|
Tóm tắt
UBND Tp.HCM cũng cho biết nhu cầu vốn đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp còn lại, đầu tư hạ tầng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong đó, khoảng 12.000 tỷ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng nên tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày. Áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong năm nay và năm 2016 là rất lớn. Theo đó, trong năm 2015 là hơn 902 tỷ đồng; năm 2016 trả nợ gốc đến hạn là hơn 5.200 tỷ và lãi vay phát sinh là 829 tỷ.
Ngoài ra, UBND Tp.HCM cũng cho biết nhu cầu vốn đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp còn lại, đầu tư hạ tầng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng quỹ nhà thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư (trong năm nay phải thanh toán hơn 5.000 tỷ đồng và năm tới phải thanh toán 8.100 tỷ).
Trong thời gian qua thành phố đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Lũy kế đến nay đã chi trả bồi thường được 14.346/14.350 hồ sơ (đạt 99,97%), với số tiền là 17.288 tỷ đồng. Còn 148 hồ sơ có diện tích 11,5 ha chưa thu hồi mặt bằng. Tổng quỹ căn hộ, nền đất giao cho quận 2 đến nay là 2.878 căn hộ chung cư và 1.512 nền đất.
Ngoài ra, tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật chính được thực hiện tương đối nhanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu đô thị này. Đó là dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính và dự án Quảng trường trung tâm; công viên bờ sông; Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; Dự án Khu lâm viên sinh thái Vùng châu thổ phía Nam thuộc Khu chức năng số 8)…
Theo UBND TP, ngân sách thành phố đang rất hạn chế, khả năng vay vốn từ những ngân hàng lớn đã gắn bó với thành phố trong những ngày đầu triển khai dự án cũng rất khó khăn vì đã hết hạn mức cho vay, nên chỉ còn nguồn thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất từ các dự án đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm để hoàn trả vốn vay, lãi vay và để đáp ứng về nhu cầu vốn đầu tư trong thời gian tới.
Vì vậy, thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND thành phố được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện một số dự án thay vì đấu thầu để sớm tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố để sử dụng trả một phần nợ vay, giảm bớt số lãi vay đang phát sinh hằng ngày.
Cụ thể,thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định một nhà đầu tư trong nước đầu tư dự án Khu phức hợp Sóng Việt trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị Thủ Thiêm với tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng.
Dự án Khu phức hợp Sóng Việt với khu trung tâm thương mại tiêu chuẩn quốc tế do công ty CP Quốc Lộc Phát đang nghiên cứu đầu tư, có tổng vốn đầu tư dự kiến 7.055 tỉ đồng và dự kiến được khởi công xây dựng từ năm 2016.
Trong một văn bản gửi Chính phủ mới đây, thành phố cho biết sẽ có hai dự án lớn khác được đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong năm tới. Tại khu chức năng số 2 cũng nằm cạnh sông Sài Gòn, sát bên khu chức năng số 1, liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) sẽ xây dựng dự án khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City), trong đó có khu phức hợp cửa hàng bách hóa và khu phố thương mại tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỉ USD.
Trong khi đó, liên danh gồm Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước - Công ty TNHH Bất Động sản Trần Thái và Công ty Denver Power Ltd (thuộc tập đoàn Gaw Capital Partner) - đang thực hiện dự án khu phức hợp tháp quan sát Thủ Thiêm. Trong đó, công trình tháp quan sát phức hợp đa chức năng cao 86 tầng theo quy hoạch được duyệt có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD. Công trình này dự kiến sẽ được nhà đầu tư khởi công vào đầu năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2022.
Theo Trí thức trẻ