“Vật vị ngôn chi bất dự dã” (Đừng trách là không báo trước) là một thuật ngữ ngoại giao mà Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng trên bình diện ngoại giao. Ở một mức độ nhất định, đây là lời cảnh báo ngoại giao nghiêm trọng nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và được coi là tín hiệu sử dụng vũ lực.
Trên trang mạng xã hội hỏi đáp “Zhihu”, bài viết “Hiểu thế nào về ‘Vật vị ngôn chi bất dự dã’ trong bài ‘Thư gửi cơ quan tình báo chính trị Đài Loan’ của cơ quan truyền thông” hiện đang đứng đầu “danh sách vấn đề nóng” của nền tảng này. Nguyên nhân là một bài báo đăng trên Nhân dân nhật báo ngày 15/10 có tựa đề “Đứng về phía chính xác của lịch sử - thư gửi cho cơ quan tình báo chính trị Đài Loan”, được nhiều độc giả cho là tín hiệu cảnh báo dùng vũ lực với Đài Loan do Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra.
Gần đây Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận thực binh đe dọa tấn công Đài Loan (Ảnh: udn). |
Chiến dịch “Sấm sét – 2020”
Tờ Nhân dân nhật báo tiết lộ trong bài báo, cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc gần đây đã phát động một chiến dịch mang tên “Xunlei-2020” (Sấm sét – 2020), nhắm trực tiếp vào chính quyền và cơ quan tình báo gián điệp của Đài Loan. Trong chiến dịch đặc biệt này, hàng trăm vụ trộm cắp của gián điệp Đài Loan bị phanh phui, hàng loạt gián điệp và người điều hành Đài Loan bị bắt, nhiều mạng lưới tình báo do các cơ quan gián điệp của Đài Loan triển khai chống lại Trung Quốc đại lục bị phá vỡ. So với “Chiến dịch Sấm sét – 2018” được phát động hai năm trước, số vụ án đã tăng lên đáng kể, từ hơn 100 trường hợp năm 2018 lên mấy trăm trường hợp trong năm 2020. Bài báo nhận xét: “Sự gia tăng số vụ phản ánh thực tế là chính quyền Đài Loan và các cơ quan tình báo gián điệp của họ đang trong bước đường cùng gần như điên cuồng thực hiện nhiều hoạt động thâm nhập và phá hoại tình báo trên đất Đại Lục”.
Bài báo chỉ đích danh nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, viết: “Dưới ảnh hưởng của khí hậu lớn toàn cầu và khí hậu nhỏ trên đảo Đài Loan, chính quyền Thái Anh Văn ngày càng ỷ thế nước ngoài, tăng cường cấu kết với các thế lực lượng Trung Quốc bên ngoài, thường xuyên gây sự, gây nguy hại nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định hai bên eo biển Đài Loan”. Bài báo cũng cho rằng: “So lòng người, dan hai bờ eo biển chẳng muốn dùng khí giới gặp nhau”.
Tác giả bài báo nhấn mạnh, chính phủ Trung Quốc “không hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” về vấn đề Đài Loan, nhưng cũng tuyên bố rằng việc sử dụng vũ lực nhằm đối phó “sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và một số rất nhỏ những kẻ ly khai 'Đài Loan độc lập' cùng các hoạt động ly khai của họ, quyết không nhằm vào đồng bào Đài Loan”.
Xã luận trên Nhân dân Nhật báo ngày 22/9/1962 (góc dưới bên trái) trước khi Trung Quốc tiến hành Chiến tranh 1962 với Ấn Độ (Ảnh: Zhihu). |
Tín hiệu phát động chiến tranh?
Trên mạng xã hội Zhihu, câu đáng chú ý nhất trong bài báo này của truyền thông nhà nước Trung Quốc là “Vật vị ngôn chi bất dự dã?” - có nghĩa là: đừng trách là chưa cảnh báo trước. Đây là một thuật ngữ ngoại giao mà Trung Quốc đã sử dụng nhiều lần trên bình diện ngoại giao, ở một mức độ nhất định, nó là lời cảnh cáo ngoại giao nghiêm trọng nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được nhiều người coi là tín hiệu sử dụng vũ lực hoặc chuẩn bị chiến tranh.
Năm 1962, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc nổ ra xung đột ở khu vực biên giới, ngày 22/9 năm đó, tờ Nhân dân nhật báo đã đăng bài “Có thể chịu đựng được hay không thể chịu đựng được nữa”, cuối bài viết: “Tình thế hiểm ác và hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta muốn cảnh báo các nhà chức trách Ấn Độ: Vật vị ngôn chi bất dự dã”. Sau đó Trung Quốc đã tiến hành “Chiến tranh phản kích tự vệ chống lại Ấn Độ”, là khúc dạo đầu cho cuộc Chiến tranh biên giới Trung-Ấn.
Năm 1978, xung đột biên giới nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 25/12 năm đó, tờ Nhân dân nhật báo đăng bài báo “Sự kiên nhẫn của chúng ta là có hạn”, cuối bài viết: “Nhà cầm quyền Việt Nam đã đi đủ xa trên con đường chống Trung Quốc. Vật vị ngôn chi bất dự dã?”, và sau đó quân đội Trung Quốc ở biên giới bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất rồi tiếp đó chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam bùng nổ.
