TP.HCM công bố toàn bộ là vùng xanh, đạt cấp độ 2

VietTimes – Lãnh đạo UBND TP.HCM vừa công bố toàn bộ TP đạt cấp độ 2, được đánh giá là thị trường lao động ổn định trong thời gian tới.
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về tình hình dịch bệnh. Ảnh: Linh Nhi

Toàn thành phố đạt cấp độ 2

Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn, TP.HCM đạt cấp độ 2. Đối với cấp quận huyện và TP Thủ Đức, có 11/22 địa phương đạt cấp độ 1 (quận 1, quận 4, quận 6, quận 7, quận 8, quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi); 11/22 địa phương đạt cấp độ 2 (quận 3, quận 5, quận 10, quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè).

Trong đó, có 2 quận tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 5, quận Phú Nhuận (cấp 1 lên cấp 2). So với tuần trước, có 4 quận giảm cấp độ dịch là quận 11, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi (cấp 2 xuống cấp 1), huyện Cần Giờ (cấp 3 xuống cấp 2).

Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn, có 150/312 địa phương đạt cấp độ 1, 157/312 địa phương đạt cấp độ 2, 5/312 địa phương đạt cấp độ 3 (phường 15 và phường 13 thuộc quận 10; xã An Thới Đông và xã Bình Khánh thuộc huyện Cần Giờ; Thị trấn Nhà Bè).

Thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, cho hay, tính đến nay, có 456.956 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 456.413 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 543 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 13.721 bệnh nhân (BN), trong đó: có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 327 BN nặng đang thở máy, 109 BN can thiệp ECMO.

Tình trạng bệnh nhân nhập viện cao hơn xuất viện tiếp tục duy trì. Số ca tử vong trong ngày vẫn ở mức từ hai đến ba con số. Về tiêm chủng, đã có 7.880.610 người được tiêm mũi 1 và 6.061.175 người được tiêm mũi 2.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm thông tin, có 37.949 người lao động quay trở lại TPHCM làm việc. Ảnh: Linh Nhi

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm thông tin, số lượng lao động quay trở lại TPHCM làm việc là 37.949 người, trong đó Tây Nam Bộ: 14.745 người, Tây Nguyên: 478 người và ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ: 22.726 người.

Tính đến ngày 22/11/2021, TPHCM đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 /2021 của Chính phủ, Nghị quyết 09/2021 và Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP cho 8.812.726 lượt người với tổng số tiền hơn 12.000 tỷ đồng.

Riêng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ, TP đã giải quyết cho 45.594 doanh nghiệp với 1.613.438 lao động và tổng số tiền hơn 3.900 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, thị trường lao động của TP từ nay đến cuối năm được dự báo ổn định; số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại đạt 96%. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thông tin đến Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành trong cả nước và phối hợp thực hiện các chính sách để đưa người lao động trở lại TPHCM làm việc.

100% doanh nghiệp lương thực, thực phẩm hoạt động trở lại

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú, hiện tại, 100% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lương thực, thực phẩm trên địa bàn TPHCM đã quay lại hoạt động với công suất 85%. Riêng tại các doanh nghiệp sản xuất có xuất khẩu, công suất hoạt động là 100%.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú. Ảnh: Linh Nhi

Về chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ông Tú cho hay, từ giữa tháng 9/2021, TP đã ban hành kế hoạch 3066, trong đó đưa ra các giải pháp về tín dụng, tổ chức sản xuất, chăm lo người lao động, mở rộng thị trường,...

Thông tin thêm, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, hôm qua 22/11, nguồn hàng về 3 các chợ đầu mối trên địa bàn TP (chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền) đạt 3.051 tấn. Hiện TPHCM có 180/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại, dự kiến sẽ có thêm 3 chợ được mở trong tuần này.

Về phản ánh các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng giá, Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng cho hay, gần đây nguyên liệu đầu vào tăng, giá xăng dầu tăng; cùng với đó chi phí sản xuất cao hơn do các doanh nghiệp đang phải gánh thêm chi phí phòng chống dịch COVID-19 nên giá cả các mặt hàng buộc phải tăng theo. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đóng vai trò chủ lực trong điều tiết, giúp ổn định giá cả, để từ nay đến cuối năm, các mặt hàng không bị tăng giá đột biến.

