Giới chức ở Washington mới đây cáo buộc Nga bí mật thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân hiệu suất thấp, vi phạm CNTB – hiệp ước được công bố vào năm 1996 và kể từ đó được 159 quốc gia trên thế giới tham gia. Đây là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Nga vi phạm lệnh cấm này, kể từ khi Moscow ký kết nó vào năm 2000.
“Mỹ tin rằng Nga có thể đang không tuân thủ cam kết ngừng thử nghiệm hạt nhân” – Robert Ashley, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, nói trong bài phát biểu trước Viện Hudson, trụ sở Washington D.C. hôm 29/5.
Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc của phía Mỹ. Trong một tuyên bố đưa ra vào thời điểm 1 tháng kể từ khi giới chức Mỹ đưa ra bình luận trên, Nga tuyên bố rằng các cáo buộc trên là “không thể chấp nhận”.
“Mỹ tiếp tục đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ cho rằng Nga vi phạm Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện” – Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố - “Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng tất cả những lời cáo buộc kiểu này là vô căn cứ. Chúng được đưa ra chỉ nhằm mục đích che đậy việc Mỹ đang dần từ bỏ CNTB và nối lại các vụ thử nghiệm hạt nhân”.
Tuyên bố mà Moscow đưa ra cũng nói rằng, CNTB đã trở thành “một mục tiêu mới của chính sách hủy diệt của nước Mỹ, làm xói mòn cấu trúc các thỏa thuận quốc tế liên quan tới kiểm soát vũ trang và không phổ biến hạt nhân”.
Cụm từ “có thể” trong tuyên bố của ông Ahsley không khỏi khiến cho giới chuyên gia hạt nhân nghi ngờ về các tuyên bố mà phía Mỹ đưa ra. Hiệp hội Kiểm soát Vũ trang (ACA), tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump công khai bằng chứng để chứng minh rằng Moscow đang vi phạm thỏa thuận.
“Nếu Mỹ có bằng chứng rằng Nga vi phạm các cam kết trong CNTB, họ nên đề xuất tổ chức các chuyến thăm của đoàn chuyên gia tới các khu vực thử nghiệm của cả Nga và Mỹ để làm rõ mối quan ngại đó và tăng lòng tin giữa hai bên” – ACA nói trong một tuyên bố.
Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CNTBO) – tổ chức chuyên theo dõi các vụ thử nghiệm hạt nhân – nói rằng hệ thống kiểm soát quốc tế (IMS) của họ không phát hiện ra bất kỳ điều gì bất thường.
“CNTBO hoàn toàn tự tin về khả năng phát hiện các vụ nổ hạt nhân của IMS, theo các điều khoản của Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện” – tổ chức trên nói trong một tuyên bố - “Cơ chế xác nhận thông tin của CNTB vẫn đang vận hành một cách hiệu quả, với hơn 300 trạm kiểm soát được triển khai trên khắp thế giới, liên tục gửi về dữ liệu”.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong thời điểm khó khăn, khi mà các hiệp ước vũ khí giữa Mỹ và Nga – hai siêu cường hạt nhân – có nguy cơ đổ vỡ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này mà không đưa ra bằng chứng cụ thể. Nga cả các thành viên trong NATO cũng đồng lòng cáo buộc Nga vi phạm INF, dù không có bằng chứng. Một hiệp ước vũ khí khác không kém phần quan trọng, New START, cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.
Theo Newsweek