Sở Công Thương TP HCM vừa thống nhất đề xuất của các doanh nghiệp (DN) ngưng kinh doanh xăng A92 để thay thế bằng xăng E5. Trước đề xuất này, giới chuyên môn nhận dịnh dù xóa sổ xăng A92 nhưng chưa chắc xăng E5 được người tiêu dùng chấp nhận.
Bán chậm, ngưng kinh doanh
Ngày cuối tuần, ghi nhận tại cây xăng Hoàng Nguyên (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), một trong những nơi thí điểm kinh doanh xăng E5 từ năm 2010 tại TP HCM, dù khách hàng ghé đổ xăng liên tục nhưng hiếm người ghé trụ xăng E5.
Ông Nguyễn Văn Hường, quản lý cửa hàng, cho biết sản lượng xăng E5 bán ra “không đáng kể” và thấp hơn nhiều so với thời gian đầu kinh doanh. “Có lẽ ban đầu nhiều người tò mò nên dùng thử, về sau do những lợi ích của việc sử dụng xăng E5 chưa rõ ràng nên họ thờ ơ. So với xăng A92 thì xăng E5 bán quá chậm dẫn đến hao hụt, hiệu quả kinh tế thấp dù DN xăng dầu đầu mối đã hỗ trợ chiết khấu cao hơn từ 50-100 đồng/lít so với xăng A92 và xăng A95” - ông Hường nói.
Ông H.D.S, chủ một DN phân phối xăng dầu tại quận 2, chia sẻ DN của ông có hơn chục đầu xe sử dụng xăng nên nếu mua xăng rẻ hơn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. “Tôi từng được mời ký hợp đồng tiêu thụ xăng E5 với nhiều ưu đãi như hỗ trợ lắp đặt bồn xăng, kể cả xin giấy phép để tự cấp trong công ty với giá sỉ, rẻ hơn giá xăng E5 trên thị trường.
Lời mời rất hấp dẫn nhưng tôi từ chối vì nơi bán xe cho tôi không khuyến khích việc này. Tiết kiệm tiền xăng thì dễ thấy nhưng nếu xe hư vì xăng không phù hợp thì có khi tính già hóa non” - ông S. bộc bạch. Theo ông, các hãng sản xuất xe là nơi biết rõ nhất xăng E5 có phù hợp với động cơ họ sản xuất hay không nhưng vẫn chưa có tiếng nói chính thức nên chủ xe lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển thương mại công nghiệp Củ Chi, nói rằng trong đợt triển khai bán xăng E5 tháng 12-2014, một cửa hàng của công ty ông có tham gia phân phối nhưng vì bán quá chậm nên tạm thời ngưng kinh doanh. Theo ông Tâm, việc kinh doanh xăng E5 hiện gặp khó ở nhiều khâu.
Ở khâu phân phối, bán lẻ như DN ông thì đang trong tình trạng “không muốn bán” vì phải tốn tiền đầu tư, sửa chữa bồn bể, thiết bị nhưng doanh số thấp. Chưa kể, đây là loại xăng “háo nước”, tồn kho lâu bồn chứa bị ngưng tụ nước, ảnh hưởng đến kinh doanh.
Giảm giá, hỗ trợ sức mua
Giá bán lẻ xăng E5 hiện rẻ hơn xăng A92 500 đồng/lít. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, để người tiêu dùng chuộng xăng E5 thì giá bán nên thấp hơn xăng A92 từ 1.500 -2.000 đồng/lít chứ như hiện nay chưa ăn thua.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản đề xuất những giải pháp đẩy mạnh kinh doanh xăng E5, trong đó đề nghị nhà nước nên tính toán để giá mặt hàng này rẻ hơn xăng A92 khoảng 700-1.000 đồng/lít thông qua chính sách giảm thuế môi trường. Lãnh đạo một DN xăng dầu cho rằng hàm lượng khí thải xe sử dụng xăng E5 thấp hơn nhiều so với xăng A92 nhưng vẫn chịu thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít như A92 là phủ nhận hiệu quả của xăng E5. Chỉ cần giảm thuế là DN đầu mối có thể giảm giá bán, hỗ trợ sức mua.
Tổng giám đốc một DN đầu mối xăng dầu tại TP HCM cho biết một bất hợp lý khác là xăng E5 hiện chưa có giá cơ sở mà dựa theo giá xăng A92 trừ đi khoảng 500 đồng/lít trong khi cơ cấu giá thành khác nhau. Thêm vào đó, trong bối cảnh giá xăng dầu xuống thấp như hiện nay thì giá thành xăng E5 đang cao hơn xăng A92 và lại bán chậm nên các DN đầu mối không mặn mà. Do đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất nên hỗ trợ rủi ro thua lỗ cho các DN kinh doanh xăng E5.
