Bà Jen Psaki, người phát ngôn của Nhà Trắng đã đưa ra lời giải thích chi tiết về chính sách Trung Quốc của chính phủ Joe Biden để đáp lại bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos trước đó trong cùng ngày. Bà Jen Psaki nói: “Trung Quốc đặt ra thách thức lớn đối với Hoa Kỳ” và “Lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình sẽ không thay đổi chiến lược của chính quyền Biden đối với Trung Quốc”.
Theo Tân Hoa xã, cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc, vào tối ngày 25/1 theo giờ Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự cuộc đối thoại “Chương trình nghị sự Davos” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ Bắc Kinh với hình thức trực tuyến và đã có bài phát biểu. Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng bản chất của chủ nghĩa đa phương là các vấn đề quốc tế do mọi người cùng nhau xử lý, tương lai và vận mệnh của thế giới do tất cả các nước cùng kiểm soát. Ông ám chỉ Mỹ khi nói: "Kiểu chơi trò lập các nhóm nhỏ và 'chiến tranh lạnh mới' trên trường quốc tế, bài xích, uy hiếp và dọa dẫm người khác; động một tí là tách rời, cắt đứt cung ứng, trừng phạt, tạo ra sự cách ly hoặc thậm chí cô lập, chỉ có thể đẩy thế giới vào thế chia rẽ hoặc thậm chí đối đầu".
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng hô hào từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và quan niệm trò chơi có tổng bằng không, tuân thủ sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị thông qua giao tiếp chiến lược. Cần tuân thủ quan điểm hợp tác đôi bên cùng có lợi, bác bỏ chính sách hẹp hòi, tham lam ích kỷ, từ bỏ cách tiếp cận phiến diện độc quyền ưu thế phát triển.
Quan hệ Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu cải thiện sau khi ông Biden nắm quyền (Ảnh: Dongfang). |
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi lãnh đạo các nước tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, cùng nhau thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng bao dung, đồng thời củng cố Tập đoàn 20 quốc gia (G20) làm nền tảng chính quản trị kinh tế toàn cầu.
Bloomberg ngày 25/1 nhận xét, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình không chỉ là lời cảnh báo đối với chính phủ mới của Mỹ mà còn là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh khẳng định rằng Trung Quốc vẫn sẽ kiên định với con đường phát triển của riêng mình khi đối mặt với những lời chỉ trích từ các nước phương Tây.
Tờ Wall Street Journal ngày 25/1 đưa tin và phân tích rằng đồng thời, ông Tập Cận Bình cũng gửi gắm kỳ vọng tới chính quyền mới của ông Biden cần tham vấn nhiều bên để cùng đối phó với những thách thức quốc tế như dịch bệnh COVID-19.
Mạng Politico ngày 25/1 chỉ ra rằng, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình chỉ ra rằng những nỗ lực khiến Trung Quốc bất lực trong mạng lưới công nghệ và thương mại quốc tế có thể sẽ gây ra một cuộc chiến tranh Lạnh khác.
Theo hãng tin Anh Reuters, ngày 25/1/2021, bà Jen Psaki, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hy vọng sẽ xử lý quan hệ với Bắc Kinh với chiến lược kiên nhẫn (strategic patience).
Về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bà Psaki đã nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng rằng: “Lời kêu gọi của Tập Cận Bình sẽ không thay đổi cách tiếp cận chiến lược của chính quyền Biden đối với Trung Quốc”.
Bà Jen Psaki nói: "Những gì chúng ta thấy trong vài năm qua là Trung Quốc ngày càng độc tài trong nước và ngày càng tự tin hơn ở nước ngoài. Bắc Kinh hiện đang sử dụng phương thức mạnh mẽ thách thức an ninh, thịnh vượng và quan niệm giá trị của chúng ta . Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải áp dụng cách tiếp làm mới".
Bà Psaki nói: “Chúng ta muốn kiên nhẫn về mặt chiến lược (với Trung Quốc)”. Bà cũng nói rằng Nhà Trắng trong mấy tuần tới sẽ tiếp xúc với các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội, cũng như các đồng minh và đối tác quốc tế về vấn đề này.
