15 học sinh Việt triển khai dự án Gây quỹ trồng rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Xuân Thủy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là dự án của 15 bạn học sinh trong độ tuổi 8-17, người Việt, sống tại Hà Nội và New Zealand, với mong muốn đóng góp trồng rừng, bảo tồn hệ sinh thái ngập mặn Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy, Nam Định).
Vườn quốc gia Xuân Thủy chính là khu bảo tồn ngập nước ven biển tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đây là khu rừng ngập mặt đầu tiên của Đông Nam Á tham gia công ước quốc tế RAMSAR.
Vườn quốc gia Xuân Thủy chính là khu bảo tồn ngập nước ven biển tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đây là khu rừng ngập mặt đầu tiên của Đông Nam Á tham gia công ước quốc tế RAMSAR.

Quyển sách "Những người bạn trong khu rừng ngập mặn" là sản phẩm giai đoạn 2 của dự án Mangrove Xuân Thủy.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với một số thành viên của dự án.

Xuất phát từ đâu mà các bạn lại xây dựng ra dự án “Mangrove Xuân Thủy”?

- Phạm Ngô Hoàng Lan Elizabeth (Macleans College – New Zealand): Năm 2021, em quen biết Nguyệt Linh và chúng em nhanh chóng thân nhau do có chung niềm đam mê về bảo tồn động vật, trồng rừng, bảo vệ môi trường. Em chia sẻ với Nguyệt Linh về mong muốn làm một việc gì đó đóng góp cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam, từ trải nghiệm ngắm chim di cư của Nguyệt Linh tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, chúng em cùng lập một dự án nhỏ, với mục tiêu quyên góp cây xanh thực hiện trồng rừng tại Xuân Thủy.

Trong quá trình thực hiện dự án, chúng em đã rất may mắn nhận được sự tham gia và đóng góp của nhiều các bạn khác. Có nhiều bạn sau này trở thành thành viên chủ chốt của dự án như bạn Trần Vũ Gia Hân, bạn Tuấn Minh...

Em Phạm Ngô Hoàng Lan Elizabeth hiện đang sống tại New Zealand.

Em Phạm Ngô Hoàng Lan Elizabeth hiện đang sống tại New Zealand.

Chúng em cùng bàn bạc với nhau về mục đích của dự án, làm thế nào để có thể chia sẻ ý thức về bảo vệ một trường với các bạn cùng trang lứa, đồng thời kêu gọi mọi người chung tay góp công sức trồng rừng, bảo tồn hệ sinh thái ngập mặn tại vườn quốc gia này.

Em có thể chia sẻ về mục tiêu của dự án này là gì chứ?

- Nguyễn Nguyệt Linh (Trường THCS Marie Curie): Mục tiêu của dự án là gây quỹ trồng rừng ngập mặn, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chúng em muốn tạo ra một sản phẩm cụ thể nhằm giới thiệu về Vườn Quốc gia Xuân Thủy, mô tả chi tiết về các loài động thực vật đặc trưng ở Vườn Quốc gia nhằm phục vụ cho việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức.

Chúng em nghĩ rằng, khi các bạn có những hiểu biết về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, các bạn sẽ có ý thức bảo vệ hệ sinh thái đó; khi các bạn hiểu biết về những loài động thực vật tiêu biểu ở đó, các bạn cũng sẽ có tình yêu và mong muốn giữ gìn, bảo tồn những loài động thực vật như vậy.

Em Nguyễn Nguyệt Linh (phải) - Học sinh trường THCS Marie Curie và em trai Nguyễn Bình Minh - Học sinh trường Trường TH&THCS Vietschool Pandora, đều là thành viên của dự án

Em Nguyễn Nguyệt Linh (phải) - Học sinh trường THCS Marie Curie và em trai Nguyễn Bình Minh - Học sinh trường Trường TH&THCS Vietschool Pandora, đều là thành viên của dự án

Em có thể nói cụ thể hơn về dự án được không?

- Nguyễn Nguyệt Linh (Trường THCS Marie Curie): Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là tuyên truyền nâng cao nhận thức về hệ sinh thái rừng ngập mặn và gây quỹ đóng góp cây xanh gửi tặng Vườn quốc gia Xuân Thủy. Kết thúc giai đoạn này chúng em đã kêu gọi và quyên góp trồng được 291 cây tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Giai đoạn hai chúng em thực hiện xuất bản quyển sách “Những người bạn trong khu rừng ngập mặn” mô tả chi tiết kèm hình vẽ minh họa về 51 loài động thực vật tiêu biểu của Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Nhưng tại sao các em lại chọn Vườn Quốc gia Xuân Thủy mà không phải là một nơi nào khác?

- Trần Vũ Gia Hân (Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn): Vườn Quốc gia Xuân Thủy là một trong những khu rừng ngập mặn quan trọng ở Việt Nam, có mức độ đa dạng sinh học cao cả về hệ sinh thái và thành phần loài sinh vật.

Em Trần Vũ Gia Hân - Học sinh trường THPT Chuyên Xã hội và Nhân văn - một trong những sáng lập viên của dự án.

