Mặc dù GDP danh nghĩa của Nhật Bản đã trượt xuống vị trí sau Đức vào năm ngoái, khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, tốc độ tăng trưởng của họ đã vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ.
Tốc độ tăng trưởng danh nghĩa của Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc kể từ năm 1977, theo số liệu GDP sơ bộ năm 2023 do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm 15/2. Nền kinh tế nước này có mức tăng trưởng danh nghĩa là 5,7%, trong khi Trung Quốc tăng 4,6%.
Sự đảo chiều đáng ngạc nhiên này diễn ra khi Nhật Bản bắt đầu rơi vào tình trạng lạm phát, trong khi Trung Quốc đang gặp áp lực giảm phát.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thực tế 5,2%. Tăng trưởng thực tế tăng tốc so với năm trước, một phần nhờ sự phục hồi từ mức tăng trưởng 3% vào năm 2022, thời điểm mà nền kinh tế sụt giảm mạnh do tác động của các biện pháp chống COVID-19.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng danh nghĩa - có tính đến lạm phát - đã giảm xuống 4,6% vào năm 2023 từ mức 4,8% của năm trước đó.
Các quốc gia như Mỹ và Đức có tốc độ tăng trưởng danh nghĩa trên 6%, khiến sự suy thoái của Trung Quốc trở nên nổi bật khi so sánh với các nước phát triển lớn ngoài Nhật Bản.
Theo Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa chậm lại của Trung Quốc “cho thấy chỉ số giảm phát GDP -0,5% vào năm 2023, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1998-99”.
“Chỉ số giảm phát GDP âm cho thấy mức giá chung đang giảm đáng kể, phù hợp với lạm phát CPI thấp liên tục và lạm phát PPI âm”, ông viết.
Nhu cầu trong nước ở Trung Quốc vẫn chậm chạp trong bối cảnh bất động sản sụt giảm kéo dài và thị trường việc làm khó khăn, đặc biệt là đối với giới trẻ. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực công nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh năng lực cung ứng và gây áp lực giảm phát liên tục lên nền kinh tế.
Trong khi giá tiêu dùng giảm so với cùng kỳ trong 4 tháng liên tiếp cho đến tháng 1, thì chỉ số giá sản xuất so với cùng kỳ năm trước lại ở mức âm kể từ tháng 10/2022.
Nhà phân tích Lillian Li của Moody's Investor Service cho biết chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp trong những tuần gần đây nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng kết quả thực tế vẫn chưa rõ ràng.
“Tác động đến tăng trưởng GDP danh nghĩa trong năm 2024 sẽ phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp kích thích trong tương lai có thể cải thiện niềm tin của thị trường và thúc đẩy nhu cầu một cách bền vững hay không”, bà nói.
Theo Thomas Gatley, chiến lược gia về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu độc lập Gavekal, áp lực giảm phát ở Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn, hoặc thậm chí có thể gia tăng và gây áp lực giảm giá toàn cầu.
“Do đợt bùng nổ nhà ở rõ ràng đã qua, chính phủ đang dồn toàn bộ sức lực vào việc mở rộng sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai”, ông nói. “Có lý do thuyết phục để tin rằng Trung Quốc thực sự sẽ vẫn là một quốc gia giảm phát trong những năm tới”.
“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và hệ thống tài chính đều cam kết bơm thêm vốn vào lĩnh vực sản xuất”, ông nói thêm.
Sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là nhân tố quan trọng giúp giảm lạm phát toàn cầu trong 2 thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Trong khi vẫn còn tranh luận về việc liệu lạm phát ở các nền kinh tế phát triển có quay trở lại mức trước đại dịch hay không, ông Gatley tin rằng yếu tố Trung Quốc có thể sẽ đẩy giá xuống.
“Tác động của Trung Quốc lên giá cả toàn cầu thậm chí còn nghiêng rõ ràng hơn theo hướng giảm phát”, ông nói.
Nền kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng danh nghĩa trung bình hàng năm khoảng 12% từ năm 2000 đến năm 2022. Tốc độ tăng trưởng danh nghĩa chậm lại đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường chậm lại. Điều này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty kinh doanh tại Trung Quốc.
S&P Global Ratings dự báo lợi nhuận tại các công ty được xếp hạng ở 7 quốc gia lớn ở châu Á -Thái Bình Dương - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand - sẽ tăng trưởng ở mức 5% hoặc thấp hơn trong năm nay.
Cơ quan xếp hạng cho biết con số này thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa của khu vực, trong đó "tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc" là lý do chính.
Nhật Bản rơi vào suy thoái, mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc
Trung Quốc chưa thể vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới
Theo Nikkei Asia