Không phân bổ vaccine cho các bệnh viện

Trước tình trạng số ca nhiễm, nhập viện, tử vong có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo thống kê, từ ngày 19-21/11, TPHCM có 151 trường hợp tử vong, trong đó có 18 ca mắc bệnh nền, 75% trường hợp chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều.


Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết trong số tử vong, nhiều ca mắc bệnh nền, 75% trường hợp chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều. Ảnh: Linh Nhi

Đối với một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn tử vong, bà Mai cho rằng, xét đến yếu tố cộng đồng, khi số F0 tăng cao, khoảng 15% - 20% ca nhiễm sẽ có diễn tiến nặng, chủ yếu tập trung ở người cao tuổi hoặc có bệnh nền, trong đó 5% có nguy cơ tử vong.

Sở Y tế khuyến cáo, để giảm số ca tử vong, chúng ta cần giảm số ca F0 nhập viện. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, chú trọng 5K+vắc xin, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.

Liên quan đến kiến nghị của TP.HCM về rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7, Chánh văn phòng Sở Y tế thông tin, đề xuất này dựa trên cơ sở hơn 81% trường hợp tiêm đủ liều vaccine đều không có triệu chứng khi nhiễm COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính sau 7 ngày và những ngày tiếp theo. Việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ góp phần gia tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là giảm quá tải khu cách ly trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 của TPHCM còn cao.

Về túi thuốc B - kháng đông, kháng viêm, được áp ụng khi F0 có triệu chứng nhẹ hoặc chớm bắt đầu. Theo tập huấn đối với các lực lượng y tế địa phương, gói thuốc B và C được các trạm y tế địa phương quản lý chặt chẽ, không phát đại trà, rộng rãi. Tùy theo mức độ bệnh nặng, bác sĩ sẽ khám và quyết định cấp phát thuốc phù hợp. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ rà soát lại và ban hành hướng dẫn sử dụng túi thuốc cho F0 tại nhà.

Trước tình trạng F0 trên địa bàn gia tăng, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Y tế xin cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir. Sáng 22/11, Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế TP trước 5.000 liều thuốc nêu trên để kịp hỗ trợ F0 trên địa bàn. Theo Chánh văn phòng Sở Y tế, hiện TP vẫn còn 2.000 liều Molnupiravir trong kho. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển thuốc theo nhu cầu của TPHCM.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine tại các bệnh viện, đại diện Sở Y tế cho biết, hiện nay ngành Y tế không phân bổ vắc xin cho các bệnh viện, ngoại trừ các bệnh viện có khoa Sản lớn trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ… với mục tiêu tiêm vaccine cho thai phụ trên 17 tuần hoặc một số phụ nữ sau khi sinh. Định kỳ, các đối tượng này cũng được tầm soát các bệnh lý nguy cơ theo hướng dẫn chăm sóc thai phụ và sản phụ cụ thể.

F0 tự xét nghiệm nên báo cho y tế địa phương

Về tình trạng người dân tự xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng không thông báo cho ngành y tế vì cho rằng có thông báo thì cũng không được tiếp nhận và cấp thuốc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm lý giải, do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân sự; đường dây nóng hoạt động chưa được thông suốt nên đã có tình trạng này xảy ra.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: Linh Nhi

Sở Y tế cho biết đã chấn chỉnh kịp thời và hỗ trợ các địa phương tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động để tiếp cận F0 nhanh nhất có thể.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, khi người dân tự xét nghiệm và phát hiện dương tính nên gọi điện đến trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động. Trong vòng 24 giờ, nhân viên y tế sẽ tiếp cận, kiểm tra xét nghiệm, sau đó đánh giá tình trạng bệnh cũng như điều kiện cách ly, điều trị đối với F0 và F1 để có sự hướng dẫn, chăm sóc phù hợp.

“Thực tế có một số người dân khi phát hiện dương tính không thông báo cho cơ sở y tế hoặc không được ghi nhận, không được cấp thuốc không những tạo nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng mà còn thiệt hại cho chính F0 và gia đình", ông Tâm chia sẻ.

Đại diện HCDC cũng cho biết, không phải tất cả F0 đều được cấp phát các túi thuốc, chỉ người có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thì được cấp túi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không được cấp thuốc thì F0 vẫn có quyền lợi khác nếu khai báo cho ngành y tế, ví dụ như người bệnh được chăm sóc và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm; F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền...