TP HCM: Hàng loạt sai phạm đất đai tại Dự án Khu nhà ở phường Long Bình

VietTimes -- Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty TNHH Ngân Thạnh tại Dự án Khu nhà ở phường Long Bình, Quận 9, TP HCM.
Trong 16,4ha đất dự án có 4,1ha đất công do nhà nước quản lý.
Trong 16,4ha đất dự án có 4,1ha đất công do nhà nước quản lý.

Giao đất công không qua đấu giá

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án này của Công ty TNHH Ngân Thạnh (Công ty Ngân Thạnh), được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND TP HCM.

Quy mô diện tích 16,4ha, trong đó nhóm đất ở diện tích 8,6ha (52,5%, xây dựng nhà ở xã hội 1,8ha chiếm 21,2%); đất ngoài nhóm nhà ở 7,8ha chiếm 47,6%. Tuy nhiên, trong dự án có phần diện tích đất công do nhà nước trực tiếp quản lý 4,1ha; còn lại là đất do hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng.

Cụ thể, ngày 12/01/2016, Công ty Ngân Thạnh đã nhận chuyển nhượng đất của ông Nguyễn Ngọc Quang 2ha, ông Võ Bá Long 1,7ha, Nguyễn Hoàng Phúc 2ha và Nguyễn Văn Vịnh 2ha. Cả 04 Hợp đồng này đều được UBND phường Long bình xác nhận (tháng 01/2006) với tổng diện tích là 7,8ha.

Đến ngày 04/6/2014, UBND phường Long Bình có xác nhân cho Công ty Ngân Thạnh nhận chuyển nhượng đất của các hộ dân khác có đất thuộc dự án Khu nhà ở phường Long Bình với diện tích gần 1ha. Đến thời điểm thanh tra, xác định công ty Ngân Thạnh trực tiếp thỏa thuận với các hộ dân được gần 9ha đất.

Dự án gồm 02 khu: Khu A có quy mô diện tích khoảng 12,3ha, khu B có diện tích khoảng 4,1ha, tổng mức đầu tư khoảng 4.514 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty Ngân Thạnh đầu tư dự án là phù hợp với chủ trương của TP. Tuy nhiên việc UBND Quận 9 phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trước khi UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Quận 9 từ đất công viên cây xanh tập trung sang đất khu dân cư là trái quy định.

Phần diện tích đất công 4,1ha có trong dự án thuộc trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá nhưng thực tế đã không qua đấu giá. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, do dự án có phần đất tự thỏa thuận với người sử dụng và các diện tích đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong khu vực dự án nên UBND TP HCM đã giao đất cho dự án mà không qua đấu giá.

Việc UBND Quận 9 và Hội đồng thẩm định giá Thành phố xác định diện tích đất bàn giao cho dự án giai đoạn 1 là không đúng pháp luật. Việc UBND TP HCM ban hành quyết định cho phép xác định nghĩa vụ tìa chính về đất (tiền sử dụng đất) phải nộp của Công ty Ngân Thạnh theo hai giai đoạn bàn giao là không đúng quy định.

Cục thuế TP áp dụng giá thu tiền sử dụng đất theo giá do UBND TP quy định và công bố tại năm 2005 hoàn thành việc bồi thường (thực chất không có phương án bồi thường), trừ tiền ứng trước để thực hiện bồi thường là không phù hợp quy định.

Công ty Ngân Thạnh đã ký các hợp đồng bảo lãnh bằng quyền tài sản hình thành trong tương lai phát sinh từ dự án với ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) để vay trên 1.600 tỷ đồng nhưng không đầu tư thực hiện dự án.

Tuy chưa có giấy phép đầu tư nhưng so với tiến độ ghi trong văn bản chấp thuận đầu tư thì thời gian thực hiện dự án là 72 tháng, đến nay là 92 tháng, quá hạn 20 tháng nhưng công ty mới chuẩn bị khởi công là quá chậm so với quy định.

Việc Công ty Ngân Thạnh nhận chuyển nhượng đất của 02 hộ dân 1,1ha có nguồn gốc thuê của UBND phường Long Bình là không đúng pháp luật. Tuy nhiên diện tích đất này đã được UBND TP thống kế vào diện tích đất công 4,1ha.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Ngân Thạnh chấp hành các thủ tục đầu tư thực hiện dự án, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án Khu nhà ở phường Long Bình theo đúng quy định.

Đổi chủ

Theo Kết luận thanh tra xác định, Công ty Ngân Thạnh thành lập năm 1992, do bà Viên Đông Anh (SN 1939) và bà Viên Tú Anh (SN 1957) góp vốn sáng lập.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên kể từ ngày thành lập đến nay doanh nghiệp này đã đăng ký thay đổi nhiều lần. Trong đó, sự thay đổi căn bản nhất là về cơ cấu cổ đông.

Đăng ký thay đổi ngày 11/10/2018 cho thấy, danh sách thành viên Công ty Ngân Thạnh gồm có 3 cổ đông là: Công ty TNHH kinh doanh đầu tư phát triển Thiên Thanh (Công ty Thiên Thanh) đăng ký góp 86,9 tỷ đồng sở hữu 91% vốn điều lệ, bà Nguyễn Thị Thu Phượng đăng ký góp 7,64 tỷ đồng sở hữu 8% vốn điều lệ và cá nhân Phạm Ngọc Trung góp 955 triệu đồng tương đương 1% vốn điều lệ.  Người đại diện theo pháp luật của Ngân Thạnh, theo như đăng ký, là bà Phan Đắc Pha Lê (SN 1980) - Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Lưu ý rằng ngày 11/01/2018 là ngày Công ty Thiên Thanh đăng ký thành lập, với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Theo đăng ký thay đổi ngày 26/11/2018 thì doanh nghiệp này gồm 03 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Thanh Thùng, bà Nguyễn Thị Phương Đài và bà Phan Đắc Pha Lê. Không bất ngờ khi bà Phan Đắc Pha Lê cũng là người đại diện của Thiên Thanh, trên vai trò Giám đốc.

Theo tìm hiểu của VietTimes, ngoài Công ty Thiên Thanh bà Phan Đắc Pha Lê còn đại diện theo pháp luật cho nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Trái táo vàng, Công ty TNHH xây dựng Hàng hóa và Thiết kế Thiên Thanh, Công ty CP đầu tư thương mại xuất nhập khẩu PĐ, Công ty TNHH dịch vụ Thiên Thanh TC, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ xây dựng Thái Dương, Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Thiên Thanh Cần Thơ, Công ty CP dự án cảng Long Bình,...

Là cái tên còn khá mới trên thương trường, vậy bà Phan Đắc Pha Lê đến từ nhóm nào (?!)./.