|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao giải A cho nhóm tác giả đoạt giải. Ảnh: Anh Quang |
Lễ trao giải là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10- 18/11/2017) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, hướng tới Ngày Quốc tế chống đói nghèo 17/10.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia cho rằng giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, luôn được cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện.
Trong hơn 30 năm đổi mới, phát triển và hội nhập, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh từ trên 58% năm 1993 xuống còn khoảng 7% theo chuẩn đa chiều vào năm 2017 (nếu theo chuẩn cũ thì năm 2015 đã giảm còn khoảng 4,5%).
Phó Thủ tướng cho rằng đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Mục tiêu Thiên niên kỷ chúng ta hoàn thành trước thời hạn, được Liên Hợp Quốc ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ trao giải.
Phó Thủ tướng cho biết vào ngày 16/10 tới, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị các nhà tài trợ cho công tác giảm nghèo tại Hà Nội để kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay để giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá có sự đóng góp to lớn của các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã thường xuyên, trực tiếp đưa thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nêu được những mô hình tốt, cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến cũng như phản ánh những vấn đề bức xúc về công tác giảm nghèo, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội theo chủ trương “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chúc mừng 24 tác giả có tác phẩm đạt giải; 2 tập thể có nhiều bài dự thi trong cuộc thi năm 2017, trong đó có nhiều tác phẩm ấn tượng như: "Phát triển kinh tế tập thể - đưa nông dân vào sản xuất lớn" (nhóm tác giả Trần Phước, Thảo Ly); "Đột phá để giảm nghèo bền vững" (tác giả Vân Khánh); "Chính sách giảm nghèo: Vì sao vẫn như muối bỏ bể" (nhóm tác giả Hoàng Thu Thùy, Thanh Phương, Giàng Seo Phùa, Thu Hà); "Tốt nghiệp đại học để làm nông dân" (nhóm tác giả Thanh Tâm, Hồng Nhung); "Nghèo giữa rừng vàng" (nhóm tác giả Hữu Đại, Cao Tùng, Thanh Tùng, Minh Sơn, Khánh Linh); "Đào tạo nghề lao động nông thôn: Cần câu để giảm nghèo” (tác giả Anh Tuấn)… và những tác phẩm có giá trị khác.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng mong muốn “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, thông tin truyền thông” tiếp tục tham gia tích cực, đồng hành với cuộc thi trong năm 2018 và các năm tiếp theo, đi tới các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các vùng phía tây của các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng bãi ngang, ven biển để thu thập đề tài, viết về công tác giảm nghèo, thoát nghèo của người dân.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ trao giải.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Trong nhiều năm qua, phát huy truyền thống đạo lý "Tương thân, tương ái" cao đẹp của dân tộc, khơi dậy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Nhường cơm, sẻ áo”, công tác chăm lo người nghèo đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức doanh nghiệp... và người Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực thực hiện bằng nhiều chương trình, hình thức thiết thực, cụ thể. Qua đó, góp phần quan trọng cùng Đảng và Nhà nước chăm lo người nghèo, đóng góp vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
"Cuộc thi là một trong những chương trình thiết thực, ý nghĩa được triển khai nhằm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; Thông tin tuyên truyền về các gương điển hình, mô hình giảm nghèo mới, cách làm mới hiệu quả trong công tác giảm nghèo; Thông tin tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở những vùng khó khăn, góp phần giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền, các dân tộc, các nhóm dân cư", Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, sau 9 tháng triển khai, Cuộc thi đã nhận được nhiều sự ủng hộ tham gia cùng rất nhiều tác phẩm chất lượng. Qua Cuộc thi đã phát hiện được nhiều tấm gương điển hình khát vọng vươn lên thoát nghèo; Phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả để phát huy và nhân rộng hơn.
Báo cáo tổng kết Cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: "Tuy là năm đầu tiên Cuộc thi được tổ chức, nhưng đã có nhiều cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương, địa phương hưởng ứng tham gia. Các tác phẩm dự thi đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh của cả nước về tiến trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cuộc thi một lần nữa khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác truyền thông trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020".
Theo báo cáo, tính đến hết ngày 10/9/2017, Ban Tổ chức đã tiếp nhận hơn 300 tác phẩm dự thi với các thể loại: phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình...
Các tác giả vinh dự nhận giải B trong Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Các tác phẩm dự thi chia thành các nhóm, tuyến bài gồm: Phản ánh nỗ lực triển khai các chính sách giảm nghèo ở địa phương, cơ sở, bài học kinh nghiệm rút ra; Phản ánh chuyển động tại các xã, huyện, thôn, bản đổi mới, phát triển từ việc áp dụng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách giảm nghèo ở địa phương, cơ sở và kiến nghị, đề xuất; Phản ánh, phân tích những tồn tại trong công tác triển khai giảm nghèo ở địa phương, cơ sở, có chỉ rõ nguyên nhân, cách làm và vai trò của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo cấp huyện, xã.
Đáng lưu ý, bên cạnh các cây bút chuyên nghiệp là các nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí, còn có sự tham gia của các tác giả là nhà quản lý, phụ trách công tác bảo trợ xã hội, giảm nghèo tại một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với góc nhìn đa chiều, trăn trở và chia sẻ về công tác giảm nghèo bền vững.
Các tác giả vinh dự nhận giải C trong Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Các tác giả vinh dự nhận giải Khuyến khích trong Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Nhìn chung, nhiều tác phẩm đã có sự đầu tư, tìm tòi của các tác giả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tác phẩm mới dừng ở việc phản ánh, chưa có đề xuất về việc tổ chức triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo.
Kết quả chung cuộc, đã có 24 tác phẩm xuất sắc nhất được vinh danh tại Lễ trao giải. Trong đó: Hạng mục báo in có 2 giải B, 3 giải C, 5 giải Khuyến khích; Hạng mục báo điện tử có 1 giải C, 1 giải Khuyến khích; Hạng mục phát thanh có 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích; Hạng mục truyền hình có 1 giải B, 2 giải C, 2 giải Khuyến khích; Hạng mục phóng sự ảnh có 1 giải B, 1 giải C, 1 giải Khuyến khích.
Hai đơn vị là Báo Hà Giang và Đài Tiếng nói Việt Nam được trao giải tập thể, nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các tập thể xuất sắc nhận giải trong Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020