E-magazine Tổng thống Trump và loạt phát ngôn chấn động về Gaza và Trung Đông

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ “sẽ tiếp quản” Dải Gaza - có thể với sự giúp đỡ của quân đội Mỹ - trong khi những người Palestine sống ở đó nên rời khỏi dải đất này, trong động thái gây choáng váng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người bị sốc khi đưa ra những bình luận về Dải Gaza và tình hình Trung Đông. Ảnh: Getty.

Loạt tuyên bố gây choáng váng

“Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi cũng sẽ làm việc với nó”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo chung cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/2, sau đó mô tả tầm nhìn của ông đối với khu vực Trung Đông.

“Chúng tôi sẽ sở hữu nó và chịu trách nhiệm tháo dỡ tất cả những quả bom nguy hiểm chưa nổ cũng như các vũ khí khác tại hiện trường, san bằng địa điểm này và loại bỏ các tòa nhà bị phá hủy”, ông Trump tuyên bố.

Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng gửi quân đội Mỹ đến lấp đầy khoảng trống an ninh ở Gaza hay không, ông Trump không loại trừ khả năng này. Ông nói: “Đối với Gaza, chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết, chúng tôi sẽ tiếp quản phần mà chúng tôi sẽ phát triển”.

Những bình luận của ông Trump khiến nhiều nhà quan sát choáng váng, bởi trong chiến dịch tranh cử, ông đã giành được sự ủng hộ của cử tri Mỹ bằng những lời chỉ trích các cuộc chiến tranh kéo dài của Mỹ ở Trung Đông và cam kết trả lại các khoản đầu tư của Mỹ cho người đóng thuế. Bình luận này làm dấy lên một loạt câu hỏi về cách mà ông Trump giành quyền kiểm soát Gaza, cơ sở pháp lý và ai sẽ gánh chịu chi phí.

“Tôi thực sự nhìn thấy quyền sở hữu lâu dài và tôi thấy nó mang lại sự ổn định lớn cho khu vực đó ở Trung Đông, và có thể là toàn bộ Trung Đông”, ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng. Sau đó ông nói thêm: “Đây không phải một quyết định được đưa ra một cách nhẹ nhàng, Mọi người mà tôi nói chuyện cùng đều thích ý tưởng nước Mỹ sở hữu dải đất đó, phát triển và tạo nên hàng nghìn việc làm”.

Sẽ có nhiều người trong khu vực phản đối kế hoạch của ông Trump, bất chấp tuyên bố của ông rằng tất cả những người đối thoại cùng ông đều thích nó. Hiện tại, Ai Cập và Jordan đã bác bỏ quan điểm tiếp nhận thêm người tị nạn Palestine, những người vốn cảnh giác với tình trạng bất ổn và lo sợ họ sẽ không bao giờ được phép trở về quê hương.

Một gia đình cưỡi xe ngựa đi ngang qua một nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy ở Beit Lahia, Gaza, vào ngày 29/1. Ảnh: CNN.

Tầm nhìn mới về Gaza

Ông Trump cho rằng đó chính xác là những gì ông đã hình dung: một tương lai ở Gaza mà trong đó phần lớn không liên quan đến người Palestine.

“Tôi không nghĩ mọi người nên quay trở lại Gaza”, ông Trump nói trong Phòng Bầu dục trước đó trong ngày. “Tôi nghe nói rằng Gaza đã rất xui xẻo đối với họ. Họ như sống trong địa ngục. Gaza không phải là nơi để mọi người sinh sống và tôi tin rằng lý do duy nhất khiến họ muốn quay trở lại là vì họ không có lựa chọn nào khác”.

Sau đó, ông nói thêm rằng người Palestine có thể nằm trong số những người quay trở lại Gaza, nhưng ông không tin rằng dải đất này là ngôi nhà lâu dài của họ.

Ông Trump, từng là nhà phát triển bất động sản, cho biết trong cuộc họp báo rằng ông đã nghiên cứu vấn đề này “chặt chẽ trong nhiều tháng”.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi ông đề xuất rằng người dân Gaza nên chuyển đến một địa điểm mới do một hoặc nhiều quốc gia ở Trung Đông cung cấp.