Bài báo trên Nhân dân Nhật báo ngày 25/12/1978 trước khi Trung Quốc tiến hành Chiến tranh xâm lược Việt Nam 17/2/1979 (Ảnh: Zhihu). |
Đồng thời, tên tác giả của những bài bình luận này trên Nhân dân nhật báo cũng đã được cư dân mạng Trung Quốc mổ xẻ. Một cư dân mạng chỉ ra: tác giả ký tên “An Bình” có nghĩa là “Bình luận của Bộ An ninh”. Người này cho rằng việc xuất bản bài báo dưới bút danh Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cho thấy xuất phát điểm của bài viết này chủ yếu thuộc một lĩnh vực cụ thể. “Vật vị ngôn chi bất dự dã” cũng chính là “tối hậu thư” cho một lĩnh vực cụ thể.
Ông Trương Ngũ Nhạc, Tiến sĩ Luật, Đại học Chính trị, Đài Loan, đồng ý với phân tích trên, ông nói với Deutsche Welle rằng một bài báo ký tên “An Bình” về mặt lý thuyết có khả năng là một bài báo của một nhà bình luận từ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng bài báo này đã được đăng trên trang 7 tờ Nhân dân nhật báo hôm đó và không xuất hiện dưới dạng xã luận, tuy nhiên, hai bài báo liên quan năm 1962 và 1978 đã được đăng dưới dạng xã luận. Ông Trương chỉ ra: xã luận của Nhân dân nhật báo đại diện cho các tuyên bố chính sách lớn và quan điểm của Trung ương ĐCSTQ về các vấn đề lớn. Nếu tờ báo sử dụng hình thức xã luận hoặc bình luận viên quy cách cao để đăng bài “Vật vị ngôn chi bất dự dã”, nó thể hiện cho sự cảnh báo nghiêm trọng. Nhưng bài báo trên Nhân dân nhật báo hôm 15/10 có cấp độ mục tiêu và quy cách khác, không trực tiếp nhắm vào chính quyền Đài Loan mà là vào các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia của Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn thị sát một đơn vị pháo binh ở đảo tiền tiêu Kim Môn cách Hạ Môn của Đại Lục chỉ 3km (Ảnh: CNA). |
Thống nhất Đài Loan: hành động quân sự hay “hành vi thực thi pháp luật”?
Đồng thời, một người dùng Zhihu khác phân tích, ý tứ của bài báo mới nhất trên Nhân dân Nhật báo có nghĩa rằng việc thống nhất Đài Loan không phải là một hành động quân sự, mà là một “hành vi thực thi pháp luật”. Do các quan chức Trung Quốc đã và đang ra sức giảm bớt ảnh hưởng chính trị quốc tế của việc "thống nhất Đài Loan bằng vũ lực", nên cách thực tế nhất để biến “cuộc nội chiến Trung Quốc” được dư luận quốc tế gọi, thành “chính phủ hợp pháp của Trung Quốc trấn áp lực lượng vũ trang phản động” là hạ thấp các hoạt động quân sự thành hành vi thực thi pháp luật. Do đó, người này cho rằng việc thu hồi Đài Loan chỉ là một “chiến dịch đặc biệt xóa sổ băng đảng tội ác”.
Chỉ trong chưa đầy một ngày, bài đăng trên Zhihu “Hiểu thế nào về ‘Vật vị ngôn chi bất dự dã’ trong bài ‘Thư gửi cơ quan tình báo chính trị Đài Loan’ của cơ quan truyền thông” đã nhận được hơn 62,55 triệu lượt views, cao hơn gấp đôi mức 30,72 triệu của bài đứng thứ hai.
Thái độ này đã tạo thành một xu hướng dư luận trên Internet ở Trung Quốc, đó là: “Dưới những thay đổi khó lường của dịch bệnh COVID-19 trong một thế kỷ, có lẽ kể từ năm 1949, chúng ta (Trung Quốc đại lục) chưa bao giờ có cơ hội hoàn hảo như vậy để đạt được sự thống nhất tổ quốc hoàn toàn”. Những người theo quan điểm này cho rằng hiện đã có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thống nhất Đài Loan. Vì vậy, có những người dùng internet Trung Quốc đưa ra tuyên bố như “Đừng chờ đợi, hãy ngay bây giờ”. Nhưng điều này liệu có nghĩa là cuộc chiến tranh giữa Đài Loan và đại lục đã gần ngay trước mắt? Ông Trương Ngũ Nhạc không nghĩ vậy. Theo quan điểm của ông, bài báo trên tờ Nhân dân nhật báo chỉ thể hiện sự bất mãn cũng như phản đối của các cơ quan tình báo đại lục đối với các cơ quan tình báo Đài Loan. Dự đoán về cuộc chiến sắp xảy ra giữa hai bờ eo biển Đài Loan từ việc bài viết trên Nhân dân nhật báo sử dụng cụm từ “Vật vị ngôn chi bất dự dã” này là một suy luận quá mức.
(Theo Deutsche Welle)