TP.HCM áp dụng truy xuất thịt và trứng gà bằng smartphone từ 3/10 tới

VietTimes -- Sở Công thương TPHCM sẽ chính thức áp dụng đồng loạt chương trình truy xuất thịt và trứng gà trên toàn thành phố từ ngày 3/10 và chỉ áp dụng cho sản phẩm kinh doanh được đóng gói sẵn để dán tem truy xuất, sản phẩm không đóng gói thì chưa áp dụng truy xuất.
Ảnh minh hoạ: VietnamBiz
Ảnh minh hoạ: VietnamBiz

Việc truy xuất thịt và trứng gà được thực hiện đồng loạt trên toàn địa bàn thành phố sau hơn 1 tháng áp dụng thử nghiệm, thu được kết quả khả quan.

Theo đó, với hơn 360 trại nuôi tham gia, năng lực chương trình dự kiến đáp ứng được 150.000 ngàn con gà/ngày, tương đương với nhu cầu tiêu thụ của người dân TPHCM.

Tương tự, truy xuất trứng gà dự kiến cũng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ là 1,9 - 2 triệu quả/ngày của người dân thành phố.

So với việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, việc truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm được nhận định là thuận lợi và đơn giản hơn.

Bởi lẽ việc nuôi, giết mổ gia cầm tập trung tại các doanh nghiệp lớn đã và đang thực hiện theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Việc truy xuất sẽ thực hiện theo từng lô thịt, trứng chứ không theo từng con như đối với heo.

Theo đề án này, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh có cài phần mềm Te-food để soi vào con tem được dán trên vỉ trứng và thịt gà để biết được các thông tin từ con giống, trang trại nuôi, qui trình nuôi, giết mổ, đóng gói.

Được biết, một ngày sau khi TPHCM áp dụng đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo 100% tại các chợ đầu mối, ghi nhận tại chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy, lượng thịt heo có thể truy xuất được nguồn gốc vẫn còn khá ít, chỉ khoảng 35%. 
Việc TP triển khai thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo nhằm hạn chế các loại thịt heo kém chất lượng trà trộn vào TP tiêu thụ. Theo thống kê, hiện đã có 1.000 trang trại, 21 cơ sở giết mổ và 349 điểm bán đăng ký tham gia chương trình quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Theo như đề án của TP, trước khi xuất chuồng, các chủ trang trại bắt buộc phải kích hoạt vòng nhận diện do hệ thống TeFood cung cấp. Những chiếc vòng trên được niêm phong chặt chẽ, áp dụng chốt khoá an toàn không tháo ra được và gắn thêm một mã QR Code. Sau khi chủ trang trại kích hoạt mã QR Code, những chiếc vòng nhận diện sẽ được cột vào hai chân sau của heo. Sau khi heo được đưa đến các điểm bán lẻ, khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc của heo qua những chiếc vòng nhận diện.
Tuy nhiên, thống kê từ Sở Công thương TPHCM, trong ngày đầu tiên thực hiện truy xuất chỉ có 35% trong số 10.000 con heo vào thành phố được đeo vòng truy xuất. Cũng theo cơ quan chức năng, hiện việc đeo vòng truy xuất cho heo chỉ là hình thức đối phó của các thương nhân. Nhiều chiếc vòng truy xuất được phát hiện làm giả và không kích hoạt được. Không chỉ các cơ quan chức năng mà người dân cũng bày tỏ thất vọng với kết quả này và băn khoăn với việc truy xuất nguồn gốc heo trong tương lai.