Nga tập trận hạt nhân chiến lược hải, lục, không quân
Bộ Quốc phòng Nga thông báo với TASS hôm thứ Sáu (18/2) rằng một cuộc tập trận quân sự "răn đe chiến lược", do Tổng thống Vladimir Putin đích thân chỉ huy, sẽ được tổ chức vào thứ Bảy (19/2) để kiểm tra độ tin cậy của vũ khí hạt nhân chiến lược
Trong một thông báo bằng văn bản, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Lực lượng Phòng không và Không quân Vũ trụ, Quân khu Miền Nam, Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Biển Đen sẽ tham gia các cuộc tập trận. Trong phạm vi cuộc tập trận, các tên lửa đạn đạo và tên lửa có điều khiển cũng sẽ được thử nghiệm. Đây là một cuộc tập trận quân sự đã được lên kế hoạch". Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết, ông Putin sẽ là Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy, điều hành cuộc diễn tập quan trọng này.
Tuyên bố cũng cho biết cuộc tập trận trước đó đã được lên kế hoạch để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
TASS dự kiến rằng trong cuộc tập trận, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hạm đội Biển Bắc sẽ phóng tên lửa đạn đạo khi đang lặn dưới nước tới thao trường ở Viễn Đông; Lực lượng Tên lửa Chiến lược sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền và các máy bay ném bom chiến lược của Lực lượng Không quân vũ trụ sẽ phóng tên lửa hành trình.
Tổng thống Putin sẽ trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận chiến lược ngày 19/2 (Ảnh: AP). |
Điện Kremlin cho biết ông Putin sẽ chỉ huy cuộc tập trận từ phòng kiểm soát tình hình chiến tranh. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đang ở thăm Nga, cũng có thể ở đó. Ông Lukashenko đã đến thăm Moscow từ thứ 6 đến thứ 7. Trước đó, ông cho biết dự định tham gia một cuộc tập trận với ông Putin trong thời gian ở thăm Nga, nhấn mạnh rằng phía Nga sẽ thông báo cho ông về địa điểm và hình thức của cuộc tập trận.
Nga hàng năm đều tiến hành các vụ thử tên lửa nhiều lần, nhưng lần này các vụ thử diễn ra khi quân đội Nga đang đóng nhiều quân ở biên giới với Ukraine và Mỹ lớn tiếng cảnh báo về một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Hãng thông tấn Interfax của Nga hôm thứ Sáu dẫn lời Hạm đội Biển Đen cho biết Nga đã chuyển 10 máy bay chiến đấu-ném bom Su-24 đóng tại Crimea tới các căn cứ không quân hậu bị ở nơi khác trong khuôn khổ cuộc tập trận. Moscow trước đó cũng cho biết đã bắt đầu rút một số binh sĩ khỏi một số khu vực gần với Ukraine. Nhưng Kiev và các nước phương Tây đã nghi ngờ thông báo này. NATO cho biết họ không thấy dấu hiệu nào về việc Nga rút quân. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin còn cáo buộc Moscow đưa thêm quân, trang bị và gửi thêm nhiều máy bay chiến đấu đến gần biên giới Ukraine. Ông Austin, người vừa tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO tại Brussels, đã đến thăm Ba Lan vào thứ Sáu (18/2) trước khi đến Lithuania. Cùng ngày thứ Sáu, ông đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga (Ảnh: TASS). |
Mỹ: Nga có thể xâm lược Ukraine trong những ngày tới
Theo CNN, ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Mỹ đã nhận được thông tin tình báo rằng Nga đang chuẩn bị chiến tranh và trong vài ngày tới sẽ chuẩn bị tiến công Ukraine.
Ông Blinken cho biết Mỹ chia sẻ thông tin tình báo để "ngăn chặn chiến tranh chứ không phải bắt đầu nó". Ông thúc giục Moscow hãy thay đổi hướng đi.
Ngoài ra, ông Blinken nói tại Washington rằng ông đã chấp nhận lời mời của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để gặp mặt vào cuối tuần tới. Tuy nhiên thế giới bên ngoài không được biết địa điểm của cuộc gặp.
Hôm thứ Năm (17/2) Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng khả năng Nga xâm lược Ukraine là "rất cao" và ông cảm thấy điều đó có thể xảy ra trong vài ngày tới. Biden nói, "Chúng tôi có lý do để tin rằng họ đang tiến hành một “false flag operation” (hoạt động cờ giả - hành động giá họa, đổ vấy) để tạo cớ cho một cuộc xâm lược. Mọi dấu hiệu mà chúng tôi nắm được đều cho thấy là họ đã sẵn sàng tiến vào Ukraine và tấn công Ukraine."
Hôm 17/2, phát biểu trước các nhà báo ở Nhà Trắng, ông Biden nói Nga sẽ tấn công Ukraine trong vài ngày tới (Ảnh: AP). |
Theo tin của Văn phòng Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Ottawa, Mỹ đã mời các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia bao gồm Canada, Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Romania và Vương quốc Anh, cũng như những người đứng đầu Ủy ban châu Âu và NATO đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khủng hoảng trong tuần này, do lo ngại về một cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine. Ủy viên Đối ngoại Borrell đại diện cho EU và Tổng thư ký NATO Stoltenberg đại diện cho NATO tham dự cuộc họp.