Mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã khai giảng lớp tập huấn nâng cao về việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong quản lý bệnh truyền nhiễm (phần mềm GIS) cho các đơn vị y tế quận huyện, phường xã trên địa bàn thành phố.
Đây là phần mềm đang được HCDC từng bước xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm quản lý toàn bộ hoạt động của bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM. HCDC cũng đang sử dụng phần mềm GIS để giám sát tình hình dịch bệnh diễn ra ở các quận huyện, phường xã. Hiện có 319 tài khoản của đơn vị y tế tuyến phường xã có quyền truy cập vào hệ thống này.
Thông qua phần mềm GIS, việc ca bệnh phân bố nơi nào, đã được điều tra dịch tễ chưa, có hình thành ổ dịch hay không, kết quả xử lý ổ dịch hiệu quả thế nào… sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ phần mềm GIS, người sử dụng sẽ có cái nhìn trực quan, theo dõi được tình hình dịch bệnh, từ đó có dự báo và biện pháp can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, việc xử lý các số liệu bằng cách thủ công, excel sẽ được phần mềm GIS thực hiện nhanh chóng, chính xác.
Qua tập huấn, các học viên được giải thích một số từ ngữ trong phần mềm GIS, hướng dẫn cách đăng nhập, phân quyền, thực hành các chức năng trên hệ thống (như thao tác trên giao diện bản đồ, thao tác trên thẻ “Bệnh SXH”, “ổ dịch”, “Điểm nguy cơ” có trong phần mềm), định vị vị trí khi không có internet, cách khắc phục một số lỗi thường gặp…
Học viên được hướng dẫn thực hành các thao tác trên máy tính (Ảnh: HCDC)
|
Theo ThS. BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - HCDC, sau lớp tập huấn học viên sẽ sử dụng thành thạo các chức năng của hệ thống đã được nâng cấp, ứng dụng các bản đồ, công cụ thống kê của hệ thống trong công tác phòng chống dịch; Tuyến y tế phường, xã sẽ quản lý ca bệnh, điểm nguy cơ, theo dõi ổ dịch, báo cáo kết quả xử lý ổ dịch nhanh chóng, chính xác hơn; Đối với tuyến y tế quận, huyện sẽ thực hiện được nhiệm vụ giám sát hỗ trợ trạm y tế sử dụng phần mềm GIS trong phòng chống dịch. Bác sĩ Hồng Nga cũng cho biết thêm phần mềm GIS cũng đang trong quá trình tích hợp thêm bệnh Tay chân miệng, Cúm, Zika và Thương hàn.