“Ý tôi là họ ở đó vì họ không có giải pháp thay thế. Họ có gì bây giờ? Đó là một đống đổ nát khổng lồ”, ông Trump nói ngay trước khi tiếp đón ông Netanyahu trong các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục.

Đề xuất của ông Trump rằng người dân Gaza phải rời khỏi dải đất vĩnh viễn là một lập trường khiêu khích sẽ nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia bảo thủ nhất của Israel. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ không được tiếp nhận bởi các nước láng giềng của Israel, những bên từng nói rằng họ không sẵn lòng chấp nhận những người tị nạn Palestine.

Vào đầu ngày 4/2, ông Trump coi vấn đề này là một vấn đề nhân đạo, nói rằng ông không thể tin được có ai đó lại muốn ở lại vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá. “Tại sao họ muốn quay trở lại? Nơi đó thật là địa ngục”, ông Trump nói, phớt lờ một phóng viên đang kêu lên: “Bởi vì đó là nhà của họ”.

Thay vì Gaza, ông đề nghị người Palestine được cung cấp một “mảnh đất tốt, trong lành và xinh đẹp” để sinh sống.

Netanyahu, ngồi cạnh ông Trump trong Phòng Bầu dục, mỉm cười khi ông Trump phát biểu. Nhà lãnh đạo Israel, dưới những áp lực trong nước, đã có mặt tại Washington để xác định chính xác quan điểm của ông Trump trong giai đoạn tiếp theo của lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Nhưng quan điểm mập mờ của ông Trump về Gaza chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các đồng minh cực hữu của nhà lãnh đạo Israel, những người đã kêu gọi ông Netanyahu từ bỏ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời đạt được với Hamas vào tháng trước.

Người dân vẫy quốc kỳ Israel khi trực thăng quân sự chở 4 con tin Israel mới được thả hạ cánh tại Bệnh viện Beilinson ở Petah Tikva, Israel vào ngày 25/1. Ảnh: AFP.

“Khó nắm bắt và tiêu hóa”

Hai quan chức Arab đã bày tỏ sự bối rối, lo lắng và bi quan ngay sau những nhận xét bất ngờ của ông Trump.

Một quan chức cho biết những bình luận này “thô, khó nắm bắt và tiêu hóa”, đồng thời nói thêm rằng họ “cần sự rõ ràng và thêm diễn biến mới có thể hiểu được”.

Quan chức thứ hai cho biết những bình luận này có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở Gaza, nhấn mạnh “những tác động sâu sắc mà những đề xuất như vậy gây ra đối với cuộc sống và phẩm giá của người dân Palestine, cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông”.

Nhà ngoại giao này cho biết: “Thực tế là 1,8 triệu người ở Gaza sẽ phản đối sáng kiến ​​​​như vậy và từ chối rời đi”.

Trong khi đó, những bình luận của ông Trump đã thu hút sự hoài nghi từ các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ, bao gồm cả một số người trong chính đảng của ông.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa South Carolina Lindsey Graham cho biết: “Chúng ta sẽ xem những người bạn Arab nói gì về điều đó. Tôi nghĩ hầu hết người dân South Carolina có thể sẽ không hào hứng với việc cử người Mỹ tiếp quản Gaza”.

Tuyên bố của ông Trump về việc giành chủ quyền đối với Gaza chắc chắn sẽ không thuyết phục được Hamas quay trở lại bàn đàm phán.

Ông Trump cho biết ông vẫn quyết tâm giải thoát những con tin còn lại ở Gaza: “Chúng tôi muốn lấy tất cả các con tin, và nếu không, điều đó sẽ chỉ khiến chúng tôi trở nên bạo lực hơn”.

Ông Trump đã tuyên bố có góp công sức kiến tạo thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong những ngày trước khi ông nhậm chức - và ngay cả các quan chức trong chính quyền sắp mãn nhiệm của ông Biden cũng thừa nhận điều này. Netanyahu, có lẽ đang tìm cách lấy lòng Washington, đã ca ngợi những nỗ lực của ông Trump.

“Tôi nghĩ Tổng thống Trump đã góp sức to lớn và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ cho nỗ lực này”, ông Netanyahu nói tại Phòng Bầu dục.

Tuy nhiên, để thúc đẩy thỏa thuận được ký kết, ông Trump vẫn cần giám sát hai giai đoạn còn lại của kế hoạch bao gồm ba giai đoạn.

