TP. HCM là đơn vị đầu tiên liên thông văn bản với Văn phòng Chính phủ

VietTimes -- Theo Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 3/5 đã có 29 bộ, ngành, địa phương liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với VPCP. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên thực hiện việc liên thông này.
TP. HCM là đơn vị đầu tiên liên thông văn bản với Văn phòng Chính phủ

Thực hiện Kế hoạch của Văn phòng Chính phủ (VPCP), giai đoạn 1 từ ngày 25/3 - 30/4/2016, đã có 21 bộ, ngành, địa phương liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với VPCP.

Cụ thể, có 4 bộ là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và 17 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Long An, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh và Đắk Nông.

Như vậy, so với kế hoạch của VPCP, giai đoạn 1 còn 9 bộ, ngành, địa phương chưa liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với VPCP.

VPCP sẽ tiếp tục thực hiện liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với 9 bộ, ngành, địa phương chưa liên thông của giai đoạn 1 và 42 bộ, ngành, địa phương của giai đoạn 2 từ ngày 1/5 -30/5/2016.

Tính đến ngày 3/5, giai đoạn 2 tiếp tục có 7 tỉnh, thành phố liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với VPCP gồm: Cần Thơ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Trị, Bạc Liêu và Lào Cai.

Trong các địa phương đã liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với VPCP,  một số địa phương như Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng... tuy khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhưng đã tìm cách khắc phục và hoàn thành tốt việc liên thông.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai do đang trong giai đoạn thay thế phần mềm cũ nên không được đưa vào kế hoạch liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với VPCP. Tuy nhiên, với quyết tâm của UBND tỉnh và sự hỗ trợ của VPCP cùng các đơn vị liên quan, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành liên thông trước thời hạn so với dự kiến.

Liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa VPCP và các bộ, UBND tỉnh, thành phố qua hệ thống Trục liên thông. Hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa 2 cơ quan.