Người tiêu dùng có thể dùng chương trình quét mã QR code bất kỳ, chẳng hạn như ứng dụng quét QR code của Zalo, quét lên tem để biết thông tin về con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, tiêm phòng, cơ sở xử lý, đóng gói… Nếu cài đặt chương trình TE-FOOD, ngoài các thông tin trên, người tiêu dùng còn biết thêm địa chỉ mua trứng sạch ở đâu, nhận thông tin cảnh báo về sản phẩm trứng không an toàn...
Đến nay, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi Cục Thú y Thành phố đã nhận được hồ sơ đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm của 35 trang trại gà giống (quy mô 2,8 triệu con giống); 431 trang trại gà lấy thịt (sản lượng hơn 15 triệu con xuất trại/lứa); 51 trại gà, vịt lấy trứng (hơn 80 triệu quả/tháng)... Trong đó có các đơn vị như Bel gà, CP, CJ, San Hà, 3F Việt, Sagofoods, Ba Huân, Sagri, Phạm Tôn,...
Riêng với mặt hàng trứng vịt của Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng sẽ được truy xuất nguồn gốc trong thời gian sớm nhất theo quy định của Đề án.
Truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm thuộc đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ mã QR code, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện, truy xuất nguồn gốc, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt, trứng gia cầm.
Nếu như với thịt heo, việc truy xuất nguồn gốc hiện nay mới chỉ được thực hiện ở giai đoạn từ trang trại tới bàn ăn thì việc truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm đã được thực hiện từ khâu con giống đến bàn ăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm của TPHCM được triển khai chặt chẽ, minh bạch. Thời gian tới, sẽ mở rộng triển khai Đề án với các mặt hàng thực phẩm khác như thịt bò, rau củ quả… để khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGap… và truy xuất được nguồn gốc.