|
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định biến chủng virus ở TP.HCM vẫn là B.1.617.2. Ảnh: Phạm Thắng |
TP.HCM đang là điểm nóng với nhiều “ổ dịch” COVID-19 phát sinh trong cộng đồng. Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19, hiện tại đang đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai tỉnh “tâm dịch” được phát hiện trước đó là Bắc Giang và Bắc Ninh.
Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 ở TP.HCM, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 (lần 2) tại TPHCM do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng bộ phận. Phó trưởng bộ phận gồm ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chịu trách nhiệm công tác điều trị; ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chịu trách nhiệm công tác điều tra, giám sát dịch và công tác xét nghiệm; ông Đặng Văn Chính, Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM, chịu trách nhiệm về công tác cách ly y tế và xử lý môi trường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi mới kiểm tra thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM. Theo đó, cho đến bây giờ, việc giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.HCM vẫn là chủng B.1.617.2, chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ, hay còn gọi là biến chủng Delta".
Theo thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, biến chủng Delta có khả năng phát tán nhanh hơn khoảng 60 lần so với chủng virus ở Anh (phát hiện tại Hải Dương). Và độc lực của chủng này cũng có xu hướng tăng lên.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (CDC TP.HCM) cũng nhận định chủng Delta có đặc tính phát tán, lây lan nhanh và mạnh trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân; dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ và lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao.
Trong đợt dịch lần này, TP.HCM ghi nhận rất nhiều chùm ca nhiễm trong cùng gia đình, công sở, các tòa nhà, khu chung cư. Thậm chí, có tới những chùm lây nhiễm lên tới 91 ca bệnh, trong đó xuất phát ban từ 71 nhân viên trong một công ty chỉ hơn 300 người cùng làm việc chung một môi trường kín đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tỷ lệ đạt gần 1/4 - công ty TNHH Thiên Tú FN, có địa chỉ ở rất gần toà nhà trụ sở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
|
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc CDC TP.HCM phân tích về chủng Delta - Ảnh Tự Trung |
Giám đốc CDC TP.HCM cho biết biến chủng Delta khiến bệnh nhân xuất hiện triệu chứng rất nhẹ chứ không nặng nề như các chủng trước, nhưng vòng lây nhanh hơn; người bệnh chỉ tiếp xúc F0 sau 3 ngày đã có thể xuất hiệu triệu chứng của COVID-19.
Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định thành phố có rất nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. “Vì vậy, công tác dập dịch ở TP.HCM trong thời gian tới phải rất tích cực. Chúng ta cần phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, sau đó truy vết, khoanh vùng, dập dịch”, Thứ trưởng chia sẻ.
Theo thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong công tác truy vết, dập dịch, điều may mắn và dễ dàng là phát hiện được nguồn lây F0 đầu tiên, từ đó, truy vết theo nguồn lây này, chúng ta tìm kiếm được các F1. Tuy nhiên, một số trường hợp chưa xác định được nguồn lây đã gây khó cho lực lượng chức năng. Đối với những trường hợp như vậy, Thứ trưởng khẳng định bên cạnh việc tiếp tục tích cực truy tìm căn nguyên, phải tích cực truy vết.
“Việc truy vết càng nhanh, càng thần tốc, chúng ta càng giảm được mức độ lây lan. Đây là vấn đề tôi nghĩ cần ưu tiên hơn trong đợt dịch này ở TP.HCM” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
"Những vùng chúng ta đã phong tỏa, khoanh vùng thì càng nhỏ càng tốt nhưng phải thực hiện rất nghiêm chỉnh các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng", ông Sơn nói. Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngoài Chỉ thị 15, thành phố cũng phải thực hiện Chỉ thị 15+, một số điều kiện của Chỉ thị 16 và nhiều điều kiện khác.
|
Xử lý khử khuẩn khu vực phát hiện bệnh nhân COVID-19 - Ảnh Hữu Khoa |
Giám đốc CDC TP.HCM cũng đã lên tiếng về việc đừng nghĩ giãn cách xã hội là ngay lập tức giảm số lượng người mắc mới được phát hiện. “Với đối tượng có biểu hiện, triệu chứng, cơ quan y tế động viên nên đến cơ sở y tế, khai báo thành thật để được sàng lọc. Nếu đúng là có mầm bệnh thì BN sẽ được cách ly, điều trị. Cho nên hai tuần giãn cách không có nghĩa là số ca bệnh giảm” – BS Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.
"Để đảm bảo trong điều kiện thực tiễn ở TP.HCM, chúng ta phải tạo được lưu thông sản xuất, nhưng đồng thời hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thực hiện khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế. Đến nay, khẩu hiệu này vẫn còn nguyên giá trị cho đến giai đoạn hiện nay", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.