An Quý Hưng và “thế trận” Vinaconex hậu đấu giá... |
Theo đó, quyết định của HĐQT Vinaconex căn cứ trên các quy định pháp luật, điều lệ công ty và “đề nghị của Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng)”. Thời gian tổ chức phiên họp sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 11/1/2019. Địa điểm tại Tầng 21, tòa nhà Vinaconex, số 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Thời gian chốt danh sách cổ đông mời dự họp (ngày đăng ký cuối cùng) là ngày 26/12//2018. Nội dung cuộc họp được Vinaconex cho biết là nhằm “Kiện toàn nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát Vinaconex, nhiệm kỳ 2017 - 2022” và “các nội dung khác (nếu có)”.
Một phần nội dung Quyết định số 0401/2018/QĐ-HĐQT ngày 6/12/2018 về việc thông qua kế hoạch tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 của Vinaconex (Nguồn: VCG)
|
Trước đó, An Quý Hưng là nhà đầu tư tổ chức đã chi ra gần 7.366 tỷ đồng để thâu tóm lô cổ phần chiếm tỷ lệ 57,71% tổng vốn điều lệ của Vinaconex, do Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Phải tới hạn chót ngày 4/12 vừa qua, nhà đầu tư này mới hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đối với SCIC và chính thức trở thành công ty mẹ của Vinaconex.
Với việc chi ra số tiền hàng nghìn tỷ đồng, An Quý Hưng có lẽ là cổ đông có nhiều động lực nhất nhằm nhanh chóng hiện thực hóa vị thế của mình tại Vinaconex. Phương án thay thế/bổ sung các nhân sự của mình ở những vị trí quan trọng tại Vinaconex trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường sắp tới là khả dĩ hơn cả.
Người SCIC ở Vinaconex
Theo tìm hiểu của VietTimes, hiện có tới 6 nhân sự có liên quan tới SCIC trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) của Vinaconex.
Cụ thể, có tới 4 nhân sự góp mặt trong HĐQT của Vinaconex là người có liên quan đến SCIC, bao gồm ông Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch HĐQT Vinaconex, đồng thời là Chủ tịch HĐQT SCIC) và 3 người đại diện phần vốn của SCIC tại Vinaconex là: ông Đỗ Trọng Quỳnh (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc); ông Trần Tuấn Anh (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc); ông Nguyễn Anh Tùng (Thành viên HĐQT).
Còn trong BKS Vinaconex, liên quan tới SCIC có sự góp mặt của 2 nhân sự là: ông Vũ Hồng Tuấn (Thành viên Ban kiểm soát Vinaconex, Trưởng Ban Pháp chế SCIC) và bà Kiều Bích Hoa (Thành viên Ban kiểm soát, Cán bộ Ban Đầu tư 2 - SCIC).
Ngoài ra, bên cạnh An Quý Hưng, nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 2.002 tỷ đồng để “ôm trọn” lô cổ phần chiếm tỷ lệ 21,28% tổng vốn điều lệ của Vinaconex do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu cũng chưa được tiết lộ chi tiết. Tuy nhiên, với việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để tham gia đấu giá, nhà đầu tư "bí ẩn" này cũng có nhiều lý do để tham dự.
Do đó, phiên họp ĐHĐCĐ bất thường sắp tới của Vinaconex không chỉ giúp tổng công ty này kiện toàn nhân sự HĐQT và BKS. Các nhân sự mới được đề cử và bỏ phiếu trong cuộc họp này sẽ phần nào làm rõ vị trí và vai trò của các nhà đầu tư mới thế chỗ cho SCIC và Viettel tại Vinaconex.
Một điểm đáng chú ý khác, căn cứ trên nội dung nghị quyết được công bố, đội ngũ trong Ban điều hành tại Vinaconex nhiều khả năng sẽ được giữ ổn định trong thời gian tới./.