Trẻ em nam mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn nữ

VietTimes -- Tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý tại Việt Nam là 4% trên 1.320 trẻ được nghiên cứu, tỷ lệ trẻ em nam mắc rối loạn tăng động giảm chú ý gấp nhiều lần so với trẻ em nữ.

Thông tin trên được bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi (M4), Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí về hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), tổ chức tại Hà Nội chiều 7/5.

Hầu hết trẻ em đều có những thời điểm khó kiểm soát hành vi, một số trẻ có thể hoạt động liên tục, rất nghịch ngợm, tò mò với thế giới xong quanh. Tuy nhiên, với trẻ có rối loạn tăng động, giảm chú ý, việc kiểm soát hành vi trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần trao đổi với báo chí
Bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần trao đổi với  báo chí

ADHD là một tình trạng của não bộ gây ra những khó khăn trong kiểm soát hành vi ở trẻ. Đây là một trong những rối loạn phổ biến nhất ở trẻ em, có biểu hiện không tập trung chú ý và tăng hoạt động quá mức.

Theo bác sĩ Lê Công Thiện, từ khi sinh ra, trẻ đã có biểu hiện của tăng động như nhạy cảm với ánh sáng, hay khóc, rối loạn giấc ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, những biểu hiện này đôi khi không chỉ ra rằng em bé đã mắc ADHD. Khi lớn hơn, trẻ sẽ bộc lộ các biểu hiện rõ rệt như: vận động nhiều, luôn nhấp nhổm, chạy nhảy, leo trèo; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt; bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi, nói quá nhiều…

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ADHD. Song, tác nhân lớn nhất gây ra bệnh là do gen di truyền. Bác sĩ Lê Công Thiện lấy ví dụ về cậu bé Nguyễn T.K (16 tuổi, ở Times City, Hà Nội). Năm 8 tuổi, K. mới được phát hiện bệnh và phải điều trị từ đó đến nay. Khi quan sát gia đình của K., bác sĩ Thiện nhận thấy bố của K. có triệu chứng của tăng động giảm chú ý. Không chỉ gia đình của K. mà nhiều trẻ khác cũng có bố, hoặc mẹ, hoặc thành viên trong gia đình mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.

Bác sĩ khám cho trẻ mắc ADHD và tư vấn cho bố mẹ có con mắc bệnh
Bác sĩ khám cho trẻ mắc ADHD và tư vấn cho bố mẹ có con mắc bệnh

Hiện nay, ADHD ở trẻ là một vấn đề nan giải đối với các bậc cha mẹ. Bởi hội chứng này khiến trẻ gặp khó khi phải tập trung tiếp nhận kiến thức, học tập tại nhà trường. Nếu không được chữa trị, trẻ lớn lên có thể vi phạm các vấn đề đạo đức, luật pháp như đập phá, ăn trộm, dễ có nhân cách chống đối xã hội, sử dụng các chất gây nghiện, trầm cảm, lo âu…

Bên cạnh đó, hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý là mạn tính, cần phải điều trị lâu dài, song nhiều gia đình không đủ kiên nhẫn hoặc không đủ khả năng tài chính, nên bỏ điều trị, không theo dõi thường xuyên, không tái khám, không uống thuốc, không tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Ngoài ra, các rối loạn tăng động có xu hướng giảm theo tuổi nhưng các rối loạn giảm chú ý cải thiện ít hơn…

Vì vậy, bác sĩ Lê Công Thiện nhấn mạnh các gia đình cần được trang bị kiến thức đầy đủ về hội chứng này, giúp các phụ huynh từ tâm lý hoang mang, lo lắng, chán nản trở thành nhân tố tích cực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc ADHD; tạo môi trường nâng đỡ, giúp trẻ vượt qua các thiếu sót trong tâm lý, thể chất để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình trưởng thành, tiếp thu lời răn dạy, điều chỉnh hành vi theo các chuẩn mực, các giá trị xã hội và hình thành nhân cách một cách bình thường năng động.