Em Trần Vũ Gia Hân - Học sinh trường THPT Chuyên Xã hội và Nhân văn - một trong những sáng lập viên của dự án.

Nơi đây cũng là “ga chim” quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế, trong số đó có loài cò mỏ thìa mặt đen, là loài chim đã được ghi vào sách đỏ của IUCN về các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Điều quan trọng nữa là Vườn Quốc gia Xuân Thủy là một trong hai vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Tại sao lại là ấn phẩm sách mà không phải là hình thức khác?

- Phạm Tuấn Minh (Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam): Thiết kế ấn phẩm sách bỏ túi nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của rừng, hệ sinh thái rừng ngập mặn, chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Em Phạm Tuấn Minh học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Em Phạm Tuấn Minh học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Dự án dự kiến in 2.000 quyển sách. Trong đó, 500 cuốn sách sẽ được tặng lại Vườn Quốc gia Xuân Thủy để hỗ trợ công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, tặng Thư viện địa phương; số còn lại sẽ được bán để gây Quỹ trồng rừng tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Các em thực hiện quyển sách “Những người bạn trong khu rừng ngập mặn” như thế nào?

- Trần Nguyễn Khanh (Trường THPT Phan Đình Phùng): Sau khi nhận được tư vấn từ Phòng khoa học – Vườn Quốc gia Xuân Thủy, chúng em tìm kiếm thông tin trên mạng internet. Cả nhóm thống nhất format chung về các thông tin cơ bản cần phải tìm hiểu về từng loài động thực vật tiêu biểu.

Em Trần Nguyễn Khanh - học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng.

Em Trần Nguyễn Khanh - học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng.

Bên cạnh đó, chúng em dùng phần mềm vẽ mô tả lại từng loại động thực vật kèm theo các chú thích cụ thể. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn rất cao nhưng tất cả mọi người tham gia đều hào hứng và hoàn thành tốt công việc của mình.

- Nguyễn Linh Chi (Trường THCS Marie Curie): Khi nhận được nhiệm vụ vẽ bìa cho cuốn sách em vừa cảm thấy vinh dự nhưng cũng cảm thấy có chút lo lắng áp lực vì đây là lần đầu tiên em vẽ bìa sách.

Ngoài việc phải vẽ cho đẹp còn phải tính đến bố cục bức tranh sao cho cân đối hợp lý để vừa vào 2 trang bìa trước và sau của quyển sách. Em mất thời gian khá lâu để tìm hiểu về rừng quốc gia ngập mặn Xuân Thuỷ và tinh thần của cuốn sách. Có ý tưởng em ngay lập tức bắt tay vào vẽ.

Em Nguyễn Linh Chi - học sinh trường THCS Marie Curie (Hà Nội).

Em Nguyễn Linh Chi - học sinh trường THCS Marie Curie (Hà Nội).

Trong bức tranh bìa em thể hiện những cánh cò trắng đang bay về bình yên trên trên ngôi nhà của mình,một rừng cây xanh trên cửa sông ven biển.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất của dự án, em có thể chia sẻ cảm nhận khi tham gia dự án không?

- Trần Nguyễn Ngọc Khuê (Trường Tiểu học Marie Curie): Em thấy rất vui và tự hào khi được tham gia 1 dự án rất ý nghĩa như thế này. Em học hỏi được rất nhiều thông qua cách làm việc nghiêm túc của các anh chị đồng thời được hiểu hơn về những loài động thực vật trong thiên nhiên và tự nhận thấy trách nhiệm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” trong việc bảo vệ “hành tinh xanh” của chúng ta.

Trần Nguyễn Ngọc Khuê - Thành viên nhỏ tuổi nhất của dự án.

Trần Nguyễn Ngọc Khuê - Thành viên nhỏ tuổi nhất của dự án.

Dự án này đến nay đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm rồi?

- Phạm Ngô Hoàng Lan Elizabeth (Macleans College – New Zealand): Đến nay, quyển sách đã hoàn thành với sự hiệu đính về mặt khoa học của Phòng Khoa học – Vườn Quốc gia Xuân Thủy Nhân dịp xuất bản cuốn sách ý nghĩa này vào dịp giữa tháng 6/2022, Dự án sẽ thực hiện tổ chức họp báo giới thiệu cuốn sách chúng em rất mong quyển sách sẽ được đón nhận nhiệt tình.

Dự án có kế hoạch phát triển tiếp theo như thế nào?

- Nguyễn Nguyệt Linh (Trường THCS Marie Curie): Toàn bộ số tiền bán sách sẽ được quyên góp trở lại Vườn Quốc gia Xuân Thủy để tiếp tục các hoạt động trồng rừng, bảo tồn hệ sinh thái tại đây. Dự kiến Giai đoạn 3 của Dự án là chuyển thể cuốn sách sang tiếng Anh, gửi tặng một số tổ chức bảo tổn để lan tỏa thông điệp của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc gìn giữ và bảo tồn thiên nhiên.

- Xin cảm ơn các em!