Trẻ em nông thôn Trung Quốc ngày càng... nghiện điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện tượng trẻ vị thành niên nông thôn nghiện điện thoại ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong thời kì dịch bệnh, trẻ em càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với điện thoại. 
Ảnh: China Daily
Ảnh: China Daily

"Nếu bạn muốn hủy hoại một đứa trẻ, hãy cho nó một chiếc điện thoại di động" - có rất nhiều phụ huynh đồng ý với câu này. Theo Báo cáo Nghiên cứu về "Sử dụng Internet của Trẻ vị thành niên năm 2019" của Trung Quốc, tỷ lệ sử dụng Internet của trẻ vị thành niên nông thôn ở Trung Quốc là 90,3% và 93,4% trẻ vị thành niên nông thôn sử dụng điện thoại di động làm thiết bị truy cập Internet.

Điều tra của phóng viên Sina cho thấy, hiện tượng trẻ vị thành niên nông thôn nghiện điện thoại ngày càng nghiêm trọng, thậm chí có em còn lừa dối phụ huynh lấy lí do các bài học trực tuyến và bài tập về nhà để đạt được mục đích sử dụng điện thoại di động lâu dài. Nhiều bậc cha mẹ ở nông thôn bất lực không biết làm gì để con mình không bị "sa lưới".

Lời thú nhận của một phụ huynh nông thôn: không xảy ra chuyện gì là tốt rồi!

"Bọn trẻ ngày nay về cơ bản trốn trong phòng để chơi điện thoại di động sau giờ ăn cơm." Ông Xu cảm thấy những đứa trẻ gần đó đều chơi điện thoại di động vào những ngày nghỉ. Ông miễn cưỡng nói rằng bây giờ điểm mấu chốt của ông là "không xảy ra chuyện gì là tốt rồi."

Ông Xu là một phụ huynh ở nông thôn ở một tỉnh miền Trung Trung Quốc, con trai lớn đã trưởng thành, con trai 12 tuổi đang học lớp sáu. Trong đoạn video do ông Xu cung cấp, phóng viên của Sina nhìn thấy hai anh em đang chơi điện thoại di động ở một góc, người anh trai đang lướt Tik Tok còn người em trai đang chơi trò chơi bắn súng "Game for Peace".

"Xảy ra chuyện" của ông Xu ám chỉ đứa con thứ hai. Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2019, đứa trẻ đã dùng điện thoại di động của mẹ để chơi game mấy ngày liền và nạp hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu VND). "Điện thoại di động của mẹ nó có liên kết với thẻ ngân hàng và nạp tiền không cần mật khẩu. Ban đầu, trong thẻ có hơn 13.000 nhân dân tệ, nhưng sau đó chỉ còn lại 2.000 nhân dân tệ", ông Xu nói rằng mãi đến mấy tháng sau họ mới phát hiện ra sự việc và cuối cùng đã liên hệ kháng cáo với Tencent, thu hồi hơn 7.000 nhân dân tệ.

Hình ảnh đứa trẻ thứ hai của ông Xu chơi game trên điện thoại di động. Ảnh: Sina
Hình ảnh đứa trẻ thứ hai của ông Xu chơi game trên điện thoại di động. Ảnh: Sina

Ông Xu nói với các phóng viên Sina rằng sau khi hỏi dịch vụ khách hàng Tencent mới biết rằng cậu con trai nhỏ đã sử dụng tài khoản WeChat của mẹ để chơi nhiều trò chơi, bao gồm cả "King of Glory" và tài khoản liên quan hiện đã bị khóa. "Điện thoại di động của mẹ nó không còn dám để thẻ ngân hàng nữa. Bọn trẻ không biết gì về những con số trong thẻ và nghĩ rằng đó không phải là tiền", ông Xu cho biết trường hợp tương tự cũng từng xảy ra với con của hai người bạn ở thị trấn.

Phóng viên của Sina đã hỏi tài khoản game của cậu con trai nhỏ là do ai cho thì ông Xu trả lời rằng "anh trai nó đưa cho". "Đứa trẻ này còn biết nhiều thứ hơn chúng tôi bây giờ. Việc có được một tài khoản không phải là một vấn đề, và chúng tôi không thể biết nó có bao nhiêu tài khoản." Ông Xu nhận thấy rằng sau sự cố bị cấm, cậu con trai đã đăng nhập vào "King of Glory" với tài khoản QQ (ứng dụng tương tự Gmail).

Cuộc chiến điện thoại di động của cha mẹ

Ảnh minh họa: Sina
Ảnh minh họa: Sina

"Cầm được điện thoại là vòng đầu, chiếm dụng điện thoại lâu là vòng thứ hai, chơi game mà không bị bắt là vòng thứ 3. Bây giờ trong nhà cơ bản là có điện thoại thông minh cũ và WiFi, còn bố mẹ thì gần như bị đánh bại hoàn toàn," cô Chen đã chia sẻ cho Sina về hai việc của "đứa con khôn lỏi" khiến cô chết lặng.

