệnh nhi được gia đình đưa đi khám sớm sẽ thì trẻ sẽ được phẫu thuật kịp thời.
Vì sao gia đình trì hoãn cho trẻ đi khám?
Theo TS.BS Lê Hồng Quang, trong đợt dịch này, số trẻ bị ốm không đi khám kịp thời mà chỉ đến khi bệnh nặng, cần can thiệp hỗ trợ về hô hấp, hỗ trợ về tuần hoàn mới đến BV có xu hướng tăng. Nhiều gia đình chủ quan, không cho con đến bệnh viện khám khi con bị ốm mà để con ở nhà và tự chữa theo đơn thuốc cũ, hay kinh nghiệm từ bạn bè, mạng xã hội,… Chỉ đến khi con bị nặng mới đến khám và được chẩn đoán là mắc tim bẩm sinh nặng. Bên cạnh đó, có những trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán tim bẩm sinh phức tạp phải trải qua 2 – 3 lần phẫu thuật, nhưng sau khi được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tim bẩm sinh lần thứ nhất thành công lại không đến khám để phẫu thuật lần 2, lần 3 theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc không tái khám để uống thuốc điều trị trong giai đoạn phẫu thuật lần tiếp theo.
Ngoài ra, có những bệnh nhi sau khi được phẫu thuật triệt để, đã sửa được hết dị tật ở tim nhưng sau phẫu thuật, gia đình không đưa trẻ đến khám theo hẹn để được kê thuốc và điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn. “Với những trẻ này, khi đã quá thời điểm tốt nhất để can thiệp hay phẫu thuật thì việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Trường hợp nếu có thể tiếp tục điều trị thì chi phí điều trị sẽ tăng cao và tiên lượng không tốt, chất lượng cuộc sống của trẻ giảm và để lại di chứng nặng nề” – Bác sĩ Lê Hồng Quang cho biết.
|
Một trường hợp trẻ đi khám được cha mẹ cho mặc áo mưa vì lo sợ lây nhiễm (Ảnh - BVCC) |
TS.BS. Đỗ Minh Loan – Trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên, BV Nhi Trung ương – cho hay: Có một số nguyên nhân về mặt tâm lý của trẻ bị bệnh mãn tính và gia đình liên quan đến việc gia tăng số lượng trẻ mắc bệnh mạn tính nhập viện trong tình trạng rất nặng, thậm chí nguy kịch đến tính mạng.
Về phía trẻ, khi bị các bệnh mạn tính, trẻ thường cảm thấy lo lắng, mặc cảm, tự ti về bệnh tật, mệt mỏi về thể chất, chán nản. Việc thường xuyên phải uống thuốc trong một thời gian dài sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ uống thuốc, dễ bị quên uống thuốc, quên thời điểm chính xác cần phải uống thuốc hoặc cho rằng thuốc cũng không giúp ích được nhiều cho bản thân nên kém tuân thủ điều trị. Về phía gia đình, tâm lý e ngại dịch cộng thêm việc đi lại trong mùa dịch =khó khăn là rào cản để cha mẹ không đưa con đi khám kịp thời. Một nguyên nhân khác là một số cha mẹ quá bận bịu trong công việc nên thiếu sự giám sát việc uống thuốc và khó thu xếp đưa con tái khám theo đúng lịch được yêu cầu.
Ngoài ra, do thiếu hiểu biết về tác hại của việc không tuân thủ theo điều trị cũng dẫn đến việc trì hoãn cho trẻ đi khám lại. Tất cả những lý do này đều khiến cho việc điều trị bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ và gia đình trẻ bị bệnh đặc biệt các bệnh mãn tính là hết sức cần thiết. Công tác này đang được BV Nhi Trung ương triển khai thực hiện.
“Các nhà tâm lý sẽ thiết lập các mối quan hệ giữa bệnh nhân và gia đình để tạo sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, nắm bắt hoàn cảnh sống, nhu cầu hàng ngày, sự thay đổi tâm lý để hỗ trợ theo đặc thù từng cá nhân. Từ đó, giúp trẻ có các kỹ năng để đương đầu và chung sống với tình trạng bệnh của bản thân, giúp gia đình biết cách hỗ trợ con một cách đúng đắn, phù hợp nhất, bảo đảm trẻ tuân thủ điều trị bao gồm uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian quy định, khám lại đúng hẹn. Tuân thủ điều trị là một trong số các yếu tố quan trọng giúp quá trình điều trị thành công” – BS. Loan chia sẻ.