Trước việc Sở Công Thương TP HCM thống nhất đề xuất ngưng kinh doanh xăng A92 để thay thế xăng E5, một số DN cho rằng biện pháp hành chính trên là cần thiết để bảo đảm công bằng trong kinh doanh vì nếu chỉ khuyến khích thì sẽ xảy ra tình trạng bán xăng E5 theo kiểu đối phó. Tuy nhiên, biện pháp hành chính là chưa đủ. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, nếu không làm cho người tiêu dùng hiểu về lợi ích của xăng E5 thì khi không còn xăng A92, họ sẽ chuyển sang dùng xăng A95, tạo áp lực khan hiếm mặt hàng này và xảy ra những bất ổn không đáng có.
Theo nhận xét của các DN, dù lợi ích của xăng E5 đã được tuyên truyền nhưng vẫn chưa “thấm” trong xã hội. Điều này khiến số đông người tiêu dùng không biết thông tin dẫn đến nghi ngờ chất lượng loại xăng này.
Đến 30-11, phải có 50% cửa hàng bán lẻ
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học, trong đó yêu cầu các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch, tiến độ đầu tư các trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng E5 đến thời điểm 30-11, gửi về Bộ Công Thương trước ngày 15-9.
Theo chỉ thị, đến thời điểm 30-11, các DN đầu mối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu phải mở rộng mạng lưới bán lẻ đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình tại 8 địa phương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu bán xăng E5.
Giải thích rõ về chất lượng
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, để đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5, cần phải giới thiệu, tuyên truyền, giải thích cho người tiêu dùng biết được chất lượng, độ an toàn của loại xăng sinh học này. Ngoài ra, cần nhấn mạnh đến yếu tố sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch hơn, tính năng, hiệu quả sử dụng đối với ô tô, xe máy… Từ đó tạo ra sức lan tỏa, thay đổi thói quen của người sử dụng.
Cũng theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, liên Bộ Tài chính - Công Thương cần có cơ chế giá bán nguyên liệu E100 trong nước ổn định thông qua các công cụ điều tiết. Bên cạnh đó, nhà nước cần có quy hoạch lâu dài, căn bản về vùng phát triển nguyên liệu để sản xuất E100 và phân định rõ nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học và an ninh lương thực quốc gia.
Khó làm được như Quảng Ngãi
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết các cửa hàng, đại lý hiện nay đều tham gia phân phối xăng E5. Trong đó, nhiều cây xăng chỉ bán duy nhất loại xăng này nên người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác. Ngoài ra, có một số ít cây xăng vẫn bán song song xăng E5 và xăng A95 nhưng số lượng người sử dụng xăng A95 khá ít.
Ông Đặng Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học miền Trung, xác nhận từ tháng 9-2014, tỉnh Quảng Ngãi có 150 cửa hàng, đại lý đã tham gia bán xăng E5 (đạt 100%). Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn tất lộ trình phân phối xăng E5 trên toàn hệ thống xăng dầu. “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện lộ trình phân phối xăng E5 rộng ra các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng… Nhìn chung quá trình phân phối theo lộ trình này ổn định nhưng tỉ lệ chưa đạt được 100% như Quảng Ngãi” - ông Dũng nói.
Ông Nguyễn An, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau hơn một năm triển khai bán xăng E5 trên toàn hệ thống, đến nay chưa có trường hợp nào xe bị hư hỏng hay gây cháy mà nguyên nhân liên quan đến sử dụng xăng E5.
Trong khi đó, tại TP HCM, việc kinh doanh xăng E5 đang gặp khá nhiều vướng mắc. Hiện toàn TP có 514 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 55 cửa hàng có kinh doanh xăng E5. Sau 7 tháng triển khai kinh doanh thí điểm xăng E5 (tính từ tháng 12-2014), sản lượng xăng E5 bình quân tiêu thụ đạt 4.523 m3/tháng, chiếm tỉ trọng 3% trong tổng sản lượng các loại xăng dầu cung ứng của TP. Đáng chú ý, ngoài hệ thống cửa hàng xăng dầu của Công ty CP Vật tư xăng dầu (Comeco), Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn, Công ty CP Thương mại XNK Thủ Đức, Tổng Công ty Dầu Việt Nam… có chính sách thay thế xăng A92 bằng xăng E5 thì đa phần cửa hàng có quy mô nhỏ, không đủ diện tích để mở rộng, lắp thêm bồn, bể ngầm chứa xăng E5. Thêm vào đó, các cửa hàng xăng dầu vừa trải qua đợt sửa chữa, cải tạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định nên chắc chắn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư để kinh doanh thêm mặt hàng xăng E5.