|
GS Phan Văn Trường cho rằng cần tước quyền tái cấu trúc nền kinh tế của những cá nhân chỉ lo tranh giành quyền lợi cho bản thân |
Đừng nghĩ rằng mình tài giỏi
GS Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông cũng là thành viên của nhiều HĐQT và là cố vấn cho lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước. GS Phan Văn Trường cho rằng vụ ly hôn ngàn tỷ của nhà Trung Nguyên là đại diện điển hình cho nhiều doanh nghiệp gia đình khác ở Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc lại nền kinh tế của một vùng, chứ không phải chỉ là chuyện "tan đàn xẻ nghé" của riêng gia đình họ.
Không phủ nhận ý tưởng, tầm vóc điều hành, sản xuất… của một doanh nghiệp như cà phê Trung Nguyên nhưng GS Phan Văn Trường vẫn nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác khi cho rằng: “Người phụ nữ là mấu chốt thành công của người đàn ông. Một "ông vua" thành công hay thất bại, về cơ bản, đều vì một người phụ nữ đứng đằng sau. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cảm thấy buồn bã và thất bại là đúng thôi, vì bà không thể chứng minh được vai trò thật của mình, chính là tâm hồn, là cột trụ tinh thần của doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên”.
|
GS Phan Văn Trường cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo cảm thấy buồn bã và thất bại là đúng thôi, vì bà không thể chứng minh được vai trò thật của mình, chính là tâm hồn, là cột trụ tinh thần của doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên
|
Như một số người dự báo, cũng có thể bà Lê Hoàng Diệp Thảo biết bản thân mình và cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều đang bị lợi dụng, còn thương hiệu gia đình thì bị chao đảo, nên có thể bà Thảo rất cố gắng giành giật càng nhiều càng tốt số tài sản có thể, để tránh sự sụp đổ của doanh nghiệp gia đình, rồi sau đó, vẫn nhìn nhận ông Vũ như vai trò cũ.
Tuy nhiên, số người phản ứng tiêu cực với sự tranh giành nảy lửa về quyền tài sản và quyền nuôi con cũng đông không kém. Viễn cảnh về một tương lai đoàn tụ sum vầy bỏ lại sau lưng những người "phá đám" còn quá xa vời so với những hình ảnh thực tế hiện diện là sự tranh cãi nhau quyết liệt tại tòa để tranh giành tài sản với các tỷ lệ được đề nghị, ban đầu là 30/70 theo ý ông Vũ và 51/49 theo ý bà Thảo; còn theo quyết định tại tòa sơ thẩm tuyên ngày 27/3 là 40/60.
“Tốt nhất cho cả hai người này là bà Lê Hoàng Diệp Thảo với ông Đặng Lê Nguyên Vũ nên lấy lại nhau và đóng lại đúng vai trò cũ. Nhưng với điều kiện người đàn bà không nên tham quá, và người đàn ông không nên mơ màng quá. Đừng tự coi mình quá tài giỏi. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ giống hệt như hầu hết tất cả các ông chủ của các công ty gia đình lớn ở Việt Nam, đều mắc bệnh cho là mình tài giỏi” – GS Phan Văn Trường khẳng định.
|
"Đặng Lê Nguyên Vũ giống hệt như hầu hết tất cả các ông chủ của các công ty gia đình lớn ở Việt Nam, đều mắc bệnh cho là mình tài giỏi" - GS Phan Văn Trường nói
|
“Nếu bắt buộc phải chọn một trong hai để tiếp tục điều hành Trung Nguyên, tôi sẽ chọn bà Thảo chứ không chọn ông Vũ” – GS Phan Văn Trường tuyên bố.
Đánh giá về sự phát triển của nhiều tập đoàn ở Việt Nam, GS Phan Văn Trường cho rằng thành công nhiều khi đến từ may mắn. Với tập đoàn Trung Nguyên cũng tương tự, họ đã nhảy vào kinh doanh trong một lĩnh vực rủi ro cao nhưng may mắn không phải đối đầu với chuyện rủi ro trên thực tế nên đón nhận thành công lớn là chuyện hoàn toàn bình thường.
Cần tước quyền tái cấu trúc nền kinh tế
GS Phan Văn Trường cho rằng phiên tòa xử vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia tài sản theo tỷ lệ 60 % cho ông Vũ và 40% cho bà Thảo là hoàn toàn “cơ học”, không hiểu gì về kinh doanh. “Bà Thảo thua là đúng, bởi những người bảo vệ bà Thảo ... chưa đủ tài giỏi. Nếu luật sư mà chỉ gợi ý cho thân chủ phải cố gắng giành giật tỷ lệ càng cao càng tốt, thì có thể nhìn thấy kết quả chung cuộc tất yếu là thua” – GS Phan Văn Trường khẳng định.
|
Ông đánh giá các “ông chủ” ở Việt Nam hầu như chỉ quản lý, còn các “bà chủ” mới thực sự là người hiểu và quản trị doanh nghiệp.
|
Tuy nhiên, những vụ ly hôn “ngàn tỷ” tương tự ở các quốc gia khác được GS Phan Văn Trường cho biết: “Các trường hợp tương tự với Chính phủ Pháp, họ sẽ không phân xử theo một tỷ lệ cơ học là 30/70 hay 40/60. Chính phủ sẽ mua (trên danh nghĩa 51% cổ phần) rồi cử một đại diện của Chính phủ (Nhà nước) vào nắm quyền điều hành doanh nghiệp có nguy cơ sụp đổ. Hai con người cụ thể đang tranh chấp tài sản sẽ không có ai được nắm quyền điều hành doanh nghiệp đó. Gia đình, vợ chồng con cái họ chỉ được quyền là thành viên HĐQT, là cổ đông nhưng không được quyền điều hành, không được quyết định bất cứ vấn đề gì. Cần một đối tượng trung gian khách quan vì quyền lợi của tất cả nắm quyền điều hành để cấu trúc lại doanh nghiệp đó. Đến khi nào doanh nghiệp tái cấu trúc ổn định thì mới bàn đến phương án bàn giao lại cho các “ông bà chủ” tư nhân”.
Vì sao lại xử lý như thế? “Bởi vì vụ ly hôn của gia đình cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong vòng ba bốn năm nay đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự trù phú của cả một vùng cà phê trù phú, trong đó có cả ngàn hộ gia đình làm nông nghiệp ở vùng đất cà phê bị mất ổn định tâm lý, quyền lợi của địa phương bị ảnh hưởng, thị trường kinh doanh cà phê trên cả nước có thể bị chao đảo" - GS Phan Văn Trường khẳng định.
|
GS Phan Văn Trường khẳng định: "Các “ông bà chủ” này không đủ tình yêu nước. Họ không xứng đáng đóng vai trò đất nước. Họ chỉ “vừa” với vai trò cá nhân thôi"
|
"Hai người chủ doanh nghiệp “đánh nhau” tơi bời vì quyền lợi cá nhân mà đạp lên trên nỗi lo cũng như quyền lợi của địa phương, vùng, và đất nước. Các “ông bà chủ” này không đủ tình yêu nước. Họ không xứng đáng đóng vai trò đất nước. Họ chỉ “vừa” với vai trò cá nhân thôi. Và đã như vậy, khi “ông bà chủ” không hiểu vai trò của mình và doanh nghiệp của mình trên thị trường mà chỉ chăm chăm tranh giành tài sản cá nhân, họ sẽ được trả lại đúng vai trò cá nhân đó, là những người đi tìm kiếm lợi lộc, tiền bạc, xứng đáng bị tước những quyền liên quan đến cấu trúc lại nền kinh tế”.