TP.HCM ghi nhận ca thứ 6 nhiễm biến chủng Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – HCDC cho hay TP.HCM ghi nhận ca thứ 6 nhiễm biến chủng Omicron nhưng không có dấu hiệu chuyển nặng. Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 toàn thành phố đi học trở lại bình thường.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm thông tin về ca thứ 6 nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: Thiện Hợp
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm thông tin về ca thứ 6 nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: Thiện Hợp

Các ca nhiễm biến chủng Omicron không chuyển nặng

Thông tin với báo chí, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) – ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, TP.HCM vừa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron thứ 6, tất cả đều là người nhập cảnh và thực hiện cách ly y tế ngay sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Ca thứ 6 nhiễm Omicron là tiếp viên hàng không người Đài Loan, phát hiện dương tính ngày 3/1 cũng đã được cách ly ngay sau nhập cảnh.

Thông tin về tình hình điều trị của 6 ca nhiễm Omicron, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết các ca này gần như không có triệu chứng và cũng không có dấu hiệu chuyển biến nặng.

Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 (kể cả biển chủng mới Omicron), Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay kể từ đầu tháng 12/2021, ngành y tế TP.HCM đã thực hiện tái cấu trúc các bệnh viện, phân bổ lại các khoa, phòng cho hợp lý. Ngoài 9 bệnh viện dã chiến, thu dung đã giải thể, TP.HCM còn giữ lại 13 bệnh viện khác với sức chứa hơn 22.000 giường cùng hơn 8.000 giường tại các bệnh viện dã chiến, thu dung thuộc các quận, huyện, TP Thủ Đức, kịp thời đáp ứng nếu có tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, Sở Y tế cũng phân công theo cụm để công tác điều trị, chuyển viện được triển khai, thực hiện phù hợp với tình hình hiện nay.

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, TP.HCM hiện còn hơn 7.000 liều thuốc kháng virus đáp ứng đối tượng đủ điều kiện sử dụng. Ảnh: Thiện Hợp

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, TP.HCM hiện còn hơn 7.000 liều thuốc kháng virus đáp ứng đối tượng đủ điều kiện sử dụng. Ảnh: Thiện Hợp

Đối với túi thuốc C (thuốc kháng virus), hiện TP còn hơn 7.000 liều đáp ứng đối tượng đủ điều kiện sử dụng. Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục đánh giá và xin Bộ Y tế bổ sung thêm 25.000 liều để đáp ứng nhu cầu trong điều kiện gia tăng ca nhiễm trên địa bàn.

Thời gian gần đây, số ca mắc mới trên địa bàn TP.HCM ngày càng giảm, cụ thể tuần từ ngày 9/12 đến ngày 15/12 có 8.886 ca, tuần từ ngày 16/12 đến ngày 22/12 giảm còn 7.527 ca, tuần từ ngày 23/12 đến ngày 30/12 chỉ còn 4.087 ca. Qua đó, cho thấy công tác phòng, chống dịch của TP.HCM đã đạt được kết quả tích cực.

Tiếp theo là số ca tử vong giảm liên tục trong những ngày gần đây, từ 40 ca tử vong trong ngày 28/12/2021, đến 1/1/2022 giảm còn 30 ca, 2/1 còn 31 ca, ngày 3/1 còn 26 ca. Bên cạnh đó, số ca nhập viện cũng giảm theo từng ngày. Trước đây, số ca nhập viện luôn ở mức 800, thì ngày 1/1/2022 còn 322 ca, ngày 2/1 còn 309 ca. Con số xuất viện luôn lớn hơn nhập viện, cụ thể số ca xuất viện trong ngày 1/1/2022 là 425 ca, ngày 2/1 là 385 ca và 433 ca trong ngày 3/1.

Tỷ lệ học sinh đi học trở lại đạt trên 85%

Từ sáng ngày 4/1, học sinh các khối từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp trở lại (trong đó, các khối 9,12 đã đi học trở lại từ 13/12), trên cơ sở kiểm tra thực tế và báo cáo của các cơ sở giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Duy Tân đánh giá, việc tổ chức dạy học trực tiếp trở lại có nhiều tín hiệu khả quan.

Cụ thể, đối với khối THPT, trên 85% tỷ lệ học sinh khối lớp 10 đi học trở lại, khối 11 đạt 92%, khối 12 giữ tỷ lệ trên 98%. Đối với khối THCS 7-8 tỷ lệ đạt trên 87%, khối 9 đạt 96,7%.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đánh giá, việc tổ chức dạy học trực tiếp trở lại có nhiều tín hiệu khả quan. Ảnh: Thiện Hợp.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đánh giá, việc tổ chức dạy học trực tiếp trở lại có nhiều tín hiệu khả quan. Ảnh: Thiện Hợp.

“Nhìn chung, tỷ lệ học sinh đi học lại khá cao, học sinh đã trở lại trường cũng tuân thủ đúng quy định, thích ứng an toàn và đảm bảo quá trình học tập đạt kết quả tốt”, ông Tân chia sẻ thêm.

Về một số ý kiến, lo lắng của phụ huynh về việc kiểm tra học kỳ, ông Tân cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không dùng từ “thi học kỳ” mà thay vào đó là chỉ “kiểm tra cuối kỳ”, nhằm mục đích đánh giá lại quá trình học tập của học sinh để có điều chỉnh trong việc dạy học, đồng thời giúp đỡ các em học tập tốt hơn.