|
Nắng nóng khiến nhiều trẻ em bị bệnh. Ảnh minh họa |
Nắng nóng gay gắt, nhiều trẻ em bị bệnh
Theo tờ Pháp Luật TP.HCM, chị N.T.T.T (quận Tân Bình) đưa con là bé ĐHTP (7 tuổi) đến BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám do có triệu chứng đau bụng, đi cầu không được. Bé được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và kê thuốc uống. Chị T cho biết hằng ngày ngoài ăn cơm, chị còn cho bé uống sữa, nước trái cây nhưng bé vẫn bị bệnh.
Bà H.T.H (quận 12) bồng cháu gái là bé Y (1 tuổi) đi khám. Bà H. cho biết 4 ngày qua, do thời tiết quá nóng, bé Y liên tục quấy khóc, môi bong tróc và miệng lở từng mảng.
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa khám bệnh, BV Nhi đồng 1
(TP.HCM), cho biết gần đây các bệnh nhi khám bệnh về tiêu hóa, da,.. khá phổ biến. Các bệnh mùa nắng nóng vẫn chủ yếu là hô hấp, tiêu hóa và da. Tuy nhiên, hiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhi giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng 2.500 lượt mỗi ngày.
Theo bác sĩ Hoàng, thời tiết nắng nóng thường khiến trẻ bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, viêm họng amidan, viêm tai giữa,...Thời tiết nắng nóng cũng khiến vi khuẩn dễ sinh sôi, làm thức ăn nhanh ôi thiu nên trẻ dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa, tiêu chảy,...
|
Phụ huynh đưa con đi khám bệnh. Ảnh minh họa
|
Thời tiết nắng nóng còn gây tổn thương da, trẻ tiết mồ hôi nhiều hơn dẫn đến nhọt, viêm da tế bào, nhiễm trùng da. Nếu tiếp xúc với ánh nắng buổi trưa quá lâu, trẻ sẽ bị tổn thương kết mạc, giác mạc. Tổn thương kéo dài có thể gây đục thủy tinh thể.
Bác sĩ Hoàng khuyên cha mẹ cần bổ sung nhiều nước, trái cây, sinh tố cho trẻ. Khi để trẻ nằm trong phòng máy lạnh, cần điểu chỉnh nhiệt độ phù hợp, khoảng 28 độ C. Nếu có việc cần phải đi ra nắng, cha mẹ cần che chắn cho trẻ kỹ lưỡng bằng nón rộng vành, áo dài tay, mang kính râm...
Khi phát hiện trẻ đang vui chơi bỗng nhiên mệt mỏi thì cha mẹ cần bổ sung nước cho con. Nếu thấy trẻ bị ngứa da, phồng rộp, nổi mẩn đỏ nên chuyển trẻ ở nơi thoáng mát hơn.
Theo tờ Tuổi Trẻ Online, thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm dễ xảy ra sốc nhiệt, đột quỵ. Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng TP - cho hay, thời tiết này khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt, mất nước (nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).
Đặc biệt, đây cũng là thời gian trẻ lớn có xu hướng muốn tắm sông, tắm hồ, vọc nước trong các chỗ chứa nước như lu, khạp, xô,... Do đó, cha mẹ cần dặn dò, chú ý quan sát trẻ để tránh các tai nạn đáng tiếc.
Người lớn phát ban khi thời tiết nắng nóng
Tại BV Da Liễu TP.HCM, chị P.T.N.D (29 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến khám do toàn thân bị nổi mụn nước. Chị D cho biết, trước đó, chị đi tắm hồ bơi vào lúc 9 giờ sáng. Khi lên bờ, nhiều vùng da trên cơ thể chị bị đỏ lên từng mảng, nghĩ bị cháy nắng nên chị bôi kem dưỡng. Tuy nhiên, hai ngày sau, da chị mọc một số mụn to rồi vỡ, gây nhiễm trùng, có dịch mủ.
Chị D được bác sĩ chẩn đoán phát ban đa dạng do ánh sáng, nguy cơ để lại sẹo và sạm da trong thời gian dài.
Anh T.K.M (37 tuổi, ở quận 5) làm nghề chạy xe ôm. Anh luôn mặc áo dài tay nhưng vẫn bị rát da. Gần đây, anh cảm thấy ngứa vùng cổ, gáy, ngực và hai bàn tay. Anh nghĩ dị ứng do ăn cá biển trước đó nên ra tiệm mua thuốc Tây uống. Hai ngày sau, vùng cổ anh bị nổi mụn nước nhỏ kèm đau rát và mỗi ngày một lan rộng.
|
Người làm nghề chạy xe ôm trong mùa nắng nóng. Ảnh minh họa
|
Đi khám ở BV Da liễu TP.HCM, bác sĩ kết luận anh bị dị ứng ánh nắng mặt trời. Anh M cho biết, trước đây, mỗi khi chạy xe bị nóng rát da, anh thường tắm và khoảng 3 ngày là hết. Đây là lần đầu tiên anh bị dị ứng ánh nắng.
Trên tờ Pháp Luật TP.HCM, bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Da liễu TP.HCM), cho biết dị ứng ánh nắng mặt trời chiếm khoảng 10% các trường hợp phỏng da, dị ứng da do nhiệt độ. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh khởi nguồn do bức xạ từ ánh nắng mặt trời kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Thông thường, triệu chứng chỉ thoáng qua rồi hết, nặng sẽ gây viêm da, tăng sắc tố sau viêm, da sẫm màu, phải mất 1-3 tháng mới hết. Nếu phát hiện muộn, vùng da dị ứng sẽ để lại vết thâm mất thẩm mỹ, thậm chí gây lão hóa da, nguy cơ ung thư da rất cao.
Bác sĩ Thảo khuyên người dân không tự ý bôi, đắp lá thuốc, băng kín vùng viêm da hoặc uống thuốc không đúng liều lượng sẽ làm da nhiễm trùng để lại sẹo, mỏng, teo da. Một số trường hợp còn bị phát ban mụn trứng cá, nhất là khi lạm dụng thuốc có corticoid. Người dân cần hạn chế ra đường từ 10 giờ đến 16 giờ, nếu buộc phải ra ngoài phải đội nón rộng vành, mặc áo dài tay, đeo kính, bôi kem chống nắng.
|
Người dân trang bị đầy đủ trang phục chống nắng khi ra đường. Ảnh minh họa
|
Liên quan đến vấn đề thời tiết nắng nóng, trên tờ Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Đức Thọ (Chuyên khoa Da Liễu) cho biết, chỉ số tia UV tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Thọ cho biết, bức xạ tia UV, các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi chỉ số tia UV mức 8-10, nếu chúng ta ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Bộ Y tế khuyến cáo để tránh bệnh mùa nắng nóng, người dân nên hạn chế đi ra đường khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, mang khẩu trang... chống nóng.
Đồng thời, người dân nên uống nhiều nước, đặc biệt là người lao động ngoài trời, tuy nhiên không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Khi sử dụng máy lạnh, không nên bật nhiệt độ phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.
Bên cạnh đó, người dân luôn phải thực hiện ăn chín, uống sôi và tăng cường ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.