Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM, TPHCM ngày 11/5.
Tân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc xây dựng đô thị thông minh, ưu tiên trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là câu chuyện chung của nhiều thành phố lớn trong khu vực, trong đó có TPHCM.
Thống nhất với nhận định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, một thành phố năng động, phát triển và hiếu khách, đồng thời cũng là địa phương chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
“Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của thành phố”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Là một thành phố có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, TP.HCM mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt và vùng Nam Bộ. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế của cả nước và là cửa ngõ giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa lớn của khu vực Đông Nam Á.
Với diện tích tự nhiên 2.095 km2 và dân số hơn 10 triệu người, thành phố là đô thị đặc biệt, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, thành phố luôn là một địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trường GDP, bình quân giai đoạn 5 năm 2011-2015 là 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với mức trung bình của cả nước.
Hiện TP.HCM đóng góp trung bình hằng năm khoảng 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Năng suất lao động của Thành phố luôn bằng 3 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Cứ trên 1 km2 ở TPHCM thì có 4.773 người dân sinh sống, gấp 17 lần bình quân của cả nước. Cũng trên 1 km2 của thành phố thì sản phẩm nội địa được tạo ra gấp 36 lần, số thuế thu được gấp 45 lần bình quân của cả nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với Tổng Thư ký IPU Martin Chungong. Ảnh: VGP |
“Tuy nhiên, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1 km2 ở Thành phố gấp 17 lần cả nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết và cho rằng đây là “những thách thức rất lớn đối với việc bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân, đồng thời cũng làm cho Thành phố nhạy cảm ơn với tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tân Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chia sẻ khó khăn về mặt địa lý của Thành phố khi nằm trong vùng có địa hình thấp và được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) liệt kê là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. “Phát triển đô thị thông minh trên cơ sở kiểm soát về ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là xu hướng, mục tiêu tất yếu mà TPHCM hướng đến”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Trước lãnh đạo nghị viện của nhiều nước, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ quyết tâm của TPHCM, đô thị đông dân nhất tại Việt Nam và trong khu vực, đã và đang có nhiều giải pháp, chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào các lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý nước, nông nghiệp.