Hiện chưa rõ những bình luận của ông Trump sẽ mang lại những phản ứng ra sao. Nhưng trong một tuyên bố trên mạng xã hội X sau khi ông Trump phát biểu, Bộ Ngoại giao Arab Saudi nhắc lại quan điểm của họ rằng sẽ không cam kết với tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel mà không có sự đảm bảo về một nhà nước của người Palestine.

Tuyên bố nêu rõ: “Arab Saudi sẽ tiếp tục những nỗ lực không ngừng nhằm thành lập một nhà nước Palestine độc ​​lập với Đông Jerusalem là thủ đô và sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu không có điều đó”.

Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Israel và Mỹ không phải lúc nào cũng nồng ấm. Ảnh: France24.

Mối quan hệ phức tạp

Hiện các nhà quan sát chưa rõ ý định thực sự của ông Netanyahu trong chuyến thăm Washington lần này.

Trước khi đến, đã có suy đoán rằng ông Netanyahu có thể tận dụng các cuộc đàm phán để thuyết phục ông Trump ủng hộ việc tung đòn tấn công trực diện, lợi dụng thời điểm các lực lượng uỷ nhiệm của Iran đã bị tiêu diệt, tham vọng hạt nhân của Iran đang tăng và trong lúc ông có mối quan hệ thân thiết hơn với Washington.

Trước chuyến thăm của ông Netanyahu, ông Trump đã ký một chỉ thị cho phép áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với Iran nhằm ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo về “sự xóa sổ” nếu ông bị các đặc vụ của Tehran ám sát.

Ông Trump cho biết ông đã để lại chỉ dẫn cho nhóm của mình về cách ứng phó trong trường hợp ông trở thành nạn nhân của một âm mưu ám sát của Iran.

“Tôi đã để lại chỉ dẫn”, ông Trump nói “Nếu họ làm vậy, họ sẽ bị xóa sổ”.

Chuyến thăm của ông Netanyahu kéo dài vài giờ đồng hồ và bao gồm cả cuộc họp báo chung, tất cả đều nhằm thể hiện tình đoàn kết của ông Trump với Israel. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mối quan hệ này phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài.

Trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, nhóm của ông Biden không nghi ngờ về việc ông Netanyahu ủng hộ chiến thắng của ông Trump, tin rằng ông sẽ được chính phủ Mỹ trao quyền rộng rãi hơn để hướng đến các mục tiêu chiến tranh nếu ông Trump vào Nhà Trắng, thay vì bà Kamala Harris.

Những dự đoán đó không hề sai.

Ông Trump đã dỡ bỏ lệnh ngừng cung cấp bom hạng nặng cho Israel, hủy bỏ một trong số ít các chính sách của chính quyền Biden nhằm tạo ảnh hưởng với Israel trong bối cảnh nước này đang chiến tranh ở Gaza.

Tuy nhiên, mối quan hệ Trump-Netanyahu không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Khi Netanyahu chúc mừng Biden về chiến thắng bầu cử vào năm 2020, ông Trump đã tức giận và nói rằng ông bị phản bội. Trong những tháng sau đó, ông Trump đã cáo buộc ông Netanyahu không trung thành và nổi giận với phóng viên người Israel, Barak Ravid, trong một cuộc họp báo.

Thậm chí 3 năm sau, sau khi Hamas phát động cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Israel, rõ ràng cảm xúc tức giận của ông Trump vẫn chưa hoàn toàn phai nhạt.

“Ông Netanyahu không có sự chuẩn bị. Ông ấy chưa chuẩn bị và Israel cũng chưa chuẩn bị”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn ngay sau vụ tấn công, những bình luận đã thu hút sự lên án ngay cả từ các đảng viên Cộng hòa.

Nhưng những nhận xét mà ông Trump đưa ra hôm 4/2, bên cạnh ông Netanyahu, cho thấy sự thù địch dường như đã bị lãng quên.

Thủ tướng Israel dự định ở lại Washington sau cuộc hội đàm hôm thứ Ba với Trump. Ông đã đến Blair House, nơi ở của Tổng thống vào Chủ nhật tuần trước và dự kiến ​​sẽ ở lại cho đến cuối tuần, tham gia các cuộc họp ở Điện Capitol.