Top 10 sự kiện thay đổi diện mạo thế giới năm 2019

VietTimes -- 2019 có thể nói là một năm đầy biến động với những sự kiện đủ để làm thay đổi diện mạo của thế giới. Đây là năm xuất hiện nhiều hội nghị thượng đỉnh quan trọng, nhiều cuộc khủng hoảng và các cuộc biểu tình chấn động thống trị trang bìa nhiều hãng tin quốc tế. Tầm ảnh hưởng của nhiều sự kiện chắc chắn còn tiếp diễn trong năm 2020.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều bế tắc

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Hà Nội (Ảnh: CNBC)

Ông Donald Trump đã tạo nên lịch sử vào ngày 30/6/2019 khi trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Cuộc họp tổ chức tại khu phi quân sự (DMZ) được tổ chức chỉ 4 tháng sau khi ông Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả hội nghị lần hai khôn như mong đợi. Ông Trump phải cắt ngắn hội nghị này bởi nói rằng Triều Tiên “muốn các lệnh trừng phạt của Mỹ được gỡ bỏ hoàn toàn ” trong khi Mỹ không thể làm vậy.

Trong cuộc gặp lịch sử ngày 30/6, ông Trump và ông Kim nhất trí nối lại các vòng đàm phán hạt nhân. Nhưng phải đến mãi ngày 1/10 hai nước mới đạt đồng thuận về các chi tiết vòng đàm phán, và chỉ vài giờ sau đó, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo, vi phạm các nghị quyết của LHQ.

Các nhà đàm phán tiếp tục gặp gỡ vào ngày 5/10, nhưng bỏ phí 5 giờ thảo luận mà không đạt được thỏa thuận nào. Đến đầu tháng 12, Bình Nhưỡng cảnh báo Mỹ sẽ tự quyết định “quà Giáng sinh” mà họ nhận được. “Món quà” cuối cùng mà Bình Nhưỡng tặng cho Washington là một vụ thử hạt nhân vào ngày 4/7/2017. Trong thời điểm năm 2019 sắp kết thúc, không có bước tiến nào đạt được trong việc kiểm soát, chứ chưa nói tới hủy bỏ, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Viễn cảnh trong năm 2020 cũng không có gì tươi sáng.

Brexit khuynh đảo chính trường Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn phải lùi thời hạn chót Brexit tới 31/1/2020 (Ảnh: BBC)

Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) chứng kiến năm 2019 qua đi với lộ trình Brexit giờ đã rõ ràng, nhưng trước đó họ đã phải trải qua một hành trình đầy chông gai.

Năm 2019 bắt đầu với việc nước Anh đối diện với hạn chót “ly hôn” với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/3. Thủ tướng Theresa May đã lựa chọn thời hạn này nhưng cuối cùng không thể thuyết phục Hạ viện thông qua được thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU. Nguyên nhân thất bại chính là điều khoản “chốt chặn”. Bà May buộc phải hoãn Brexit tới ngày 31/10 và sau đó tuyên bố từ chức sau khi Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit của bà tới 3 lần.

Ông Boris Johnson gainhf chiến thắng trong cuộc bầu cử của đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 24/7. Ông đạt được thỏa thuận mới với EU, trong đó thay thế điều khoản “chốt chặn” bằng một hàng rào hải quan giữa Bắc Ireland và phần còn lại của UK. Ông Johnson vận dụng nhiều chiến thuật để thúc đẩy thỏa thuận Brexit mới tại Quốc hội trước ngày 31/10, nhưng tất cả đều thất bại.

Buộc phải lùi thời hạn chót tới ngày 31/1/2020, Thủ tướng Johnson kêu gọi bầu cử sớm. Cử tri Anh cuối cùng nghiêng về phía ông, đảng Bảo thủ giành được chiến thắng vang dội nhất trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. Ngày 20/12, Quốc hội Anh chính thức thông qua việc thực hiện Brexit vào ngày 31/1/2020 với số phiếu áp đảo.

Thương chiến Mỹ-Trung tiếp diễn

Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận "Giai đoạn 1" nhưng những bất đồng giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Getty)

Tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “các cuộc chiến tranh thương mại là tốt và dễ giành chiến thắng”. Trên thực tế, Mỹ không hề dễ thắng chút nào. Tháng 2/2019, ông Trump tạm ngừng áp đặt hàng rào thuế quan mới với hàng hóa Trung Quốc để tạo thêm thời gian cho các nhà đàm phán đạt một thỏa thuận thương mại.

Đến tháng 5/2019, ông Trump kết luận rằng các vòng đàm phán không có tiến triển và áp đặt hàng rào thuế quan mới. Tháng 6/2019, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí thúc đẩy đàm phán thương mại, trong lúc tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, đến tháng 8/2019, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế với lượng hàng hóa 200 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9/2019. Chỉ 12 ngày sau tuyên bố đó, ông lại đảo ngược một phần quyết định, nói rằng sẽ tạm hoãn một nửa hàng rào thuế cho đến ngày 15/12.

