Tổng thư ký Hội trang thiết bị y tế Việt Nam Hà Đắc Biên: Phẫu thuật bằng robot - cẩn thận dao sắc dễ đứt tay!

VietTimes – Trong ngành y tế ngày nay của thế giới và ngay cả tại Việt Nam, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại càng ngày càng đóng vai trò rất lớn trong chuẩn đoán và điều trị. Để tìm hiểu thực trạng sử dụng các thiết bị y tế hiện đại, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đắc Biên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trang thiết bị Y tế Việt Nam.
Ảnh minh họa: SafeMedline

Trước hết, xin ông cho biết về vai trò và vị thế của trang thiết bị kỹ thuật với ngành y tế nói chung?

Trước hết, Trang thiết bị y tế (TTBYT) là một loại hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp tới tính mạng của người bệnh, nhân viên y tế và có tác động đến môi sinh.

TTBYT là một trong ba yếu tố quyết định chính đến chất lượng khám chữa bệnh. Ba yếu tố đó là Thầy, Thuốc và TTBYT. Đó là 3 chân kiềng của ngành y tế mà TTBYT cùng đội ngũ kỹ thuật là một chân trong đó để cùng với các yếu tố khác quyết định cho công tác khám chữa bệnh.

TTBYT hiện đại, đồng bộ phải được vận hành đúng quy trình đảm bảo an toàn, cho kết quả thăm khám và xét nghiệm chính xác sẽ cung cấp những thông tin rất quan trọng, cần thiết cho người thầy thuốc để tư vấn, chỉ định điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Càng ngày thì máy móc trang thiết bị y tế càng hiện đại hơn và để khai thác, sử dụng được các máy móc đó chúng ta đã và đang làm gì?

Trong hơn 30 năm qua, Nhà nước, các địa phương, các ngành đã tập trung đầu tư cho ngành y tế để nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cấp TTBYT. Đến nay, trên cả nước có thể đánh giá:

- Với tuyến huyện: các trung tâm y tế hay bệnh viện huyện đều được trang bị những hệ thống thiết bị y tế cơ bản thiết yếu như: các hệ thống X-Quang, Siêu âm, Xét nghiệm sinh hóa, huyết học, thiết bị nội soi chẩn đoán và nhiều TTBYT để đảm bảo cho việc thực hiện những nhiệm vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

- Với các Bệnh viện Đa khoa cấp tỉnh: đều được trang bị các hệ thống: CT-Scanner, Cộng hưởng từ (MRI), máy chụp mạch, các hệ thống xét nghiệm Sinh hóa – Huyết học, miễn dịch tự động/đa thông số, các thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn, Hệ thống xử lý nước và rác thải. Các hệ thống Nội soi chẩn đoán và phẫu thuật nội soi.

- Với các Bệnh viện tuyến Trung ương: đã được trang bị đồng bộ tương đương với các nước phát triển trong khu vực.

Với sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng TTBYT cho toàn hệ thống y như trên, để đảm bảo cho các TTBYT tại các cơ sở hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, chính xác và ổn định thì Bộ Y tế cũng như các cơ quan có liên quan đã quan tâm tới việc đào tạo nhân lực chuyên ngành kỹ thuật TTBYT.

ảnh minh họa: NPR

Riêng về yếu tố nhân lực, nếu như trước đây, cả ngành chỉ có một trường công nhân kỹ thuật TTBYT thì đến nay số lượng các trung tâm đào tạo nhân lực chuyên ngành kỹ thuật TTBYT có thể thấy như sau:

- Đào tạo hệ Cao đẳng kỹ thuật: có Trường Cao đẳng kỹ thuật Trang thiết bị y tế trực thuộc Bộ Y tế, tại địa phương có trường Cao đẳng Nghề Trang thiết bị y tế tại Bình Dương.

- Đào tạo hệ đại học: Điện tử y sinh, kỹ thuật y sinh có các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng), Đại học Công nghệ thông tin thuộc Đại học Thái Nguyên. (Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo được 20 Khóa chuyên ngành BME).

- Hệ đào tạo sau đại học: Viện Vật Lý thuộc Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, ĐHBK Hà Nội và ĐHBK TPHCM.

