TP.HCM thông tin về dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Sở Xây dựng TP.HCM đặt chỉ tiêu năm 2022 giải quyết 2 điểm ngập do mưa là các đường Bàu Cát và Nguyễn Hữu Cảnh, đặc biệt là cơ bản hoàn thành dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng.
TP.HCM tiến hành nhiều giải pháp nhưng cứ mưa là ngập. Ảnh: Báo Thanh niên
TP.HCM tiến hành nhiều giải pháp nhưng cứ mưa là ngập. Ảnh: Báo Thanh niên

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện năm 2021 và kế hoạch năm 2022 - Báo Người Lao động thông tin.

Theo Sở Xây dựng, năm 2021, TP.HCM đã xóa 3/18 điểm ngập khi mưa, là tuyến đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân (quận Tân Bình). Bên cạnh đó, dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đối khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỉ đồng để giải quyết 4 tuyến đường ngập do triều (đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn và Quốc lộ 50) đạt hơn 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Một số dự án trọng điểm cũng đang tiếp tục được thực hiện, như dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Dự án này được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư, đang chờ Sở Tài nguyên – Môi trường cấp giấy phép môi trường để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Các đơn vị cũng đang thực hiện thủ tục đề xuất 5 dự án trọng điểm cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải, cải tạo kênh rạch…

TP.HCM cũng như các tỉnh Nam bộ hôm nay có thể mưa bất cứ lúc nào trong ngày, thay vì quy luật mưa vào chiều tối như thường lệ. Ảnh: Báo Thanh niên
TP.HCM cũng như các tỉnh Nam bộ hôm nay có thể mưa bất cứ lúc nào trong ngày, thay vì quy luật mưa vào chiều tối như thường lệ. Ảnh: Báo Thanh niên

Về vấn đề này, Sở Xây dựng cho hay đã đặt chỉ tiêu giải quyết 2 điểm ngập do mưa là tuyến đường Bàu Cát (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); cơ bản hoàn thành dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng; hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày trong năm 2022.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu dự án chậm nhất đến đầu 2023 phải vận hành. Được biết, dự án khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được đề ra trong năm 2022, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, giao nhiệm vụ để điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình "Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương – Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng" (khu dân cư Thảo Điền, TP Thủ Đức).

Ngoài ra, bổ sung danh mục trung hạn 2021-2025 và vốn năm 2022 đối với công trình "Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ" (quận Gò Vấp). Sở Xây dựng cũng kiến nghị giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bổ sung vào danh mục trung hạn, giao vốn năm 2022 cho 7 công trình để giải quyết các điểm ngập còn lại.

Công trình sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành, thông xe vào tháng 4/2021. Từ tháng 4/2022, lượng nước thoát cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (bao gồm phạm vi chống ngập do "siêu" máy bơm đảm trách) được chảy về cửa xả và thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đến tháng 5/2022, Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo đàm phán chấm dứt hợp đồng thuê "siêu" máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh trong bối cảnh hơn 1 năm nữa là kết thúc hợp đồng thuê máy bơm (từ 2017 đến hết năm 2023, giá thuê mỗi năm 14,2 tỉ đồng).

Dù được Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp nhưng những cơn mưa lớn vừa qua khiến nhiều tuyến hẻm đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng, gây xáo trộn cuộc sống người dân.

(Tổng hợp)