Phía Trung Quốc cũng không nao núng. Ngày 23/8/2019, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế với lượng hàng 75 tỷ USD của Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng, các nhà đàm phán hai bên vẫn tổ chức các cuộc thảo luận và đến ngày 11/10/2019 đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận “Giai đoạn 1”. Và phải mất thêm 2 tháng, chi tiết của thỏa thuận này mới xuất hiện. Cả hai bên đều tuyên bố thắng lợi. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn không thể dẹp tan nhiều bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bởi vậy mà thương chiến Mỹ-Trung chắc chắn sẽ còn được bàn đến nhiều trong năm 2020.

Khủng hoảng di cư khu vực Trung Mỹ

Người di cư tháo chạy khỏi lực lượng tuần biên tại khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico (Ảnh: Reuters)

Tháng 4/2019, một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới. Bức ảnh chụp thi thể một người cha và cô con gái nhỏ tuổi đến từ El Salvador, bị chết đuối trong lúc cố gắng băng qua con song Rio Grande trên đường tới Mỹ. Bức ảnh nhanh chóng trở thành biểu tượng cho thấy cuộc khủng hoảng di cư tới Mỹ.

Số lượng người tìm kiếm diện tị nạn tới biên giới phía Nam của Mỹ đã làm hệ thống tiếp nhận bị quá tải. Rất nhiều người trong số này trốn khỏi tình trạng bạo lực hay nghèo đói ở El Salvador, Guatemala và Honduras. Theo luật pháp Mỹ, bất cứ ai tới biên giới nước này mà có thể chứng minh được tình trạng sống đáng sợ ở nước sở tại của họ đều được cho phép nhập cảnh, trong khi những người xin diện tị nạn trải qua tiến trình kéo dài, có thể lên tới nhiều năm.

Tháng 3/2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục El Salvador, Guatemala và Honduras nỗ lực hơn trong việc kìm chân người di cư bằng cách đóng băng khoản viện trợ cho cả 3 nước này – một số nguồn viện trợ được nối lại trong tháng 6. Chính quyền Trump cũng thúc giục các nước Mỹ Latin ký thỏa thuận “nước an toàn thứ ba”, trong đó yêu cầu người nhập cư xin diện tị nạn ở các nước họ băng qua thay vì ở Mỹ.

Giới phê bình cho rằng các nước thứ ba này thiếu nguồn lực để tiếp nhận đơn xin tị nạn. Tòa án Tối cao Mỹ trong tháng 9/2019 ra phán quyết rằng chính quyền có thể bác đơn xin tị nạn của phần lớn người di cư đến từ Trung Mỹ, làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Tâm điểm của vấn đề này là các câu hỏi về việc: Những ai nên được cấp diện tị nạn ở nước Mỹ.

Vịnh Ba Tư trở thành vùng biển “nóng”

Tàu Iran cố gắng dập lửa trên con tàu chở dầu sau khi nó bị tấn công trên Vịnh Oman (Ảnh: Reuters)

Trong năm 2019, có rất nhiều sự kiện căng thẳng bùng phát trên Vịnh Ba Tư mà tưởng chừng có thể dẫn tới chiến tranh.

Tháng 5/2019, 4 tàu thương mại bị tấn công khi đang neo đậu bên ngoài eo biển Hormuz, khu vực chiếm tới 1/5 lượng dầu luân chuyển của toàn thế giới. Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công, trong khi Tehran bác bỏ.

NGày 6/6, nhóm phiến quân Houthi bắn hạ một máy bay không người lái (drone) của Mỹ ở Yemen với sự giúp đỡ từ Iran. 2 tuần sau, Iran bắn hạ một drone khác của Mỹ, cho rằng nó vi phạm không phận Iran. Ngày 18/7, một tàu hải quân Mỹ ở eo biển Hormuz bắn hạ một drone của Iran. Đến ngày 14/9, nhiều drne tấn công 2 cơ sở dầu khí lớn của Arab Saudi, làm giảm sản lượng dầu của nước này tới 50%. Houthi tuyên bố nhận trách nhiệ, nhưng Mỹ và châu Âu cáo buộc Iran.

Tháng 10/2019, Mỹ tuyên bố triển khai 3.000 binh sĩ cùng nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa tới khu vực này để bảo vệ Arab Saudi trước sự hung hang của Iran. Đến thời điểm cuối năm, có nhiều dự đoán rằng Mỹ có thể triển khai thêm 14.000 binh sĩ tới Arab Saudi.

Cháy rừng Amazon

Rừng Amazon bị tàn phá bởi hàng loạt đám cháy lớn (Ảnh: France24)

Trong năm 2019, dù thế giói chứng kiến thêm nhiều bằng chứng về hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng vẫn chưa có hành động thiết thực nào được đưa ra. Một trường hợp cụ thể là thảm họa cháy rừng ở Brazil.

Trong suốt nhiều thập kỷ, những tiều phu đốn gỗ và nông dân đã ra sức khai thác rừng Amazon, đốt diện tích rừng sau khai thác gỗ để lấy đất canh tác, chăn nuôi gia súc. 80.000 đám cháy đã xuất hiện ở Amazon trong năm 2019, nhiều nhất trong vòng một thập kỷ qua, và phần đất rừng bị biến mất có diện ngang với bang New Jersey của Mỹ.

Trong lúc tình trạng cháy rừng trở nên phức tạp, giới phê bình đổ lỗi cho các chính sách của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là đã cho phép, thậm chí khuyến khích các hoạt động phá rừng. Tháng 8/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn đưa ra bình luận trên Twitter: “Ngôi nhà của chúng ta đang cháy. Đúng theo nghĩa đen”.

Ông Bolsonaro phản bác ông Macron cùng các nhà phê bình, cáo buộc họ công kích chủ quyền của Brazil và từ chối mọi lời đề nghị giúp dập cháy rừng. Đầu tháng 9/2019, ông bolsonaro ký một hiệp ước bảo vệ rừng nhiệt đới với các quốc gia Nam Mỹ nhằm thiết lập cơ quan quản lý rừng Amazon.

Số lượng các đám cháy ở rừng Amazon đã giảm trong tháng 10/2019, nhưng lại gia tăng ở thảo nguyên Cerrado, một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên hành tinh.

Năm 2019 kết thúc bằng một lời cảnh báo từ các nhà khoa học rằng tình trạng phá rừng ở Amazon đã đạt đến điểm sắp bị biến thành hoang mạc, và có thể “thải ra bầu khí quyển hàng tỷ tấn carbon”.

Ấn Độ theo đuổi con đường chủ nghĩa dân tộc Hindu

Cộng đồng người Hồi giáo ở Ấn Độ biểu tình phản đối luật công dân (Ảnh: Vox)

Tháng 5/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giành chiến thắng lớn tỏng kỳ bầu cử Quốc hội ở nước này, trong đó đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông củng cố thêm thế đa số trong Quốc hội. Chiến thắng to lớn này khiến nhiều người đồn đoán về khả năng ông Modi sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự hơi hướng chủ nghĩa dân tộc Hindu. Và điều đó cuối cùng xảy ra.

Tháng 8/2019, Thủ tướng Modi tước quyền tự trị của mà khu vực Kashmir được hưởng kể từ ngày độc lập và quyết định trên được thêm vào Hiến pháp Ấn Độ. Động thái trên còn đi kèm với một lệnh giới nghiêm và cắt điện ở Kashmir, và việc bắt giữ hơn 5.000 người ở khu vực có phần đông là người Hồi giáo này.

Ông Modi cho rằng chính sách mới sẽ “thúc đẩy phát triển kinh tế, chống tham nhũng và chấm dứt sự phân biệt tôn giáo, giới tính” ở Kashmir. Giới phê bình thì cho rằng ông chỉ lấy đó làm cớ mà che đậy mục đích thực là “Hindu hóa” khu vực này.

Những lời chỉ trích càng xuất hiện nhiều hơn trong tháng 12/2019, khi Quốc hội Ấn Độ thông qua một bộ luật gây tranh cãi, luật công dân, trong đó thiết lập một lộ trình để những người Hồi giáo nhập cư đến từ các nước Nam Á trở thành công dân Ấn Độ. Những hậu quả từ việc Ấn Độ chuyển từ một nhà nước thế tục (secular state) sang nhà nước Hindu đang được tranh luận gay gắt, đặc biệt là khi mà người Hồi giáo chiếm tới 15% dân số nước này.

Mỹ bỏ rơi người Kurd trên chiến trường Syria

Đoàn xe tuần tra của quân đội Mỹ tại khu vực gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/10/2019 (Ảnh: NBC)

Liệu Mỹ có phải đối tác đáng tin cậy? Đó là câu hỏi mà nhiều nước đã đặt ra tỏng năm 2019.

Bắt đầu từ năm 2014, Mỹ bắt đầu ủng hộ người Kurd ở Syria để thực hiện chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khối liên minh này đóng vai trò nền tảng trong việc giành lại các phần lãnh thổ mà IS từng chiếm đóng; được biết lực lượng người Kurd ở Syria đã hy sinh hơn 11.000 chiến binh trong cuộc chiến với IS.

Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ ở miền Bắc Syria khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng. Tháng 12/2018, ông từng tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria, một quyết định khiến Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là James Mattis từ chức. Quyết định này sau đó được đảo ngược một cách lặng lẽ. Nhưng ông Trump không hề từ bỏ.