Bên cạnh đó: Bộ Y tế cũng nâng cấp các trường Đại học kỹ thuật Y tế hải Dương, Đại học kỹ thuật Y – Dược tại Đà Nẵng.

Theo thống kê số kỹ sư điện tử y sinh đã tốt nghiệp và công tác tại các cơ sở y tế công lập khoảng gần 40%, số còn lại công tác tại các cơ sở y tế tư nhân, các văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài kinh doanh TTBYT và các công ty kinh doanh, nghiên cứu chế tạo và sản xuất TTBYT trong nước.

Theo quy định của Bộ Y tế, từ bệnh viện loại 2 trở lên (hiện tại có ba hạng bệnh viện: Hạng 2, Hạng 1 và Ngoại hạng) phải có phòng Vật tư – TTBYT.

Các bệnh viện tuyến huyện cũng có nhiều bệnh viện có phòng Vật tư - TTBYT nhưng đa phần chỉ là một tổ TTBYT trong phòng HCQT hoặc KHTH.

Nhiệm vụ chính của những bộ phận này là: Quản lý, Bảo dưỡng và sửa chữa TTBYT tại cơ sở. Tuy nhiên, với những thiết bị đồng bộ, công nghệ cao thì gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty cung cấp TTBYT của nước ngoài.

Mặc dù đã có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực chuyên ngành kỹ thuật y tế, nhưng thực tế tại các cơ sở y tế công lập thì đội ngũ này vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Thiếu về số lượng thì bắt nguồn từ Định biên biên chế của các cơ sở, tiếp theo là Lương. Lương tại các công ty nước ngoài hay công ty trong nước đều cao từ gấp đôi đến gấp 4 lần nếu làm việc tại các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên vẫn còn có mặt yếu: vì cơ sở vật chất, năng lực của đội giáo viên tại các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng với tốc độ phát triển, cập nhật KH-CN của các thế hệ thiết bị y tế của các nhà sản xuất bán ra thị trường. Chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các bệnh viện, cho nên khi tốt nghiệp các em chỉ có cơ sở lý thuyết là chính.

Tôi thấy rằng, chúng ta nên học tập một số nước họ có hệ thống đào tạo kỹ sư vật lý y sinh lâm sàng như Nhật, Pháp …

Đội ngũ này là cầu nối tin cậy – hữu cơ giữa người thầy thuốc (BS) với các hệ thống thiết bị y tế. Họ luôn đảm bảo rằng: kết quả xét nghiệm, thăm khám của bệnh nhân X tại thời điểm T1 là biểu hiện đúng tình trạng bệnh lý của người bệnh. (có nghĩa là thiết bị y tế vừa dùng cho bệnh nhân X là : Đảm bảo độ an toàn, chính xác và ổn định).

  ông Hà Đắc Biên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trang thiết bị Y tế Việt Nam.

Một nội dung khác, tôi cũng thấy rằng Bộ Y tế cần có những quy định chặt chẽ hơn, mang tính ràng buộc kỹ thuật và kinh tế với các nhà cung cấp TTBYT nước ngoài tại Việt Nam.

Đó là: nếu công ty A cung cấp loại thiết bị chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn, đã tiếp cận thị trường được trên 3 năm, có thị phần trên 10% thì buộc phải có một trung tâm bảo dưỡng tại Việt Nam. Họ phải có trách nhiệm đào tạo cán bộ trong nước, cung cấp tài liệu kỹ thuật chi tiết, mã khóa phần mềm và cung cấp phụ tùng thay thế để trung tâm đó thực hiện bảo dưỡng toàn bộ thiết bị thuộc hệ thống của cùng công ty đã bán ra.

Thực tế hiện nay, có những công ty trước đây đã có một bộ phận như thế hoạt động có hiệu quả nhưng từ cuối năm 2018 họ đã cắt luôn và chuyển chức năng đó về văn phòng của công ty. Như thế là độc quyền, làm khách hàng phải phụ thuộc hoàn toàn vào công ty nước ngoài. Việc làm này dẫn tới giá thành bảo trì thiết bị (sau bảo hành) lên cao.

Hầu hết các công ty chỉ tập trung bán máy. Máy hỏng lại phải đợi chuyên gia của hãng và mất thời gian, tốn kém.

