TP.HCM: Giải thể Bệnh viện dã chiến, xóa dấu vết của một thời đỉnh dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM tổ chức lại hệ thống thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn, giải thể các  bệnh viện dã chiến vì không còn bệnh nhân.
Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Việt Đức tại TP.HCM giai đoạn đỉnh dịch
Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Việt Đức tại TP.HCM giai đoạn đỉnh dịch

TP.HCM đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, trong đó cao điểm kéo dài hơn 2 tháng, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9 năm 2021.

Trong giai đoạn này, để đáp ứng với tình hình dịch bệnh, các bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập, các bệnh viện của TP được chuyển đổi công năng sang bệnh viện điều trị COVID-19.

Tổng cộng TP.HCM đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường). Đây cũng là lần đầu tiên, ngành Y tế TP.HCM nhanh chóng huy động nhiều loại hình bệnh viện khác nhau trong “cuộc chiến” với COVID-19 kéo dài 5 tháng qua bao gồm: bệnh viện dã chiến cấp thành phố, cấp quận huyện, trong đó có cả các trung tâm hồi sức dã chiến COVID-19, bệnh viện tách đôi, bệnh viện chuyển đổi công năng toàn phần.

Bên cạnh việc huy động tổng lực nguồn nhân lực từ tất cả bệnh viện trên địa bàn tham gia công tác thu dung và điều trị COVID-19, lần đầu tiên ngành Y tế TP.HCM nhận được sự hỗ trợ nguồn nhân lực đông đảo lên đến hàng chục ngàn người được Bộ Y tế huy động từ nhiều vùng miền trên khắp cả nước, trong đó có sự hỗ trợ rất hiệu quả của lực lượng Quân y từ Bộ Quốc phòng trong việc triển khai lần đầu tiên trên phạm vi cả nước mô hình trạm y tế lưu động phục vụ công tác quản lý, chăm sóc cho các trường hợp F0 tại nhà.

Trao trả di vật tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Bạch Mai tại TP.HCM

Trao trả di vật tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Bạch Mai tại TP.HCM

Từ sau tháng 10/2021, khi có những tín hiệu lạc quan về tình hình dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, ngành Y tế TP.HCM đã chuẩn bị một lộ trình từng bước phục hồi lại công năng ban đầu của các bệnh viện, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân.

Trong giai đoạn này, các bệnh viện dã chiến thành lập dựa trên các cơ sở sẵn có của các ký túc xá, khu thể thao văn hóa, khu nhà ở tái định cư chưa sử dụng… lần lượt ngưng hoạt động. Các bệnh viện quận, huyện được ưu tiên phục hồi công năng trước đây, để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Chiến lược trong giai đoạn bình thường mới là tất cả các bệnh viện phải điều chỉnh cấu trúc tổ chức và quy trình hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện đồng thời 2 chức năng, đó là khám, chữa bệnh đa khoa hay chuyên khoa (theo nhiệm vụ của mỗi bệnh viện) đồng thời với việc điều trị COVID-19.

Các trường hợp bệnh nhân mắc một bệnh lý cấp hoặc mạn tính sẽ được điều trị tại các bệnh viện đa khoa, hoặc bệnh viện chuyên khoa theo phân tuyến kỹ thuật, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV2 thì được cách ly điều trị tại khu vực bố trí dành riêng (tùy theo sự sắp xếp theo đặc thù của từng bệnh viện) hoặc tại đơn vị/khoa COVID-19 của bệnh viện.

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã được kiểm soát, tính đến ngày nay, toàn TP chỉ còn dưới 5.000 trường hợp F0 đang điều trị (chủ yếu là tại nhà), số ca nặng cần thở máy xâm lấn tiếp tục giảm (hiện chỉ còn dưới 20 ca) và không có ca tử vong do COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong hơn 3 tuần qua, hiện cả thành phố chỉ còn 1 phường/xã có cấp độ dịch 2, tất cả đều đạt cấp độ 1. Số ca nhiễm mới đang giảm về cực thấp.

Bác sĩ Lưu Quang Thuỳ - Phó Giám đốc Trung tâm điều trị tích cực COVID-19 Việt Đức tại TP.HCM - sau thời gian dài hỗ trợ phía Nam đã trở về Hà Nội. Ảnh: Hoà Bình

Bác sĩ Lưu Quang Thuỳ - Phó Giám đốc Trung tâm điều trị tích cực COVID-19 Việt Đức tại TP.HCM - sau thời gian dài hỗ trợ phía Nam đã trở về Hà Nội. Ảnh: Hoà Bình

TP.HCM hiện nay hầu hết người dân đã tiêm đủ các liều vaccine COVID-19, số ca mắc mới giảm, số ca nặng và tử vong giảm sâu, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Vì thế, TP.HCM quyết định ngưng hoạt động các trạm y tế lưu động, việc quản lý F0 tại nhà hiện nay do các trạm y tế đảm trách, với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số, tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.

Đối với các bệnh viện dã chiến tuyến huyện, nếu trong giai đoạn cao điểm dịch đã sử dụng tạm một cơ sở chức năng làm bệnh viện dã chiến thì hoàn trả lại công năng ban đầu. Đồng thời các quận, huyện phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp số F0 tăng cao trở lại.

Tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM thực hiện đồng thời 2 chức năng: vừa thực hiện công tác khám, chữa bệnh thông thường vừa thành lập khoa/đơn vị điều trị COVID-19 để điều trị người mắc COVID-19 đồng thời với bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và Nhi Đồng TP.HCM (cùng với các BV Trung ương trên địa bàn TP như BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19.

Giải thể các bệnh viện dã chiến TP đã tạm ngưng hoạt động trước đó. Đối với các bệnh viện dã chiến 3 tầng còn hiện hữu, chỉ duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 và 16. Ngưng hoạt động tầng 3 của Bệnh viện dã chiến 3 tầng Tân Bình do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách.