|
Bán hàng mang đi trong giai đoạn nới lỏng giãn cách ở TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình |
TP.HCM thuộc vùng vàng, nguy cơ trung bình
Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM vừa có văn bản 2029/STTTT-VP đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức cung cấp thông tin cấp độ dịch tại địa bàn để cập nhật lên Cổng thông tin COVID-19 của TP.HCM.
Đây là đề nghị nhằm thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM về việc tổ chức đánh giá định kỳ và cung cấp thông tin cấp độ dịch lên Cổng thông tin COVID-19 của TP.HCM theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" (gọi tắt là Nghị quyết 128) và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo đề nghị của Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM từ ngày 19/10/2021 - 24/10/2021, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và phường, xã, thị trấn thực hiện rà soát, đánh giá và cung cấp thông tin cấp độ dịch trên địa bàn theo hướng dẫn Sở Y tế tại công văn 7629/SYT-NVY về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800/QĐ- BYT của Bộ Y tế lên Cổng thông tin COVID-19 của TP.HCM theo quy mô quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn và tổ dân phố.
Từ ngày 25/10/2021, Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM sẽ cung cấp thông tin chính thức cấp độ dịch cho Lãnh đạo và người dân TP. UBND các cấp thuộc TP.HCM có nhiệm vụ thường xuyên rà soát và cập nhật lên Cổng thông tin COVID-19 khi có biến động, thay đổi về cấp độ dịch trên địa bàn.
|
Bản đồ đánh giá mức độ dịch theo tổ dân phố tại TP.HCM |
Về phần mềm hỗ trợ quản lý và cung cấp thông tin cấp độ dịch lên Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, Sở Thông tin & Truyền thông đã triển khai và cấp tài khoản sử dụng phần mềm cho đơn vị để phục vụ đánh giá cấp độ dịch theo quy mô quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xā, thị trấn, tổ dân phố, tổ Nhân dân.
Người dân, tổ chức có thể truy cập và theo dõi thông tin cấp độ dịch trên cổng COVID-19 của TP.HCM tại địa chỉ: https://covid19.hochiminhcity.gov.vn/bando hoặc https://bando.tphcm.gov.vn.
Tính đến hôm nay 22-10, đã có 60/63 tỉnh thành đánh giá xong và công bố cấp độ dịch báo cáo Bộ Y tế. Trong đó, 26/63 tỉnh, thành cấp độ 1, cả nước chỉ còn hơn 20 xã cấp độ 4. Hiện chỉ còn 3 tỉnh Gia Lai, Tây Ninh, Bình Định là chưa có báo cáo đánh giá cấp độ dịch gửi Bộ Y tế. Trong số 60/63 tỉnh thành đã công bố, có 26 tỉnh thành đang ở cấp độ 1. Cả nước chỉ còn Bình Dương xác định trên phạm vi toàn tỉnh là vùng cam, vùng nguy cơ cao. 33 tỉnh thành, trong đó có TP.HCM là vùng vàng, nguy cơ trung bình.
Theo Nghị quyết 128/NQ-CP, có 4 cấp dịch gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình) tương ứng với màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao) tương ứng với màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao) tương ứng với màu đỏ. Đến ngày 18-10-2021, đã có 19 tỉnh xác định cấp độ dịch là cấp 1; 14 tỉnh, thành phố xác định cấp độ 2; các tỉnh, thành phố còn lại chưa công bố cấp độ dịch.
|
Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, TP.HCM hiện có 96:234 chợ truyền thống được hoạt động lại |
96 chợ truyền thống được hoạt động, đề xuất cho quán bán tại chỗ
Trao đổi về Bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế có những tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của dịch bệnh trong tình hình mới, vì vậy để phù hợp với các quy định, ngày 15/10/2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3589/QĐ-BCĐ về Bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn.
Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021. Các doanh nghiệp, tổ chức căn cứ Bộ tiêu chí tại Quyết định 3589 để xem xét, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
Riêng loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ, Sở Công Thương đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM và UBND TP đã giao Sở Y tế đánh giá thực tế và xem xét có ý kiến về đề xuất này.
|
Các chủ nhà hàng, quán cà phê ở TP.HCM mong được bán tại chỗ trở lại. Ảnh: Hoà Bình |
Về cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, tổng lượng hàng cung ứng về TPHCM ngày 20 và sáng 21/10 ước đạt 5.900 tấn, tăng 2% so với ngày hôm qua. Hiện nay, lượng hàng cung ứng tại các điểm trung chuyển ở 03 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày (nếu trước đây lượng hàng mỗi ngày chỉ khoảng 1.000 tấn thì nay đã tăng gấp đôi).
Ngoài ra, TP hiện có 96/234 chợ truyền thống được hoạt động lại (04 quận - huyện chưa mở lại chợ nào do qua đánh giá chưa đảm bảo điều kiện an toàn). Dự kiến, đến 25/10, sẽ có thêm 16 chợ truyền thống nữa được mở lại.
Sau ngày 25/10 khi TP.HCM đã công bố cấp độ dịch trên bản đồ COVID-19, dự kiến tuần tới có thể sẽ cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ ở một số khu vực đã kiểm soát được dịch, khai thác tối đa 50% công suất. Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sáng nay ngày 22/10.