Ngày nay, việc trang bị các máy móc thiết bị của các bệnh viện cũng đã được xã hội hóa với những đầu tư của tư nhân bên ngoài. Ông nghĩ gì về thực trạng này?

Trước hết tôi xin khẳng định: “Xã hội hóa một phần trong hoạt động y tế” là quốc sách!

Khi yêu cầu rất cao về trang thiết bị y tế cho toàn hệ thống y tế hoàn chỉnh như của Việt Nam hiện nay là rất lớn. Trông chờ vào nguồn kinh phí của nhà nước thì ngành y tế không thể đáp ứng được yêu cầu khám – chữa bệnh với chất lượng cao ngày, càng tăng của toàn dân.

Thực tế cho thấy, rất nhiều bệnh viện trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh đã được Bộ Y tế hướng dẫn và cho phép xã hội hóa một số thiết bị có nhu cầu sử dụng cao, mà nguồn kinh phí nhà nước chưa đáp ứng được và thực tế  những thiết bị xã hội hóa đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết những thiếu thốn về TTBYT đặc biệt là những thiết bị có nhu cầu sử dụng lớn và những hệ thống thiết bị Y tế công nghệ cao.

Tuy nhiên, thực tế từng nơi, từng lúc trong công tác quản lý khai thác sử dụng cũng còn những bất cập, khiến cho dư luận xã hội quan tâm như:

Chẳng hạn một cơ sở y tế đã có 1 hoặc 2 thiết bị CT- Scanner, nhưng yêu cầu của người bệnh cao nên đã xã hội hóa để có thêm 1 hoặc 2 hệ thống nữa. Nhưng đi vào chi tiết thì thấy: Các hệ thống máy CT-Scanner trang bị bằng nguồn vốn nhà nước chỉ có 15-20 bệnh nhân/ngày nhưng các hệ thống máy xã hội hóa thì số bệnh nhân/ngày lại cao hơn đáng kể!

Cũng đã có những trường hợp chỉ định cho người bệnh phải thăm khám, xét nghiệm bao vây (làm các thăm khám, xét nghiệm mà thực trạng của bệnh nhân chưa thật cần thiết phải làm) dẫn tới người bệnh hoặc Bảo hiểm phải chi trả nhiều! Điều này không nhiều nhưng đã có xảy ra.

Theo tôi đây là trách nhiệm của người quản lý trực tiếp tại cơ sở xử dung TTBYT xã hội hóa.  Không phải do chính sách xã hội hóa gây ra.

Hiện tại ở Việt Nam đã có một số bệnh viện sử dụng robot để phẫu thuật. Ông nghĩ gì về thực tế của việc sử dụng các kỹ thuật đó ở nước ta?

Ảnh minh họa: Mohawk Collegue

Vấn đề sử dụng Robot trong phẫu thuật là xu hướng tiến bộ trong phẫu thuật trên toàn thế giới, bởi những ưu điểm của phẫu thuật bằng Robot đó là vết mổ nhỏ, Robot không có khái niệm xúc động hay mệt mỏi, cánh tay Robot có thể thực hiện việc khâu, cắt gần như mọi góc độ, bệnh nhân ít phải (thậm chí là không) thay đổi tư thế trong quá trình phẫu thuật. Kết quả phẫu thuật tốt hơn, ít nhiễm trùng, bệnh nhân rút ngắn được ngày nằm viện, giảm lượng kháng sinh. Tất nhiên,với điều kiện hệ thống Robot đồng bộ chất lượng cao, phẫu thuật viên được đào tạo cơ bản, thực hành tốt.

Thực tế, giá thành thực hiện phẫu thuật bằng Robot còn cao. Và theo tôi người thầy thuốc sẽ phải cân nhắc kỹ xem trường hợp này có buộc phải dùng Robot hay không? Có thể dùng phương pháp nội soi phẫu thuật hay phương pháp phẫu thuật cổ điển (Mổ hở) vẫn giải quyết được và An toàn!

Và cũng cần tư vấn và trao đổi để gia đình và người bệnh hiểu rõ và thấy rằng có đủ kinh phí để thực hiện bằng Robot hay không để họ tự nguyện đề xuất phương pháp phẫu thuật.

Và quan trọng hơn, theo tôi: Chỉ trang bị các hệ thống phẫu thuật Robot khi điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện đồng bộ và kỹ thuật viên được đào tạo lý thuyết và thực hành tốt, bởi như ông Cha ta thường dậy: Dao sắc dễ đứt tay!

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và Internet, ngành y tế đã từng bước thực hiện liên thông khám bệnh và xét nghiệm giữa các bệnh viện. Ông nghĩ gì về thực tế của sự liên thông này?

ảnh minh họa: Heathy Living

Liên thông kết quả thăm khám, xét nghiệm trong y tế là rất cần thiết vì nó tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người bệnh và quỹ bảo hiểm y tế. Đó là nhiệm vụ mà ngành Y tế phải tổ chức triển khai, áp dụng càng sớm, càng rộng, càng tốt.

Tuy nhiên để thực hiện được liên thông kết quả thăm khám và xét nghiệm trong y tế thì cần phải:

- Tiêu chuẩn hóa hệ thống thiết bị y tế.

- Tiêu chuẩn hóa phương pháp thăm khám và xét nghiệm cho từng kỹ thuật. Ví dụ như: Chụp X-quang phổi, làm siêu âm ổ bụng, lấy bệnh phẩm cho các xét nghiệm…

- Điều hết sức quan trọng là các kỹ thuật viên thực hiện thăm khám xét nghiệm trên thiết bị vào phải được đào tạo và cấp chứng chỉ về sử dụng thiết bị đó. Thực tế cách đây một vài năm, cũng đã có những phát biểu có tới gần một nửa kết quả xét nghiệm của tuyến dưới chuyển lên là không thể sử dụng được!

Hiện tại, thị trường trang thiết bị y tế đang cung cấp rất nhiều các trang thiết bị cá nhân với giá thành không quá cao. Ông có lời tư vấn gì cho những người có ý định mua sắm cho gia đình mình những trang thiết bị đó?

Đúng là hiện nay tại các cửa hàng bán trang thiết bị y tế có kinh doanh các dụng cụ, thiết bị y tế dùng tại nhà như: máy hỗ trợ thính lực, máy đo huyết áp, đo độ đường trong máu, máy mát xa và một số thiết bị vật lý trị liệu khác…. Khi mua máy thì đã kèm theo tài liệu hướng dẫn sử dụng và được người bán hàng hướng dẫn cho các thao tác tắt/bật và thực hiện đo, rồi người mua mang về nhà tự sử dụng. Đây là một thực tế!

Theo tôi, việc có những hướng dẫn chi tiết, chính xác cho toàn dân hiểu biết cách sử dụng các thiết bị, dụng cụ đó thế nào cho an toàn, kết quả chính xác thì cơ quan truyền thông cần kết hợp với bên y tế (hay ngược lai) để có những thời lượng nhất định vào một thời gian nhất định (chẳng hạn vào lúc 15-15h30 hàng ngày thứ 3 và thứ 7 hàng tuần trên O2TV hay một kênh nào đó) để các chuyên gia về TTBYT hay Bác sĩ chuyên khoa có những hướng dẫn chi tiết về thao tác thế nào để đảm bảo An toàn và cho kết quả chính xác thì sẽ rất hiệu quả và là việc làm cần thiết.

Nhất là, lúc này đây khi cả nước đang triển khai định hướng của Chính phủ là xây dựng thành phố thông minh, y tế thông minh thì các hoạt động trên mạng, trên các kênh truyền thông công cộng nên tập trung nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác hướng dẫn, giáo dục cộng đồng.

Điều cuối cùng tôi muốn nó đó là: Với các thiết bị, hệ thống TTBYT sử dụng tại bệnh viện, cần được xây dụng các quy trình vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa để đảm bảo an toàn và chính xác, ổn định của từng thiết bị và người vận hành cần được đào tạo có chứng chỉ vận hành hoặc bảo dưỡng từng loại thiết bị theo chương trình đào tạo liên tục của Bộ Y tế là hết sức cần thiết và cấp bách! Bởi thực tế TTBYT luôn được cập nhật áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của các chuyên ngành: điện, điện tử, tin học, quang học, cơ học, vật liệu học …TTBYT sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh luôn đổi mới!

Xin cám ơn ông!