Tổng Giám đốc WHO đau đầu vì vấn đề tài chính sau khi Mỹ ngừng tài trợ

VietTimes -- Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thể hiện rõ sự nản lòng của ông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngừng tài trợ cho tổ chức này liên quan tới cáo buộc “thiên vị” Bắc Kinh trong cách ứng phó đại dịch COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO tỏ rõ sự nản lòng trước quyết định ngừng tài trợ của Mỹ (Ảnh: SCMP)
Tổng Giám đốc WHO tỏ rõ sự nản lòng trước quyết định ngừng tài trợ của Mỹ (Ảnh: SCMP)

“Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ khi ngừng tài trợ cho WHO” – Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ.

“Khi chúng ta bị chia rẽ, virus sẽ tận dụng rạn nứt giữa chúng ta” – ông Tedros nói, và dường như nhắc lại nguyên tắc cơ bản của WHO rằng y tế công là quyền cơ bản “không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, điều kiện kinh tế và xã hội”.

Tiếp sau động thái của Washington, ông Tedros nói rằng WHO sẽ đánh giá về tầm ảnh hưởng đối với các chương trình và khả năng vận hành của họ, và chưa thể nói chính xác việc ngừng tài trợ sẽ khiến cơ quan này thiếu hụt nguồn tài chính đến mức nào.

WHO sẽ làm việc với các đối tác “để bù lập khoản thiếu hụt tài chính, và để đảm bảo công việc của chúng tôi không bị gián đoạn”, ông Tedros nói, thêm rằng cơ quan này cam kết sẽ “phục vụ tất cả mọi người trên thế giới mà không sợ hãi”.

Ông Tedros cũng thừa nhận rằng “sẽ có nhiều bài học cho tất cả chúng ta” và nói rằng cả các nước thành viên WHO lẫn các cơ quan quan sát độc lập sẽ đều theo dõi việc ứng phó với đại dịch COVID-19 của WHO “theo đúng quy trình”.

“Nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng tôi – và cá nhân tôi – tập trung vào virus và việc cứu sống sinh mạng” – ông Tedros nói.

Từ trước đến nay, Mỹ vẫn luôn là nước cung cấp nguồn tài trợ nhiều nhất cho WHO với hơn 400 triệu USD trong năm 2019, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Việc tạm ngừng ngân sách tài trợ được dự kiến kéo dài trong khoảng 60 – 90 ngày để giới chức Mỹ đánh giá về cách ứng phó đại dịch COVID-19 của WHO.

Trong lúc công bố về quyết định ngừng tài trợ, Nhà Trắng đã cáo buộc WHO “thiên vị đối với chính phủ Trung Quốc một cách nguy hiểm”, chỉ ra việc WHO tán dương các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc bất chấp nhiều quan ngại về tính minh bạch thông tin cùng với việc giới chức Y tế Trung Quốc hồi tháng 1 tuyên bố rằng không có bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới lây từ người sang người.

Nhà Trắng cũng cáo buộc WHO “đặt chính trị lên trước các biện pháp cứu người khi phản đối lệnh hạn chế di chuyển”, đề cập tới việc cơ quan này trong tháng 1 và đầu tháng 2 kêu gọi các nước không áp đặt hạn chế di chuyển hay thương mại, mặc dù Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Khi được hỏi về các cáo buộc mà Nhà Trắng đưa ra trong hôm thứ Tư, ông Mike Ryan – Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO – nói rằng “ý tưởng phòng thủ vào thời điểm đó là khá kỳ lạ”.

Nhưng khi nói về các hướng dẫn liên quan tới hạn chế di chuyển mà WHO từng đưa ra, ông Ryan nói rằng “việc áp dụng hạn chế bay của các nước là quyền chủ quyền của bất kỳ nước thành viên nào”.

“WHO không kiểm soát luật về việc đó” – ông Ryan nói, thêm rằng chức năng duy nhất của WHO là “thách thức” các nước thành viên đã áp dụng các quy định như vậy để đảm bảo rằng họ có cơ sở về mặt y tế để làm vậy.

Giới chức Mỹ hiện nay cũng lên tiếng chỉ trích WHO đồng thời bảo vệ quyết định ngừng tài trợ cho cơ quan này của Nhà Trắng.

“Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng ở WHO” – thượng nghị sĩ bang Connecticut Chris Murphy, đảng Dân chủ, viết trên Twitter – “Bởi vậy chúng tôi rút tài trợ cho WHO”.

Trong khi đó, giới chức y tế Mỹ lại phải ra sức biện minh cho quyết định của Washington, một quyết định có thể làm suy yếu khả năng hỗ trợ của WHO đối với các nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc CDC Mỹ, đã hai lần giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của quyết định trên trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây. “WHO đã và luôn là một đối tác tuyệt vời của chúng tôi” – ông Redfield nói trên kênh CBS – “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hạn chế tầm ảnh hưởng”.