Ngày 7/10/2018, sau một cú điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Trump tuyên bố rút các lực lượng đặc nhiệm Mỹ khỏi miền Bắc Syria. Ngay cả những đồng minh thân cận của ông Trump cũng cho rằng động thái này là “thảm họa”.

Và thảm họa xuất hiện chỉ 2 ngày sau đó, khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự ở Syria. Bị My bỏ rơi – dù không phải lần đầu tiên trong lịch sử - người Kurd phải quay sang thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Mặc dù vậy, đến thời điểm cuối năm, binh sĩ Mỹ và người Kurd ở Syria vẫn nối lại các chiến dịch chống khủng bố. Trong khi đó, giới chuyên gia tranh luận về những hậu quả từ chính sách ngoại giao khó đoán định của Mỹ.

Hạ viện Mỹ luận tội Tổng thống Donald Trump

Ông Donald Trump trở thành vị Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội (Ảnh: NBC)

Cụm từ “trao đổi lợi ích” có lẽ được quan tâm nhiều trong năm 2019. Đảng Dân chủ bắt đầu năm 2019 bằng việc thúc đẩy luận tội Tổng thống Trump. Đảng Dân chủ công bố bản báo cáo kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller Report vào tháng 4/2019, dù không chỉ ra được bằng chứng chiến dịch của ông Trump cấu kết với Nga trong kỳ bầu cử năm 2016, nhưng vẫn để ngỏ khả năng Tổng thống cản trở pháp luật. Thời điểm đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từ chối mở cuộc điều tra luận tội.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi một “người thổi còi” nộp đơn tố cáo, trong đó nói rằng vào tháng 8/2019, ông Trump đã “lạm dụng quyền lực” để ép Ukraine mở cuộc điều tra ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden. Ngày 24/9, bà Pelosi khởi động tiến trình điều tra luận tội. Đến ngày hôm sau, Nhà Trắng công bố đoạn ghi âm cú điện đàm ngày 25/7 giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Trump nói cú điện đàm nọ là “hoàn hảo”, trong khi đảng Dân chủ coi đó là bằng chứng xác nhận đơn tố giác của “người thổi còi”.

Ngày 8/10, Nhà Trắng tuyên bố không hợp tác với cái mà họ gọi là “tiến trình phi pháp” của Hạ viện. Ngày 31/10, Hạ viện bỏ phiếu để tổ chức các phiên điều trần công khai trước dư luận, và bắt đầu các phiên điều trần này từ trung tuần tháng 11. Ngày 18/12, Hạ viện bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội ông Trump. Khi năm 2019 kết thúc, bà Pelosi vẫn chưa chuyển các điều khoản trên cho Thượng viện.

Năm của các phong trào biểu tình

Người biểu tình Hong Kong trong một cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát (Ảnh: NYTimes)

Năm 2019 được nhiều nhà quan sát cho là năm của biểu tình bởi xuất hiện nhiều phong trào biểu tình. Và Hong Kong là điểm biểu tình đáng chú ý nhất.

Xuất phát từ dự luật dẫn độ mà giới phê bình cho là vi phạm cam kết “một quốc gia, hai chế độ”, phong trào biểu tình không có dấu hiệu ngừng lại ngay cả khi chính quyền đặc khu Hong Kong dã rút dự luật trên, mà biến thành một phong trào biểu tình dân chủ. Các ứng viên dân chủ cũng giành chiến thắng lớn trước các ứng viên thân Trung Quốc trong kỳ bầu cử cấp quận diễn ra trong tháng 11/2019 ở Hong Kong.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác. Người dân Algeria tổ chức biểu tình rầm rộ trong tháng 2/2019, cuối cùng buộc Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải từ chức. Phong trào này tiếp tục kéo dài tới tận mùa Thu, trong đó người biểu tình yêu cầu cải tổ toàn bộ bộ máy chính trị.

Tháng 4/2019, người dân Sudan cũng tổ chức biểu tình và khiến Tổng thống Omar Hassan al-Bashir từ chức. Tháng 10/2019, việc tăng giá tàu điện ngầm cũng khiến người dân đổ ra đường biểu tình phản đối sự bất bình đẳng, trong khi một đề xuất đánh thuế WhatsApp ở Lebanon cũng làm dấy lên sự phẫn nộ.

Cũng trong tháng 10/2019, người dân Iraq tổ chức biểu tình phản đối sự yếu kém trong quản lý của các cơ quan chính phủ. Tháng 11/2019, việc chính quyền ngừng trợ giá nhiên liệu cũng khiến người dân Iran đổ ra các tuyến phố, làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của chính quyền Tehran. Các cuộc biểu tình cũng làm rung động nhiều nước như Bolivia, Ấn Độ, Nicaragua.