Tổng thống Putin: Nga chỉ dừng chiến dịch quân sự nếu Ukraine ngừng phản kháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông chỉ ngừng chiến dịch quân sự nếu như Ukraine ngừng phản kháng và thực hiện những yêu cầu của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Japan Times)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Japan Times)

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Putin nói rằng các nhà đàm phán của Ukraine nên đưa ra hướng tiếp cận “mang tính xây dựng” hơn trong các cuộc đàm phán với Moscow để có thể đạt được những bước tiến thực chất. Trong biên bản ghi lại cuộc điện đàm được Điện Kremlin công bố, ông Putin nói rằng “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine đang đi theo đúng kế hoạch.

“Cần nhấn mạnh rằng chiến dịch đặc biệt chỉ có thể ngừng lại khi Kiev ngừng các chiến dịch quân sự của họ và thực hiện những yêu cầu mà phía Nga đã đưa ra” – Điện Kremlin cho hay – “Hy vọng rằng trong vòng đàm phán tiếp theo, các đại diện của Ukraine sẽ đưa ra hướng tiếp cận mang tính xây dựng hơn, tính đến những thực tế hiện nay.”

Moscow đã bắt đầu chiến dịch của họ ở Ukraine vào ngày 24/2, nói rằng họ không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine – quốc gia từng là một phần của Liên bang Xô viết, và nay đang nghiêng về phương Tây và muốn gia nhập NATO và EU.

“Họ đang hủy diệt chúng tôi” – Thị trưởng Mariupol Vadym Boyschenko nói với Reuters khi mô tả về thảm kịch tại thành phố 400.000 dân – “Họ thậm chí còn không cho chúng tôi cơ hội để đếm những người bị thương và bị giết bởi đạn pháo không ngừng dội xuống.”

Ở thủ đô Kiev, các binh sĩ Ukraine tiếp tục củng cố các hàng phòng thủ bằng cách chặn các tuyến đường, đào hào và thiết lập các đơn vị phòng thủ dân sự, trong lúc các lực lượng Nga bắn phá các khu vực lân cận. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay Nga còn đang chuẩn bị không kích một thành phố khác ở miền Nam nước này, Odessa.

Đối diện với sự lên án của nhiều nước trên thế giới cùng với những lệnh trừng phạt hà khắc của châu Âu và Mỹ, Nga dường như ngày càng bị cô lập do chiến dịch quân sự mà ông Putin phát động. Nhưng lãnh đạo Nga vẫn nhận được sự ủng hộ từ khu vực Mỹ Latin, bao gồm chính phủ Venezuela và Nicaragua.

Trong một bài phát biểu được phát trên truyền hình trong tuần trước, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã chỉ trích các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga, gọi đây là “tội ác” nhằm vào người dân Nga và nói rằng ông vừa có cuộc nói chuyện với Tổng thống Putin.

Trong một nỗ lực khiến nhiều người nhớ lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi mà Mỹ Latin còn là một chiến trường tư tưởng hệ giữa Liên Xô và Mỹ, Nga liên tục cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực này suốt hơn một thập kỷ. Đại dịch COVID-19 cũng là một cơ hội. Nga đã phát triển một trong số những loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới và phân phối cho Argentina, Bolivia cùng nhiều quốc gia khác vốn bị hạn chế tiếp cận vaccine.

Thương mại giữa Nga và Mỹ Latin cũng tăng dần, mặc dù không chỉ so sánh với dấu ấn kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Trong năm 2014, Nga đã xóa khoản nợ 32 tỉ USD cho Cuba. Họ cũng chuyển cho Cuba hàng trăm nghìn thùng dầu trong lúc nước này đang gặp khó về nguồn cung. Nga cũng là nguồn viện trợ cho Venezuela, chi hàng tỉ USD để cung cấp vũ khí và đầu tư cho ngành công nghiệp dầu khí của nước này kể từ khi ông Hugo Chavez trở thành Tổng thống vào năm 1999. Nỗ lực này kéo dài tới thời ông Maduro. Năm 2019, giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela, Nga đã cử nhiều chuyên gia quân sự tới nước này.

Ở Nicaragua, Nga đã mở một trung tâm huấn luyện chống tội phạm ma túy và bán cho chính phủ nước này nhiều xe tăng chiến đấu. Khi Mỹ cắt viện trợ cho Nicaragua do quan ngại về gian lận bầu cử ở nước này năm 2008, Nga đã điều chiến hạm tới khu vực ngoài khơi của Nicaragua để thể hiện sự ủng hộ.

Theo SCMP