Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – PGS.TS Tăng Chí Thượng - đã lên tiếng cảnh báo về việc có nhiều dấu hiệu bất ổn cho thấy có thể bùng phát trầm trọng dịch sốt xuất huyết.

Giám đốc Sở Y tế - PGS.TS Tăng Chí Thượng cảnh báo mạnh mẽ các dấu hiệu bất ổn của dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp
Giám đốc Sở Y tế - PGS.TS Tăng Chí Thượng cảnh báo mạnh mẽ các dấu hiệu bất ổn của dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp

“TP.HCM hiện nay vừa phải tiếp tục duy trì công tác phòng chống dịch COVID-19, vừa đồng thời phải chú ý thêm đến dịch sốt xuất huyết năm nay đang có nhiều dấu hiệu bất ổn, khác hẳn với các năm trước" – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM chiều ngày 26/4.

Sau đúng một năm nhìn lại công tác phòng chống COVID-19, cho đến hiện tại TP.HCM đã kiểm soát rất tốt đại dịch. “Số ca nhiễm mới, số ca nhập viện đang điều trị còn lại rất thấp, hiện tại chỉ còn hơn 400 ca. Số ca phải thở máy chỉ còn 23 trường hợp. Ngay cả số ca điều trị tại nhà cũng chỉ còn khoảng 5.000 F0. Đã ba tuần liên tiếp TP.HCM không có ca tử vong vì COVID-19. Tất cả các số liệu trên cho thấy chúng ta có thể yên tâm được về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn” – PGS.TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Về tình hình phòng chống dịch COVID-19, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng thông tin thêm: “Vì các trạm y tế lưu động không còn cần thiết nên sau dịp nghỉ lễ 30-4 nên về cơ bản sẽ giải thể các trạm này. Các khoa điều trị thuộc tầng 3 tại nhiều bệnh viện cũng được giải thể vì không còn bệnh nhân COVID-19 nặng. Riêng các bệnh viện dã chiến sẽ được duy trì thêm một thời gian nữa, nhưng hiện tại chỉ còn rất ít bệnh nhân cần nhập viện. TP.HCM tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Sở Y tế cũng sẽ sớm đưa ra kế hoạch chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, điều trị hậu COVID-19 với các nhóm bị tác động, gây ảnh hưởng trầm trọng cho người dân để tránh việc dồn lực quá lớn vào một khu vực”.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đưa quan điểm không cần lo lắng về các biến chủng mới, vì mức độ dịch bệnh khá nhẹ như đã thống kê. Nhưng PGS.TS Tăng Chí Thượng lại nhấn mạnh sự ưu tiên quan tâm ở giai đoạn này cần dành cho dịch sốt xuất huyết.

TP.HCM đã có 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó có 1 trẻ em và 1 phụ nữ. Ảnh: HCDC

TP.HCM đã có 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó có 1 trẻ em và 1 phụ nữ. Ảnh: HCDC

“Số liệu cho thấy, trong các tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã ghi nhận tới 4.500 ca mắc sốt xuất huyết. Nếu so sánh với các năm trước, ngay cả năm 2019 được coi là bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết thì số ca mắc cũng không nhiều đến thế. Đặc biệt hơn, số ca nặng ghi nhận tới 109 trường hợp, trong khi cùng kỳ các năm trước chỉ khoảng hơn 30 ca. Đây là các dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại, bởi theo dõi qua số liệu ghi nhận các năm và nghiên cứu của các chuyên gia đã khẳng định, cứ khoảng 3-4 năm thì sốt xuất huyết lại bùng phát dữ dội” – Giám đốc Sở Y tế nói.

“Hiện tại, TP.HCM đã có hai trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, một em bé và một phụ nữ. Cả hai trường hợp đáng tiếc đều tử vong do nguyên nhân không được cấp cứu kịp thời” – PGS.TS Tăng Chí Thượng cảnh báo hậu quả trầm trọng của sốt xuất huyết nếu không được chú ý đúng mức.

Sở Y tế TP.HCM phối hợp với HCDC đã đưa nhiều khuyến cáo tới người dân về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cũng như dấu hiệu của bệnh, để dễ dàng nhận biết và có biện pháp đưa bệnh nhân chuyển nặng đi nhập viện, cấp cứu kịp thời.

Có điều, suốt hai năm qua, toàn bộ nỗ lực của chính quyền các địa phương và người dân đều tập trung cho việc phòng, chống, điều trị COVID-19, nên ngay từ trong ý thức, người dân cũng không quá chú trọng các dịch bệnh khác. Sở Y tế và HCDC đưa cảnh báo rằng mặc dù sốt xuất huyết tưởng không nguy hiểm, nhưng hậu quả hoàn toàn có thể dẫn tới thiệt mạng cho bệnh nhân, rất cần được chú ý đúng mức, tránh dịch bệnh bùng phát ở mức độ trầm trọng.