Khi được hỏi liệu Chính phủ Biden có tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei hay không, bà Psaki nói rằng gián điệp công nghiệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Psaki nói: "Quan điểm của chúng tôi, quan điểm của Tổng thống (Biden) là: chúng ta cần có các biện pháp phòng thủ tốt hơn, điều này cần phải bao gồm việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi bất công và bất hợp pháp của họ, đồng thời đảm bảo rằng công nghệ của Hoa Kỳ không được tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xây dựng sức mạnh quân sự của Trung Quốc".
Hãng Bloomberg đưa tin, bà Psaki nói rằng chính quyền Biden đang "kiên nhẫn" xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh và có kế hoạch rà xét lại các chính sách cứng rắn của Donald Trump trong nhiệm kỳ của ông.
Bà Psaki nói rằng chính quyền Biden có kế hoạch sử dụng tất cả các bộ ngành tiến hành tổng rà soát về các biện pháp của ông Trump, bao gồm việc áp đặt thuế quan thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc và loại bỏ một số công ty Trung Quốc khỏi danh sách (entity list?).
Tờ The Hill của Mỹ đưa tin, chính quyền Joe Biden ngày 25/1 tuyên bố sẽ tiếp tục "buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm" về các vấn đề liên quan đến công nghệ, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về lập trường đối với ứng dụng mạng xã hội TikTok và Huawei. .
Bà Psaki nói: "Công nghệ đương nhiên là trung tâm của cạnh tranh Mỹ - Trung. Trung Quốc luôn có xu hướng giành lợi thế công nghệ bằng mọi giá, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, tham gia vào các hoạt động gián điệp công nghiệp và ép buộc chuyển giao công nghệ".
Psaki cho biết: "Chúng tôi đang xem xét một loạt vấn đề, hy vọng sẽ nghiên cứu những vấn đề này một cách cẩn thận. Chúng tôi sẽ nỗ lực để giải quyết những vấn đề này bằng cách đảm bảo bảo vệ được dữ liệu của Hoa Kỳ và duy trì được ưu thế về công nghệ của Hoa Kỳ".
Bắc Kinh mong muốn quan hệ với Mỹ được cải thiện dưới thời Tổng thống Biden (Ảnh: Reuters). |
The Hill cũng chỉ ra rằng trước khi bà Jen Psaki phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng hợp tác sau khi bùng phát dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới (COVID-19). Ông Tập Cận Bình kêu gọi chính phủ các nước “hãy từ bỏ định kiến ý thức hệ và cùng nhau nỗ lực theo đuổi chung sống hòa bình và cùng có lợi”.
Hãng thông tấn Newsis của Hàn Quốc ngày 26/1 đưa tin, đây là hội nghị toàn cầu đầu tiên được tổ chức sau khi tân Tổng thống Mỹ Biden chính thức nhậm chức, nhưng ông Biden đã không tham dự cuộc họp hôm đó.
Chính quyền Joe Biden hiện đang cố gắng thay đổi chiến lược của chính quyền Donald Trump. Trong khi ông Biden từ bỏ đường lối "ưu tiên của nước Mỹ" và chủ nghĩa biệt lập do cựu Tổng thống Trump đề xuất, đồng thời muốn xây dựng lại liên minh và chủ đạo lại hợp tác đa phương. Ngoài ra, ông Biden cũng ám chỉ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách ngăn chặn cứng rắn đối với Trung Quốc.
Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) chiều 26/1, tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói: “Chính quyền Donald Trump trong mấy năm qua đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và đã thực hiện một loạt các hành động sai trái can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, dẫn đến việc quan hệ Trung-Mỹ tổn thương vô cùng nghiêm trọng”.
Ông Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc hy vọng rằng chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ đối xử với Trung Quốc một cách khách quan và lý tính, đi cùng một phía với Trung Quốc, tập trung hợp tác, quản lý bất đồng và áp dụng chính sách tích cực và mang tính xây dựng đối với Trung Quốc”.