|
Lãnh đạo Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác ứng phó với dịch ở Thủ đô |
Hà Nội cần hỗ trợ
Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho rằng, Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 (gọi tắt là BCĐ), nhưng tốc độ lây truyền đã bộc lộ những rủi ro, cần phải nhanh chóng và quyết liệt hơn. Hà Nội hiện đã phải tăng cường lực lượng công an để bám vết các F1, F2. Vì thế, đề nghị BCĐ hỗ trợ vì Hà Nội cần được tăng cường nguồn lực và năng lực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, đồng chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết: Chỉ từ ngày 27/1 đến nay, Hà Nội đã có 19 ca mắc mới. Đáng nói là số F1 trở thành F0 khá cao: 3/72 mẫu dương tính; 69/72 mẫu âm tính lần 1. Chỉ tính riêng số người từ Chí Linh (Hải Dương) và Quảng Ninh về Hà Nội từ 1/1/2021 đã là gần 16 nghìn người. Đã xét nghiệm được 14.652 mẫu, trong đó, 5.400 mẫu có kết quả xét nghiệm với 4 mẫu dương tính.
“Các trường hợp mắc ngoài cộng đồng đều đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Các ca mắc của Hà Nội đều xác định được nguồn lây, đều liên quan đến ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh. Chủng virus lần này biến đổi nên lây lan nhanh, thời gian phát bệnh cũng nhanh; tỉ lệ F1 chuyển thành F0 nhiều hơn các đợt trước” – Ông Hạnh nhận định.
Truy vết là vấn đề hàng đầu, nhất là ưu tiên F1. Tuy nhiên, việc truy vết rất phức tạp, nhất là BN1694 đi Hải Dương về từ 17/1, em vợ của BN này cũng có lịch trình di chuyển phức tạp.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ khó khăn với lãnh đạo UBND TP Hà Nội |
Khó khăn về mẫu xét nghiệm
Riêng về xét nghiệm, Hà Nội cho biết đây là vấn đề khá nan giải, nên đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 50.000 mẫu. Đợt dịch ở Đà Nẵng được Bộ Y tế hỗ trợ nên làm nhanh, còn đợt này khá chậm chạp.
Ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, từ 25/1 đến nay cả nước đã có 262 ca ở 10 tỉnh (Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…) và đều tăng theo từng ngày, đa phần đều liên quan đến Hải Dương và Vân Đồn. Để hỗ trợ Hà Nội truy vết và xét nghiệm, Bộ Y tế đã giao cho 12 đơn vị hỗ trợ tổng số 50.000 mẫu, trong đó, Trường Đại học Y Hà Nội 5 ngàn, Trường Đại học Y tế công cộng 3 ngàn, BV Nhi Trung ương 5 ngàn, BV Bạch Mai 2 ngàn vv….
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị Hà Nội không nên “đóng băng” việc mua sắm thiết bị, mà cần nâng cao năng lực xét nghiệm của CDC Hà Nội, đồng thời, cần phát triển cả các BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn để 2 BV này “chia lửa” với các BV khác nếu dịch lan rộng hơn
Về cơ sở điều trị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Vương Ánh Dương lưu ý các F0 của Hà Nội là 19 ca đã đưa đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Quảng Ninh cũng đã chuyển 6 ca tới và xu hướng các tỉnh khác sẽ đưa về đông. Vì thế, cần có kế hoạch để các BV ở Hà Nội như BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn không chỉ hỗ trợ mà còn là cơ sở điều trị.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh |
Tình hình khó khăn hơn, phức tạp hơn
Không giấu được lo ngại trước tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Phân tích dịch tễ cho thấy tình hình khó khăn hơn, phức tạp hơn, khác hẳn đợt dịch ở Đà Nẵng. Giải trình tự gen trường hợp sang Nhật thì thấy đã biến chủng, tốc độ lây nhiễm nhanh, bệnh tăng nặng, kể cả ở người trẻ. Chu kỳ lây bệnh trước là 4-5 ngày, nay chỉ còn rất ngắn, gần như xoá chu kỳ lây nhiễm. Thời gian khởi phát rất nhanh; khả năng nhân lên của virus và mầm bệnh rất cao. Mới 4 ngày qua đã có chu kỳ lây nhiễm thứ 4 là rất nguy hiểm. Cơ chế lây cũng dễ hơn trước. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt và nhanh” - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Hà Nội phải thay đổi cách thức đối phó với dịch và nâng lên 1 mức ứng phó. Truy vết nhưng phải khoanh vùng ngay, càng nhanh, càng rộng càng tốt. Phải lấy mẫu triệt để những người dân sinh sống khu vực có dịch.
“Nâng cao hơn 1 mức vì phải cân nhắc thực hiện chỉ thị 15 hoặc 16 của Chính phủ để giãn cách trong 1 vài quận, chứ không chỉ 1 vài phường. Phải phong toả 1 số khu vực, lấy mẫu xét nghiệm rồi phong toả hẹp hơn. Phải lấy mẫu ở Đông Anh, Mê Linh, Nam Từ Liêm nhiều hơn và nhanh hơn. Trước chỉ cách ly tập trung F1, còn nay phải coi F1 là nghi bệnh và truy ngay F2, cách ly tại nhà nghiêm ngặt chứ không phải khuyến cáo” – Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Hà Nội cần thay đổi chiến thuật với các khuyến cáo mạnh mẽ: Bắt buộc phải đeo khẩu trang trên toàn thành phố; đóng cửa 1 số dịch vụ vui chơi, giải trí; hạn chế người dân từ Hà Nội đi và từ các nơi đến Hà Nội. Xét nghiệm toàn bộ người dân đi từ vùng dịch về.
Phải tập trung lấy mẫu nhanh
“Về việc xét nghiệm, Hà Nội phải lấy mẫu rất nhanh, cần thiết thì phải huy động sinh viên các trường đại học y trên địa bàn, dùng cả lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường. Vì virus biến chủng lây rất nhanh nên phải đặc biệt chú ý việc phòng hộ cho nhân viên y tế, cho những người làm công tác phòng, chống dịch để tránh lây nhiễm. Phải rà soát các khu vực trọng điểm, đặc biệt là các BV” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
|
Cuộc họp bàn về phòng, chống dịch cho Hà Nội |
Bộ trưởng cho biết hiện Hải Dương đã chủ động được xét nghiệm, nên Trung ương sẽ dành công suất xét nghiệm cho Hà Nội. Hà Nội làm được bao nhiêu, sẽ chuyển mẫu cho bấy nhiêu.
Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội nên hợp tác với tư nhân, như kinh nghiệm của Hải Dương, lấy theo giá Bộ Tài chính quy định, để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Hà Nội phải đẩy nhanh 50-100 nghìn mẫu/ngày mới được. “Đợt dịch ở Đà Nẵng còn tự tin nhưng đợt này rất lo ngại vì diễn biến dịch hoàn toàn khác” – Bộ trưởng bày tỏ.
Về công tác điều trị, trước mắt, Bộ Y tế bố trí BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 sẽ nhận điều trị bệnh nhân cho Hà Nội, nhưng Hà Nội cần phải khởi động ngay BV dã chiến. Chỉ trong 24h, BV Bạch Mai đã lo ngay được BV dã chiến cho Hải Dương với các thiết bị ngang với BV Trung ương, vì thế, BV Bạch Mai cũng sẽ chuẩn bị BV dã chiến cho Hà Nội.