Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang tập trung kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm nhập khẩu. Tính đến hết tháng 2, FDA đã từ chối nhập khẩu 107 lô tôm, tăng 224% so với cùng kỳ năm 2014. Con số này cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Malaysia là nước có nhiều lô hàng bị từ chối nhất với 70 lô, tăng mạnh so với 6 lô cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc cũng có sản phẩm bị từ chối. Dư lượng kháng sinh cấm là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số lượng các lô hàng bị từ chối. 75% tôm bị từ chối là do nitrofuran và dư lượng thuốc thú y.
Ngoài kháng sinh, FDA cũng tăng cường kiểm tra vi sinh trong thời gian vừa qua. Một nhà cung cấp cho biết, họ không thấy ngạc nhiên khi FDA thắt chặt kiêm tra bởi EU và Nhật Bản gần đây cũng nâng cấp các tiêu chuẩn nhập khẩu và kiểm tra kháng sinh gắt gao hơn.
Trước đó, VESEP cũng nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp "nói không với tôm tạp chất". Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp không thu mua, chế biến tôm tạp chất và có thông báo nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm. Ngày 1/8/2014, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 20 nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang tăng cường thanh tra, giám sát các cơ sở nuôi trồng, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2014 ước đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tăng 25% so với năm 2013. Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất với kim ngạch trên một tỷ USD.
Theo VnExpress