Một lần, cô thấy đứa trẻ trong kì nghỉ lễ đã lén lút mang tất cả những chiếc điện thoại di động cũ sạc đầy pin, trốn vào phòng chơi và giả vờ xem TV miễn là có người lớn vào phòng. Trong một lần khác, cô đưa con đi mua sắm và nhờ cháu bé cầm điện thoại giúp, khi mặc thử quần áo trước gương thì thấy cháu bé cầm điện thoại ra, lúc sau cô mới nhận ra là nó đang quét mặt cô để mở khóa.

Tại sao hầu hết các bậc cha mẹ ở nông thôn đều thua trong cuộc chiến giành điện thoại di động?

Một là người giám hộ thiếu ý thức phòng chống nghiện điện thoại. Li Chunyan là "mẹ đồng hành" của những đứa trẻ có bố mẹ đi làm ăn xa ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Giang Tây. Theo bà, hiện tượng trẻ em bỏ lại nông thôn nghiện điện thoại di động ngày càng nghiêm trọng. Bà Li nói rằng ông bà không biết cách sử dụng điện thoại, và họ thậm chí không thể phân biệt sự khác biệt giữa các bài học trực tuyến và trò chơi. Một số trẻ em thậm chí còn đăng ký tài khoản trò chơi bằng chứng minh thư của ông bà để vượt qua hệ thống kiểm tra độ tuổi của hệ thống.

Thứ hai là tác động của phương pháp học mới. Trong đợt dịch bệnh, học sinh tiểu học và trung học đã thực hiện các dịch vụ và hướng dẫn học tập trực tuyến trên diện rộng. Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng chúng cũng mang lại những lo ngại mới. Một số "lớp học trực tuyến của trẻ em" đã trở thành "lớp trò chơi".

Xiao Li, một đứa trẻ bị bỏ lại nông thôn và đang học trường trung học, nói với phóng viên Sina rằng có không ít học sinh sử dụng thời gian trên lớp để chơi game. "Bọn con có thể chuyển đổi qua lại giữa trang lớp học trực tuyến và trang trò chơi, nhưng phải đăng nhập lại sau một khoảng thời gian nhất định. Trong kỳ nghỉ đông, có 4 lớp học trực tuyến mỗi ngày và giáo viên yêu cầu ghi chép bài, nếu không thì bọn con sẽ có nhiều thời gian hơn để chơi game," Xiao Li nói.

Sự phối hợp nhiều bên là cần thiết để ngăn chặn trẻ em nông thôn nghiện điện thoại

Ảnh minh họa: Sina
Ảnh minh họa: Sina

Giải cứu trẻ em nông thôn nghiện cuộc sống trên mạng là một dự án xã hội, và nó đòi hỏi sự nỗ lực chung của các công ty Internet, phụ huynh và nhà trường để hình thành một cơ chế trực tuyến lành mạnh và thống nhất nhằm giảm thiểu rủi ro trên Internet của trẻ em nông thôn nghiện điện thoại.

Một là buộc các công ty Internet phải cải thiện cơ chế chống nghiện thông qua việc xây dựng hệ thống. Ruan Xinyi, một luật sư tại Công ty Luật Thượng Hải, tin rằng trách nhiệm chính về lỗ hổng của hệ thống chống nghiện thuộc về nhà điều hành nền tảng. Luật pháp chỉ quy định công ty game online yêu cầu người dùng đăng ký tên thật, khiến tài khoản đăng ký và chủ thể game có thể là hai cá nhân khác nhau. Các luật và quy định cần được cải thiện hơn nữa để thúc giục nền tảng thực hiện nghĩa vụ đánh giá thực chất.

Thứ hai là người giám hộ và các bên liên quan cần tăng cường ý thức phòng chống nghiện thế giới mạng và hướng dẫn trẻ em đến các hoạt động có ích cho thể chất và tâm lý hơn. Nhà tâm lý học Huang Yuxuan tin rằng một mặt, cha mẹ có nghĩa vụ khơi gợi cho con cái nhiều sở thích lành mạnh hơn và cho phép trẻ em sử dụng các sản phẩm điện tử với giới hạn nhất định. Mặt khác có thể xem xét việc mua các dịch vụ vừa chơi vừa học để làm phong phú thêm cuộc sống mùa hè của trẻ em vùng nông thôn.

Thứ ba, ưu điểm của việc sử dụng tài nguyên giáo dục trực tuyến ở các vùng nông thôn lớn hơn nhược điểm, nhưng cần phải sử dụng một nền tảng tốt. Bà Li Chunyan gợi ý rằng các chức năng của nền tảng giáo dục trực tuyến mà các trường học sử dụng nên được cải thiện để trẻ em không thể chuyển trang trong các lớp học trực tuyến. Chu Zhaohui, một chuyên gia từ Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, tin rằng khả năng tự kiểm soát của học sinh ở các độ tuổi khác nhau cần được cân nhắc kỹ càng và các kế hoạch phân công trực tuyến cần được xây dựng một cách có mục tiêu.

Theo Sina